Vào nội dung chính
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Canada quyết định rút ra khỏi Nghị định thư Kyoto

Bộ trưởng Môi trường Canada, ông Peter Kent, vào hôm qua, 12/12/2011, đã thông báo là nước ông rút ra khỏi Nghị định thư Kyoto chống biến đổi khí hậu, vốn quy định mức thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Theo ông, "nghị định thư không hữu hiệu" và Canada có nguy cơ bị phạt hàng tỷ đô la.

Bộ trưởng Môi trường Canada Peter Kent họp báo ngày 06/12/2011 tại Durban (Nam Phi).
Bộ trưởng Môi trường Canada Peter Kent họp báo ngày 06/12/2011 tại Durban (Nam Phi). REUTERS/Rogan Ward
Quảng cáo

Theo thỏa thuận ký kết thì Canada phải giảm 6% lượng khí thải vào năm 2010 so với mức thải 1990. Trong thực tế, mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Canada không những không giảm mà lại còn tăng lên. Năm 2009, lượng khí thải của Canada đã tăng 17% so với mức 1990.

Chính quyền hiện nay của thủ tướng Stephen Harper đã chỉ trích ‘sự sai lầm’ của chính phủ tiền nhiệm khi ký kết nghị định thư. Canada như thế là quốc gia đầu tiên chính thức rút khỏi nghị định thư ký vào năm 1997 và có hiệu lực năm 2005.

Bộ trưởng môi trường Canada có mặt tại hội nghị khí hậu ở Durban (Nam Phi) đánh giá là lộ trình đưa ra ở Durban là ‘con đường tương lai’ đối với Canada, trong lúc Kyoto thuộc về quá khứ, là một lực cản hơn là một giải pháp chung đối với hiện tượng khí hậu bị hâm nóng. Theo ông Peter Kent, sở dĩ Kyoto không hữu hiệu, đó là vì văn kiện này không bao gồm hai quốc gia gây ô nhiễm nhiều nhất trên hành tinh : Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bộ trưởng môi trường Canada không cho biết thời điểm cụ thể quốc gia ông thực hiện quyết định của mình, nhưng thông báo rút khỏi nghị định được đưa ra hôm qua đã làm dấy lên phản đối mạnh mẽ. Giới bảo vệ môi trường Canada, cho là ông Peter Kent không biết rằng quyết định đó sẽ gây hại đến mức nào cho thế hệ trẻ sau này.

Trung Quốc hôm nay đã cho rằng đó là một ‘hành động đáng tiếc’. Đối với phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, Canada đi ngược lại nỗ lực chung và ông hy vọng Canda vẫn đảm bảo trách nhiệm, tôn trọng những cam kết của mình.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.