Vào nội dung chính
NGA

Xã hội công dân Nga vùng lên thách thức quyền lực của Putin

Dù bị đàn áp không thương tiếc, phong trào chống bầu cử gian lận tại Nga vẫn không chùng bước. Vào hôm nay, 07/12/2011, những lời kêu gọi xuống đường vẫn tiếp tục được đưa ra, và được cả ngàn người hưởng ứng. Theo giới phân tích, từ nhiều năm nay, chưa bao giờ nhân vật số một tại Nga là ông Vladimir Putin lại bị công khai thách thức đến như vậy.

"Một nước Nga không có Putin", khẩu hiệu đấu tranh của người biểu tình 25/11/2011 (REUTERS)
"Một nước Nga không có Putin", khẩu hiệu đấu tranh của người biểu tình 25/11/2011 (REUTERS)
Quảng cáo

Theo hãng tin AFP, vào hôm nay 7/12/2011, một nhóm tự mệnh danh là « Phong trào đấu tranh cho bầu cử trong sạch », thông qua mạng xã hội, đã kêu gọi mọi người tập hợp vào chiều thứ bảy tới đây tại trung tâm thành phố Mátxcơva. Cho đến trưa nay, hơn 8.000 người đã đáp ứng lời kêu gọi trên Facebook. 

Một nhóm khác, gọi là « Chống đảng của những kẻ lừa đảo và trộm cắp », tên gọi phổ biến hiện nay của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất của thủ tướng Putin, thì kêu gọi mọi người biểu tình hàng ngày vào lúc 19 giờ. Nhóm này tuyên bố : « Bởi vì chính quyền đã đánh cắp cuộc bầu cử của nhân dân, chúng ta chỉ có thể bảo vệ quyền lợi của mình trên đường phố ! ».

Phong trào chống đảng cầm quyền đã bùng lên dữ dội tại Nga sau cuộc bầu cử Hạ viện Duma hôm Chủ nhật, bị các quan sát viên quốc tế cũng như phe đối lập cho là đầy rẫy gian lận. Cả chục ngàn người Nga đã xuống đường tại hai thành phố lớn là Mátxcơva và St Petersburg để phản đối. 

Trước việc uy quyền hầu như tuyệt đối của mình bị thách thức, thủ tướng Nga đã thẳng tay trấn áp, viện đến cả lực lượng đặc biêt để chống biểu tình. Kết quả là đã có hàng trăm người bị bắt. Từ thủ đô nước Nga, Thông tín viên Anastasia Becchio tường thuật : 

"Hàng ngàn nguời cố tiến về quãng trường Triumphalnaya, nơi tập hợp truyền thống của phe đối lập Nga. Thế nhưng nơi này đã bị hàng ngàn thanh niên ủng hộ ông Putin chiếm đóng, hô to khẩu hiệu : ‘‘Nước Nga, Putin’’. 

Bà Anna nước mắt lưng tròng cùng với chồng biểu tình khẳng định : « Sau cuộc bầu cử này thì tôi sẽ tham gia mọi cuộc biểu tình. Nhưng cái đáng ghét là đài truyền hình ‘tay sai’ của chúng tôi chỉ chiếu những cảnh biểu tình ủng hộ, những người la hét ‘Nước Nga, Poutine, Medvedev’ mà thôi ». 

Rõ ràng là cảnh sát không gây phiền hà cho những người xuống đường ủng hộ điện Kremly, nhưng lại mạnh tay đối với những người của phe đối lập, hô khẩu hiệu ‘Nước Nga không bóng dáng Putin’ hay ‘Putin là kẻ cắp’ 

Sacha, một người hiếm khi biểu tình, cho biết là sở dĩ anh xuống đường, đó là vì cuộc bỏ phiếu hôm chủ nhật rất ‘dơ bẩn’ : « Tôi không bầu cho ông Putin, và những người tôi biết cũng không ai bầu ông. Cho nên không thể có 50% ở đây. Tôi nghĩ là người ta đã đánh cắp của chúng tôi đến 30% số phiếu ». 

Trong 2 đêm liền, phe đối lập đã tập họp đươc rất đông đảo người. Oleg Orlov, chủ tịch của hiệp hội Memorial nhìn thấy đây là dấu hiệu xã hội Nga chuyển biến : « Tình hinh đã thay đổi. Những người cho đến nay biểu lộ sự bất bình trên mạng Internet, qua Twitter, Facebook, bây giờ thì họ ra khỏi nhà xuống đường phản đối. Phải nói nhờ Internet họ đã thấy được gian lận bầu cử trắng trợn đến mức nào, và đó là yếu tố đã khiến họ tức giận và tham gia biểu tình đông đảo như thế. Mặc dù đã có hàng trăm người bị bắt, những lời kêu gọi tiếp tục biểu tình vẫn được đưa ra.’’ 

Đối với giới quan sát, quả là phong trào phản đối bầu cử gian lận đã có quy mô rộng lớn chưa từng thấy từ nhiều năm nay. Điều này phản ánh tâm trạng chán ngán của xã hội dân sự Nga ngày càng cảm thấy bị chế độ chuyên chế của ông Putin chèn ép. Báo chí Nga đã phải nói đến "Sự thức tỉnh của một thế hệ mới, cho đến nay thường theo xu hướng phi chính trị ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.