Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Lo ngại vì lãi suất nợ Ý tăng cao

Ngày 25/11/11, lãi suất trái phiếu Ý tăng cao chưa từng thấy, trong bối cảnh thị trường vẫn căng thẳng và thất vọng từ cuộc họp nguyên thủ ba nước có nền kinh tế hàng đầu châu Âu. Chỉ số các thị trường chứng khoán châu Âu đều bị sụt giảm vào trưa nay.

Thượng đỉnh ba nước Ý, Pháp và Đức tại Strasbourg ngày 24/11/11
Thượng đỉnh ba nước Ý, Pháp và Đức tại Strasbourg ngày 24/11/11 REUTERS/Michel Euler/Pool
Quảng cáo

Lãi suất trái phiếu kỳ hạn sáu tháng của Ý đã tăng lên đến hơn 6,5% so với hôm 26/10 ( khi đó là hơn 3,5%). Còn trái phiếu kỳ hạn hai năm có tỉ lệ lãi đến trên 7,8% so với trước là 4,6%. Như vậy lãi suất đã tăng cao chưa từng thấy kể từ khi khu vực đồng euro được thành lập cho đến nay. Mức lãi này được xem là khó thể chịu đựng nổi, khi nước Ý đang gánh món nợ khổng lồ là 1.900 tỉ euro, tương đương 120% tổng sản phẩm nội địa. Tuy vậy ngân khố Ý cũng đã huy động được 10 tỉ euro như mong muốn.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ý nhìn nhận, tình trạng căng thẳng trên thị trường có thể tạo thêm nghi ngờ về khả năng thanh toán của nước Ý và nhấn mạnh phải khẩn trương tái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Các thị trường chứng khoán Paris, Franckfurt , Luân Đôn, Madrid và Milan hôm nay đều bị sụt giảm từ 0,64% đến 1,88%. Trong bối cảnh đó, ủy viên châu Âu về vấn đề kinh tế Olli Rehn đã đến Roma hôm nay. Ông Rehn tuyên bố, Ý đang phải đối mặt với “các thử thách khổng lồ”, nhưng ông cho rằng việc tái thúc đẩy tăng trưởng và lành mạnh hóa nền tài chính công là những mục tiêu có thể đạt được.

Thủ tướng Ý Mario Monti vừa nhậm chức được hai tuần, trong cuộc họp với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 24/11/11 tại Strasbourg đã cam đoan Ý sẽ đạt được cân bằng ngân sách vào năm 2013. Các kế hoạch khắc khổ được thông qua vào tháng 7 và tháng 9 chưa thể đạt được đích nhắm, trong lúc các con số thống kê mới nhất về tiêu dùng và sản xuất công nghiệp gây lo ngại Ý sẽ bước vào suy thoái. Vì vậy ông Monti phải tiếp tục cải cách chế độ hưu và thị trường lao động, cũng như tự do hóa nền kinh tế.

Nhưng các nhà đầu tư tỏ ra không mấy tin tưởng, sau khi cuộc họp thượng đỉnh ba nước hôm qua không đạt kết quả mong muốn. Thị trường hy vọng Đức sẽ linh hoạt hơn trong việc cho phép Ngân hàng Trung ương châu Âu mua lại hàng loạt nợ của các quốc gia trong khu vực đang gặp khó khăn, nhưng bà Merkel không hề nhượng bộ trước áp lực của Pháp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.