Vào nội dung chính
NGA

Nga dự tính quản lý kiểm duyệt internet theo mô hình Trung Quốc

Tuần báo Nga Argumenty i Fakty, trong số ra ngày hôm nay, 14/12/2011, đăng bài phỏng vấn ông Nikolai Patrushevn thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia, trong đó, quan chức này tuyên bố « nước Nga cần phải đề ra các quy định quản lý internet một cách hợp lý, tương tự như những gì đang làm tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nước khác ».

Chính quyền Nga muốn kiểm duyệt vào lúc dân chúng biểu tình phản đối kết quả bầu cử (REUTERS)
Chính quyền Nga muốn kiểm duyệt vào lúc dân chúng biểu tình phản đối kết quả bầu cử (REUTERS)
Quảng cáo

Theo lập luận của thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga thì không thể bỏ qua việc các tên tội phạm và các nhóm khủng bố sử dụng internet.

Phát biểu trên đây được đưa ra vào lúc trong những ngày qua, đã có nhiều cuộc biểu tình trên quy mô lớn chưa từng thấy ở Matxcơva và các thành phố khác, để tố cáo chính quyền và đảng Nước Nga Thống nhất của thủ tướng Vladimir Putin gian lận trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Hãng tin AFP cho biết là nhật báo kinh tế Nga Vedomosti đã đăng dự luật trong đó có điều khoản buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet phải ngăn chặn những website có nội dung bất hợp pháp như khiêu dâm, quan hệ tình dục với trẻ em v.v. Giới bảo vệ nhân quyền và các doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thông tố cáo chính quyền có ý đồ kiểm duyệt internet.

Theo ông Lev Ponomarev, lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, thì các đề xuất tăng cường kiểm duyệt internet được đưa ra, chỉ vài ngày sau khi có các cuộc biểu tình đông đảo ở Matxcơva và sắp tới sẽ có một cuộc biểu tình mới vào ngày 24/12. Ông nhấn mạnh, mọi ý đồ siết chặt kiểm soát chỉ gây thêm căng thẳng trong xã hội.

Hôm thứ Bẩy, 10/12, phe đối lập đã tổ chức các cuộc biểu lớn ở nhiều nơi trên nước Nga. Riêng tại thủ đô Matxcơva, đã có từ 50 000 đến 80 000 tham gia biểu tình để tố cáo các vụ gian lận trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 04/12 và đòi thủ tướng Putin phải ra đi. Phe đối lập hy vọng sẽ huy động được khoảng 50 000 người tham gia cuộc biểu tình dự kiến vào ngày 24/12.

Nhà phân tích Irina Levova thuộc Hiệp hội truyền thông điện tử Nga, nhận định rằng việc dự luật cho phép một cơ quan của chính phủ có quyền ngăn chặn, phong tỏa các website được coi là « cực đoan » là vi hiến. Bởi vì Hiến pháp Nga cấm kiểm duyệt và bảo đảm quyền tự do trao đổi thông tin. Hơn nữa, luật pháp hiện hành của Nga cũng không định nghĩa rõ ràng khái niệm « cực đoan ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.