Vào nội dung chính
SYRIA

Quốc tế gia tăng trừng phạt Syria

Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ siết chặt các biện pháp trừng phạt Syria. Các áp lực quốc tế đối với Damas tiếp tục tăng mạnh.

Biểu tình chống chế độ Assad ngày 18/11/2011 tại Damas
Biểu tình chống chế độ Assad ngày 18/11/2011 tại Damas Reuters / Handout
Quảng cáo

Nhằm tạo thêm áp lực về tài chính đối chế độ của Tổng thống Bachar al Assad, ngày 02/12/2011, châu Âu  quyết định áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với 3 công ty dầu lửa của Syria.

Đầu tháng 9/2011, Liên hiệp châu Âu cũng nhắm vào nguồn cung cấp tài chính của chế độ Damas bằng lệnh cấm mua dầu thô của Syria. Tiếp đó Bruxelles cũng đã áp dụng lệnh phong tỏa tài sản, cấm buôn bán và cấm nhập cảnh đối với hàng chục tổ chức và cá nhân quan chức chính quyền được cho là có liên quan đến việc hỗ trợ cho Damas tiến hành các vụ trấn áp bạo lực đối với phong trào phản kháng.

Cũng trong ngày hôm nay, tại Bruxelles, Ngoại trưởng các nước châu Âu đã gặp Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập Nabil al-Arabi để bàn phối hợp mặt trận chống lại Tổng thống Assad. Các Ngoại trưởng châu Âu hy vọng những biện pháp trừng phạt chưa từng có của Liên đoàn Ả Rập sẽ có tác dụng làm lay chuyển chế độ Damas và mong muốn Liên đoàn tiếp tục tăng cường áp lực của mình.

Tiếp theo các biện pháp của Liên đoàn Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã quyết định đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Syria như phong tỏa các thanh toán thương mại và tạm ngừng các giao dịch giữa ngân hàng Trung ương của hai nước.

Về phần mình, Hoa Kỳ hoan nghênh các biện pháp trừng phạt của châu Âu đối với Syria cũng như đối với Iran, một đồng minh thân cận của Damas. Nhà Trắng coi đó là những dấu hiệu cho thấy thái độ kiên quyết của cộng đồng quốc tế trước cách hành động vi phạm nhân quyền của chế độ Assad. Bản thân Washington cũng đã quyết định một lọat các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào các cá nhân và các công ty có liên quan đến việc hỗ trợ tài chính cho chính quyền Assad.

Trong chuyến thăm Thổ Nhỹ Kỳ ngày 01/12/2011, Phó tổng thống Mỹ Jo Biden đã khẳng định lại rằng chính quyền Mỹ kêu gọi Tổng thống Assad từ chức để tiến hành chuyển giao quyền lực trong hòa bình tại Syria.
Trong khi đó con số nạn nhân của các cuộc đàn áp của chính quyền Damas vẫn tiếp tục tăng.

Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc cho biết, kể từ tháng 3 đến nay, tại Syria ít nhất đã có 4000 người chết trong các cuộc đàn áp, 14 nghìn người bị bắt giữ vì liên quan đến biểu tình chống chế độ và hàng chục nghìn người phải tỵ nạn.

Tại phiên họp bất thường của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc tại Genève để bàn về tình hình nhân quyền ở Syria, lãnh đạo cơ quan này, bà Navi Pillay đã kêu gọi quốc tế phải có những « biện pháp khẩn cấp để bảo vệ thường dân », nếu không Syria sẽ rơi vào một cuộc nội chiến.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.