Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - TÀI CHÍNH

Standard & Poor’s cảnh báo Liên Hiệp Châu Âu về nguy cơ mất điểm AAA

Hai ngày trước khi có Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu để bàn về giải pháp đối phó với khủng hoảng nợ công, theo AFP, hôm qua, 07/12/2011, công ty thẩm định tài chính quốc tế Mỹ Standard & Poor’s ra thông báo cho biết đang theo dõi điểm AAA của Liên Hiệp Châu Âu.

Standard & Poor’s
Standard & Poor’s
Quảng cáo

Từ năm 1976, Standard & Poor’s cho Liên Hiệp Châu Âu điểm AAA, mức điểm cao nhất về khả năng tài chính và thanh toán nợ.

Hôm thứ Hai, 05/12, Standard & Poor’s đã đặt 15 nước trong khối đồng tiền chung châu Âu, trong đó có nhóm 6 nước được điểm AAA, dưới sự « giám sát tiêu cực », và nói rõ là có tới 50% nguy cơ sẽ hạ điểm của các nước này, đặc biệt là Pháp có thể bị mất hai nấc điểm.

Trong thông báo ngày hôm qua, công ty này giải thích rằng vấn đề tài chính của Liên Hiệp Châu Âu sẽ chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro. Thông báo viết : « Việc đặt Liên Hiệp Châu Âu dưới sự theo dõi thể hiện các lo ngại của chúng tôi về những tác động tiềm tàng của dịch vụ nợ của các Nhà nước trong khu vực đồng euro trong tương lai », trong bối cảnh các vấn đề chính trị, tài chính và tiền tệ của khu vực đồng tiền chung ngày càng nghiêm trọng. Standard & Poor’s cũng nhắc lại là, 17 nước của khối euro chiếm tới 62% tổng thu ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu năm 2011, trong đó, Đức chiếm 16%, Pháp 14%.

Liên Hiệp Châu Âu, với tư cách là một khối, không được phép trực tiếp đi vay để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Để làm việc này, hiệp định Châu Âu quy định là các quốc gia thành viên sẽ điều chỉnh phần đóng góp. Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu vẫn phát hành công trái với kỳ hạn từ 5 đến 15 năm để tài trợ cho các nước thành viên gặp khó khăn, như Hungary, Rumani, Hy Lạp, Irland và Bồ Đào Nha.

Trong khi đó, việc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh châu Âu, sẽ được tổ chức vào ngày mai, 09/12, tại Bruxelles, không tiến triển. Trong cuộc họp trù bị giữa các chuyên viên cao cấp Châu Âu, ngày hôm qua, 07/12, Berlin tỏ ra « bi quan », Paris lo ngại Châu Âu « tan vỡ », còn Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng sức ép đối với khu vực đồng euro để khối này nhanh chóng tìm ra giải pháp thoát khỏi khủng hoảng.

Theo một nguồn thạo tin, Pháp và Đức vẫn còn những bất đồng rất lớn về các thể thức bảo đảm duy trì kỷ luật ngân sách của các nước trong khối đồng euro, cũng như về các biện pháp ngăn chặn khủng hoảng lây lan.

Việc sửa đổi các hiệp định châu Âu cũng bế tắc. Để tránh mất thời gian và nhiều rủi ro trong việc chờ đợi Quốc hội của 27 thành viên phê chuẩn các sửa đổi của hiệp định, Ủy ban Châu Âu đề nghị sửa đổi dưới dạng nghị định thư bổ sung, gắn vào phần phụ lục của hiệp định. Tuy nhiên, Đức đã bác bỏ cách thức này.

Trong khi đó, Anh lại muốn mặc cả chỉ chấp nhận phê chuẩn các sửa đổi hiệp định, nếu Bruxelles chuyển giao một số quyền hành cho Luân Đôn.

Trước những khó khăn này, Châu Âu có thể từ bỏ dự án sửa đổi hiệp định liên quan đến 27 thành viên và các nước trong khối đồng euro sẽ thỏa thuận một hiệp định chỉ liên quan đến 17 thành viên. Kịch bản này không làm Ủy ban Châu Âu hài lòng, vì điều đó cho thấy là Châu Âu bị chia rẽ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.