Vào nội dung chính
NGA - BẦU QUỐC HỘI

Kết quả bầu cử Nga : Lời cảnh báo cho tham vọng của Vladimir Putin

Không giành được thắng lợi áp đảo, đảng Nước Nga Thống nhất vẫn chiếm đa số nhưng bị mất 15% phiếu bầu so với cuộc bầu cử năm 2007. Lần này, đảng Nước Nga Thống nhất chỉ chiếm 238 ghế so với 315 của khóa trước. Bước lùi đầu tiên của đảng cầm quyền Nuớc Nga Thống nhất thể hiện sự phản đối chính trị đối với « mô hình Putin ».

Thủ tướng Putin họp với các lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất phụ trách các vùng, ngày 06/12/2011
Thủ tướng Putin họp với các lãnh đạo đảng Nước Nga Thống nhất phụ trách các vùng, ngày 06/12/2011 Reuters
Quảng cáo

Hầu hết các báo Pháp đều cho đây là một kết quả thất bại đối với đảng cầm quyền, cho dù trong chiến dịch tranh cử, đảng này đã sử dụng mọi ưu thế có trong tay như truyền thông, áp dụng các biện pháp hành chính có lợi cho mình, gây áp lực lên các ủy ban bầu cử địa phương.

Mất 15 điểm, thất bại của đảng nước Nga Thống Nhất trước hết là thất bại của Thủ tướng Nga Vladimir Putin, ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống Nga vào tháng Ba sắp tới. Xã luận báo Le Monde khẳng định thất bại này là « bài học của cử tri dành cho Vladimir Putin ». Nắm trong tay tất cả các công cụ chuyên quyền độc đoán mà đảng cầm quyền chỉ dành được hơn 49% phiếu bầu, thì đó là một thất bại không thể chối cãi của cặp bài trùng Putin-Medvedev.

Le Monde nhận thấy trong cuộc bầu cử Quốc hội Nga vừa rồi, mọi phương tiện đã được tung ra để bảo đảm một thắng lợi áp đảo của đảng cầm quyền, trong đó có cả thủ đoạn gian lận. Theo tờ báo, vô số các bức ảnh, băng ghi hình và nhân chứng đã được cử tri bất bình tung lên các mạng xã hội vẫn còn đó là bằng chứng cho khẳng định đảng cầm quyền đã gian lận trong bầu cử.

Tờ báo cũng liệt kê thêm những dấu hiệu bất thường khác của cuộc bầu cử như ủy ban bầu cử cũng đã rút danh sách quan sát viên phương Tây. Sáng ngày bầu cử, hàng lọat các cuộc tấn công tin học đã làm tê liệt các cơ quan truyền thông và địa chỉ internet chỉ trích chế độ, đặc biệt là địa chỉ của Golos. Tổ chức phi chính phủ này dự tính sẽ tiến hành giám sát độc lập cuộc bầu cử nhưng bị Kremlin quy kết cho là làm việc theo lệnh của các cơ quan tình báo phương Tây.

Xã luận báo Le Monde phân tích « Ở nước Nga, về mặt thể chế, không có gì thay đổi. Cuộc bầu cử tổng thống tháng 3 năm 2012 không đe dọa đến ông Putin, bản thân ứng cử viên này thậm chí đã chỉ định tổng thống đương nhiệm làm thủ tướng cho mình trong tương lai. Thành phần các đảng phái trong Quốc hội Nga cũng chẳng mấy ảnh hưởng đến ban lãnh đạo Kremlin.

Theo Le Monde, nếu không muốn gọi kết quả cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua là một thất bại của đảng cầm quyền, thì phải coi đây là sự phản kháng đối với « mô hình Putin » độc quyền trị vì đời sống chính trị ở Nga suốt 11 năm qua.

Nhưng có điều, báo Le Monde kết luận, ông Putin không thể làm ngơ với kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội được coi như lời cảnh báo cho đảng cầm quyền, đặc biệt là việc trỗi dậy của đảng Cộng sản Nga. Sau đúng 20 năm Liên bang Xô viết sụp đổ, đảng Cộng sản đã về nhì với 20% phiếu.

Cùng chung nhận định với Le Monde, báo L’Humanité có bài viết « Vladimir Putin nhận được cảnh báo đầu tiên ». Theo tờ báo, lần đầu tiên kể từ 12 năm nắm quyền, Thủ tướng Putin đã bị cử tri trừng phạt bằng lá phiếu bầu của mình. Cuộc bầu cử Quốc hội Nga được coi như là một cuộc trưng cầu dân ý về chính sách của ông Putin. Kết qủa của nó là một cảnh báo của người dân Nga trực tiếp nhắn gửi đến ông Putin, khi mà chỉ còn ít tháng nữa, họ lại sẽ bỏ lá phiếu bầu ông làm tổng thống Nga. Ông Putin sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới là đời sống người dân Nga ngày càng đi xuống. Nạn tham những tràn lan, xếp hàng đầu thế giới. 

Cặp Pháp-Đức lại lên tuyến đầu giải cứu khủng hoảng nợ công châu Âu

Chiếm trang nhất hầu hết các báo Pháp ra hôm nay là cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua (5/12) tại Paris để chuẩn bị cho cuộc họp Thượng đỉnh các nước Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 9/12 tới đây tại Bruxelles, mà nội dung không ngoài bàn tính chuyện giải cứu khu vực đồng euro ra khỏi khủng hoảng nợ.

Hình ảnh và tên cặp Merkel – Sarkozy hôm nay lại trở lại khắp các trang báo sau khi lãnh đạo hai nước đạt thỏa thuận xem xét lại Hiệp ước chung của Liên hiệp, nhấn mạnh trên vấn đề kỷ luật ngân sách, thắt chặt chi tiêu ở các nước thành viên, một đòi hỏi được coi là cấp bách để đưa châu Âu thoát khỏi khủng hoảng nợ.

Báo Libération gọi quan hệ Pháp – Đức lúc này là cuộc « hôn nhân lý trí », tựa trang nhất. Theo Libération thì mặc dù đạt được thỏa thuận, nhưng hai nước vẫn còn nhiều bất đồng về tương lai của Liên hiệp.

Nhật báo Công giáo La Croix cũng chạy tựa lớn bằng một câu có vẻ như than vãn : Khu vực đồng euro, đến lúc thắt lại kỷ luật. Tờ báo Cộng sản l’Humanité tập trung chỉ trích tổng thống Pháp « Sarkozy buộc phải chạy theo bước của Merkel ».

Le Figaro nói nhiều hơn đến thỏa thuận với nhận định « Thỏa thuận Sarkozy-Merkel để xây dựng lại châu Âu ». Theo Le Figaro, thỏa thuận giữa hai nước là lối thoát duy nhất cho khu vực đồng euro lúc này, vì « Pháp và Đức đóng vai trò đầy đủ của mình bằng việc tạo cơ sở xây dựng một Hiệp ước mới, qua đó, áp đặt cho các nước thành viên một thứ kỷ luật ngân sách thực sự …nhằm lấy lại niềm tin ». Le Figaro còn ca ngợi rằng : « Angela Merkel và Nicolas Sarkozy đã chỉ ra con đường. Những ai muốn cứu châu Âu thì phải đi theo họ ».

Như đồng thanh với Le Figaro, nhật báo kinh tế Les Echos đưa ra nhận định lạc quan « Sau hai năm khủng hoảng, khu vực đồng euro cuối cùng đã có được công cụ để có thể tránh bị đổ vỡ. Vào thời điểm cuối năm này, thì đây ( thỏa thuận) là một bước nhảy vọt. Phần còn lại là xây dựng đề án kinh tế ».

Một khía cạnh khác của sự kiện cũng được các báo đề cập đến, đó là trong mối quan hệ tay đôi Pháp –Đức này, Thủ tướng Angela Merkel là người nắm vai trò chủ đạo và Tổng thống Pháp đã phải nhượng bộ nhiều để Đức chung tay cứu đồng euro.

Hillary Clinton, nhà ngoại giao nổi bật trên trường quốc tế, đầy uy tín ở trong nước

Là cựu đệ nhất phu nhân của nước Mỹ rồi từng có tham vọng trở thành lãnh đạo Hoa Kỳ, nhưng đã thất bại trên đường đua vào Nhà Trắng ngay từ vòng bầu cử sơ bộ trong đảng Dân chủ, giờ đây, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là một nhân vật có uy tín nhất trong chính quyền của Tổng thống Obama.

Báo Le Monde hôm nay dành một trang để viết về chân dung Ngoại trưởng Mỹ, một con người đã quá nổi tiếng ở khắp các mặt trận ngoại giao trên thế giới cũng như ngay trong chính trường Mỹ.

Thất bại trong cuộc cạnh tranh với ông Obama ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2007, nhưng sau đó bà Hillary được mời về lãnh đạo ngành ngoại giao của chính quyền Obama. Ba năm sau, cựu đệ nhất phu nhân trở nhân vật có uy tín nhất trong chính quyền Mỹ.

Theo một thăm dò dư luận do hãng tin Blooberg tiến hành hồi tháng 9, bà Hillary Clinton được tới 69 % dân Mỹ ủng hộ. Thậm chí 1/3 người dân Mỹ còn cho rằng đất nước họ có lẽ đã khá hơn bây giờ nếu như bà Clinton làm tổng thống. Một thăm dò khác giả định bà ra tranh cử tổng thống vào năm 2012, cũng cho thấy bà sẽ giành thắng lợi rõ rệt trước các đối thủ đảng Cộng hòa.

Bài báo cho biết, ở trong bộ Ngoại giao, sức làm việc của bà Ngoại trưởng mới thật là phi thường. Kể từ chuyến công du đầu tiên đến châu Á hồi tháng 2 năm 2009, bà Clinton đã giữ nhiều kỷ lục kỷ lục: Đã đi qua một triệu km, đã đi thăm 91 nước. Những người làm việc dưới quyền tại bộ Ngoại giao Mỹ cũng như các nhà ngoại giao châu Âu đều tỏ khâm phục sức làm việc không mệt mỏi của bà Clinton.

Thứ Năm hàng tuần, bà đều đặn dành 45 phút gặp Tổng thống Obama để báo cáo về tình hình. Với Tổng thống Obama, người từng là đối thủ chính trị, ở cương vị cấp dưới, bà Clinton luôn đặt lòng trung thành lên trên hết, nhưng vẫn giữ được sự tự quyết độc lập.

Trên trường quốc tế, lãnh đạo ngành ngoại giao Hoa Kỳ luôn là người khôn khéo biết bảo vệ lợi ích của nước Mỹ trong bất kỳ hòan cảnh nào. Đặc biệt bà Clinton còn là người mở rộng trường hoạt động của ngoại giao Mỹ. Các cộng sự của bà Clinton đều nhất trí đánh giá là bà đã thành công trong việc lồng vào chính sách ngoại giao các vấn đề như phát triển, an toàn thực phẩm, vai trò phụ nữ hay việc tiếp cận công nghệ hiện đại.

Giờ đây, nhiều người đặt câu hỏi về tham vọng chính trị của Hillary Clinton. Đầu năm nay, bà đã cho biết sẽ rời bộ Ngoại giao cho dù ông Obama có tái đắc cử. Càng gần đến chiến dịch tranh cử tổng thống, nhiều nhà chiến lược của đảng Dân chủ đã lên tiếng kêu gọi ông Obama hãy rút lui, để nhường cho bà Hillary Clinton ra tranh cử tổng thống vào năm tới. Cho đến lúc này, phát ngôn viên Nhà Trắng vẫn loại bỏ khả năng đó với lời cam đoan “ Barack Obama và Joe Biden sẽ tái đắc cử vào tháng 11 năm 2012”.

Thế nhưng, theo bài báo, ở Mỹ, không môt ai có thể nghĩ hay muốn tin rằng bà Hillary Clinton sẽ rút khỏi chính trường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.