Vào nội dung chính
KINH TẾ

Moody’s cảnh báo điểm tín nhiệm của tất cả các nước châu Âu bị đe dọa

Ngày hôm qua, 27/11/2011, trong một thông cáo « bình luận đặc biệt » về tình hình các nước châu Âu, công ty thẩm định tài chính quốc tế Moody’s nhận định rằng khu vực đồng euro sẽ duy trì được sự thống nhất, ngoại trừ trường hợp Hy Lạp, nhưng « kịch bản tích cực này vẫn hàm chứa những hậu quả rất tiêu cực đối với các điểm tín nhiệm » của các nước châu Âu.

Quảng cáo

Vừa qua, công ty thẩm định tài chính này đã cảnh báo là Pháp có thể bị mất điểm tín nhiệm AAA. Giờ đây, Moody’s cho rằng nguy cơ bị hạ điểm tín nhiệm không loại trừ bất kể một quốc gia châu Âu nào, kể cả những nước được coi là vững chắc như Hà Lan, Áo, Phần Lan và thậm chí cả Đức, theo đó, « tình hình của cuộc khủng hoảng nợ công và của các ngân hàng khu vực đồng euro liên tục xấu đi nghiêm trọng và đe dọa chất lượng tín dụng của tất cả các nước châu Âu ».

Moody’s thẩm định là trong tổng thể, khu vực đồng eurocó sức mạnh kinh tế và tài chính khổng lồ, nhưng sự yếu kém của các định chế tiếp tục ngăn cản việc tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng và tác động đến mức điểm tín nhiệm của các nước. Do thiếu vắng các biện pháp chính trị giúp ổn định các thị trường, mức độ rủi ro tín dụng của các nước châu Âu sẽ tiếp tục gia tăng.

Sau khi nhắc lại rằng một số nước như Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Hungary đã được hưởng một hoặc nhiều kế hoạch hỗ trợ tài chính của Liên Hiệp Châu Âu hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, công ty Moody’s nhận định là các nước châu Âu khác có thể cũng cần sự giúp đỡ như vậy, nếu Liên Hiệp Châu Âu không nhanh chóng có được một giải pháp thỏa đáng đối phó với khủng hoảng và trong thời gian tới, rất có thể những nước này cũng bị hạ điểm tín nhiệm.

Theo Moody’s « khả năng phá sản của nhiều nước trong khu vực đồng euro không phải là nhỏ » và nguy cơ này không ngừng tăng do thiếu vắng giải pháp cho khủng hoảng.

Trong bối cảnh căng thẳng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF đã phải lên tiếng cải chính tin tức của báo chí, theo đó, IMF có những cuộc thảo luận với Ý để hỗ trợ nước này.

Theo nhật báo của Ý La Stampa, dường như IMF có kế hoạch hỗ trợ từ 400 đến 600 tỷ euro, lãi suất khá thấp, từ 4% đến 6%, giúp giảm bớt áp lực tài chính đối với Ý trong vòng từ 12 đến 18 tháng, để nước này thực hiện các biện pháp cắt giảm ngân sách và cải cách kinh tế.

Nhật báo La Stampa giải thích, kịch bản này được tính tới bởi vì Đức chống lại việc mở rộng vai trò Ngân hàng Trung uơng châu Âu, hỗ trợ tài chính cho các nước gặp khó khăn.

Hôm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ra thông cáo nói rằng « không có các cuộc thảo luận với chính quyền Ý về một chương trình tài trợ của IMF ».

Liên quan đến thái độ của Đức trong việc đề ra những biện pháp đối phó với khủng hoảng, cho đến nay, Berlin vẫn tỏ thái độ cứng rắn, nhấn mạnh đến tính độc lập của Ngân hàng Trung ương châu Âu, không chấp nhận đề xuất của Pháp cho phép định chế này, trong trường hợp khẩn thiết, có thể hỗ trợ tài chính cho các nước gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, việc phát hành công trái châu Âu cũng là một trong những biện pháp đối phó với khủng hoảng. Nếu như trước đây, Đức phản đối việc phát hành công trái chung cho tất cả các nước trong khu vực euro và cho rằng chưa đến lúc làm việc này thì giờ đây, dường như lập trường của Berlin có uyển chuyển đôi chút.

Theo nhật báo Die Welt, chính quyền Đức đang tính đến khả năng phát hành công trái chung của nhóm nước có điểm tín nhiệm AAA. Như vậy, các nước này có thể đi vay trên thị trường quốc tế với lãi suất khá thấp, từ 2% đến 2,5%. Nguồn tài chính giá rẻ này sẽ được đưa vào Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu FESF, để giúp các nước gặp khó khăn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.