Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Khả năng bùng nổ khu vực đồng euro

« Kể từ bây giờ khả năng bùng nổ đồng tiền chung euro là có thể », đó là nhận định của báo Le Monde số ra ngày hôm nay. Bài báo cho biết, từ nhiều tháng nay nhiều doanh nghiệp và nhà kinh tế Pháp đã nghiên cứu đến kịch bản này, vốn được cho là khó có thể xảy ra cách đây vài tháng.

Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Bruxelles. Ảnh chụp ngày 19/12/2011.
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Bruxelles. Ảnh chụp ngày 19/12/2011. REUTERS/Yves Herman
Quảng cáo

Từ những lời đề nghị bất cẩn cho đến những chính sách vụng về, các nhà lãnh đạo khu vực đồng euro cuối cùng cũng để ngỏ cho thấy những gì mà cách đây vài tháng được cho là không thể nào hình dung tới, thì bây giờ đều trở thành có thể. Một vài doanh nghiệp Pháp hiện đang nghiên cứu đến kịch bản đồng euro sụp đổ.

Le Monde cho biết, nhiều tập đoàn lớn đang nghiên cứu đến mọi tình huống, trong đó có việc ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro và những tác động của nó đến hoạt động, tài sản, lượng tiền mặt và dòng vốn đi vào của doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều hãng du lịch lớn còn nghiên cứu đến phương thức chi trả thế nào trong trường hợp quay trở lại đồng tiền cũ.

Theo quan sát của Le Monde, thì hầu hết các doanh nghiệp đều tỏ ra rất kín đáo khi đề cập đến chủ đề này. Nhiều ngân hàng lớn của Pháp còn cho rằng giả thuyết này « không nằm trong những tình huống giả định» hay « khó có thể xảy ra » theo lời tuyên bố của vị chủ tịch Ngân hàng BNP Paribas và ngân hàng Société Générale, hai ngân hàng lớn nhất của Pháp. Bản thân nhiều nhà phân phối lớn như Casino hay Carrefour cũng không muốn bàn về chủ đề này.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế thì các doanh nghiệp này hiển nhiên cũng phải tự hỏi « tầm quan trọng của việc dự trữ bằng euro và bằng đô-la ».

Hầu hết các nhà lãnh đạo tại Pháp đều muốn làm cho mọi người tin rằng việc này là không tưởng. Thế nhưng, các nhà kinh tế của các cơ sở tài chính lớn ngầm diễn tập hậu quả của việc bùng nổ đồng euro nhằm có thể đáp ứng lại nhu cầu của khách hàng, các nhà đầu tư, các nhà giao dịch chứng khoán hay của các doanh nghiệp.

« Liệu đây có phải là sự điên rồ của các nhà đầu cơ ? hay chuyện khoa học viễn tưởng ?», Le Monde tự hỏi . Tuy nhiên, ông Jean Pisami-Ferry, tác giả quyển sách « Réveil des démons : la crise de la zone euro et comment nous en sortir » (tạm dịch là : Sự thức dậy của quỹ dữ : khủng hoảng khu vực đồng euro và làm thế nào chúng ta có thể thoát ra được khủng hoảng) cho rằng « nhắm đến giả thuyết này, không đồng nghĩa mong muốn nó xảy ra nhưng là để chuẩn bị cho việc quản lý rủi ro được tốt hơn ».

Suy nghĩ này cũng được các nghiệp đoàn lao động tại Pháp cùng chia sẻ, dù rằng họ phản đối rất mạnh mẽ việc ra khỏi đồng euro.

Le Monde cho biết, tình huống này đã được các chuyên gia kinh tế nghiên cứu từ nhiều tháng nay, thậm chí là nhiều năm nay. Theo một ghi nhận của ngân hàng UBS vào 11/2008, thì các nhà kinh tế đã nhận thấy « các nhà đầu tư ngoài châu Âu từ lâu đã thắc mắc làm thế nào mà đồng euro – một đồng tiền chung mà không có sự kết hợp chặt chẽ chính sách - lại có thể vượt qua được khủng hoảng ».

Cuối cùng, bài viết kết luận kể từ giờ chuyện gì cũng có thể xảy ra được hết, kể cả việc chấm dứt đồng tiền chung.

Thế giới bối rối trước sự ra đi của nhà độc tài Kim Jong Il

Sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn là chủ đề thời sự nóng bỏng trên nhiều trang báo Pháp hôm nay. Dù đã biết trước ai sẽ là người kế thừa việc cai trị đất nước, nhưng quốc tế, nhất là đồng minh lâu đời Trung Quốc vẫn không khỏi băn khoăn vì sự non trẻ của nhà lãnh đạo mới, ông Kim Jong Un. Đề tài này được các báo Le Monde, Le Figaro và La Croix số ra hôm nay đặc biệt quan tâm đến.

Trong bài viết « Bắc Triều Tiên ca tụng người kế thừa vĩ đại », nhật báo công giáo La Croix cho biết Kim Jong Un, con trai út của nhà lãnh đạo quá cố giờ là tâm điểm của chiến dịch tuyên truyền của báo chí chính thống Bắc Triều Tiên. Các tờ báo không ngớt lời ca tụng nhà lãnh đạo mới « đồng chí Kim Jong Un đáng kính », một tín hiệu cho thấy quá trình chuyển giao quyền lực đang được thúc đẩy.

Nhận định này cũng được Le Figaro đồng chia sẻ trong bài viết « Các cường quốc châu Á thử nghiệm nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim ». Le Figaro cho biết Hàn Quốc, Nhật Bản tỏ ra khá bối rối trước sự ra đi đột ngột của nhà lãnh đạo Kim Jong Il. Tuy nhiên, các nước láng giềng tỏ ra nghi ngại trước một quyền lực mới sắp lên. Theo Le Figaro, nhiều tổ chức đấu tranh của người Hàn Quốc, nhiều chuyên gia và một số nhà ngoại giao tỏ ra không tin tưởng vào sự mở của của nhà lãnh đạo mới. Thậm chí, họ còn cho rằng Kim Jong Un sẽ còn cứng rắn hơn để có thể ngồi vững trên vị thế người thừa kế.

Về phần mình, Le Monde đặc biệt quan tâm đến phản ứng của người hàng xóm khổng lồ Trung Quốc về sự kiện này. Trong bài viết « Trung Quốc muốn đảm bảo một sự kế tục êm thắm tại Bắc Triều Tiên », Brice Pedroletti nhận định Bắc Kinh muốn duy trì sự ổn định nhằm tránh né khủng hoảng nhân đạo.

Tác giả cho rằng sự ra đi bất ngờ nhưng không nằm ngoài dự đoán của « nhà lãnh đạo khả kính » vào lúc này đối với chính quyền Bắc Kinh có thể là không đúng thời điểm.

Trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp thực hiện cuộc chuyển giao quyền lực lớn vào năm 2012 và cũng cảm nhận được một làn gió bất bình của một bộ phận dân chúng trong nước, nên những tình huống như việc chế độ Bắc Triều Tiên sụp đổ kèm theo khủng hoảng nhân đạo tại khu vực biên giới và dòng người tỵ nạn sẽ là « cơn ác mộng tồi tệ cho Trung Quốc », theo như lời nhận định của chuyên gia tại Thượng Hải Liêu Mẫn (Liu Ming).

Le Monde cho biết, có hàng ngàn người Bắc Triều Tiên sinh sống tại các vùng biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Theo các báo chí chính thống, Bắc Kinh đang cố gắng giảm nhẹ những rủi ro trong việc chuyển giao quyền lực tại Bắc Triều Tiên, khi cho rằng « tác động» của việc này lên mối quan hệ Trung – Triều là rất « hạn chế ». Niềm tin này cũng được nhà nghiên cứu Stephanie Kleine Ahlbrandt thuộc « International Crisis Group » tại Bắc Klinh chia sẻ : « Quá trình chuyển giao quyền lực đang được thực hiện từ hai năm nay. (…) Đối với Bắc Kinh, điều chính yếu là củng cố sự ủng hộ Kim Jong-un, dưới hình thức lòng trung thành và tiền bạc, để cho việc chuyển giao được diễn ra sao cho thật êm thắm – và để né tránh những sự khiêu khích có thể xảy ra giống như vào năm 2010 với Hàn Quốc ». Vấn đề ở đây là khi cho rằng mình đang bị Hoa Kỳ bao vây, « Trung Quốc sẽ làm hết mọi cách nhằm đảm bảo sự ổn định của sự kế tục ».

Hoa Kỳ trấn an các đồng minh của mình trong khu vực

Cũng liên quan đến sự kiện này, Le Monde chú ý đến thái độ của Mỹ trước tình thế khá nhạy cảm. Le Monde nhận định « Hoa Kỳ đang cố trấn an các đồng minh của mình trong khu vực ».

Có lẽ không chỉ riêng Trung Quốc mới cảm thấy việc ông Kim Jong Il ra đi vào lúc này là không đúng lúc. Hoa Kỳ cũng rơi vào trong trạng thái tương tự khi mà họ sắp sửa công bố cải thiện quan hệ với Bắc Triều Tiên. Trước đó, Mỹ đã cử hai nhà ngoại giao đến Bắc Triều Tiên trong hy vọng có thể nối lại đàm phán 6 bên , và nhằm bàn thảo việc viện trợ nhân đạo.

Cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong Il buộc chính quyền Obama phải đình lại các dự án, khi viện cớ là mong muốn bày tỏ « sự tôn trọng trong khi tang chế ». Không những thế, sự ra đi đột ngột của Kim Jong Il và sự kế thừa của Kim Jong Un được cho là còn quá trẻ, không dày dạn kinh nghiệm khiến cho các nước láng giềng của Bắc Triều Tiên không khỏi lo ngại. Chính vì điều này, buộc Mỹ phải lập tức lên tiếng trấn an các đồng minh của mình trong khu vực. « Bất kể giá nào, Mỹ cũng sẽ bảo vệ đồng minh của mình, như lời đã hứa cách đây vài tuần tại hội nghị thượng đỉnh các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương ».

Theo các nhà phân tích, sự kiện này mở ra hai hướng đi mới. Hoặc là nó sẽ tạo điều kiện cho sự hòa hợp thông qua con đường viện trợ nhân đạo. Hoặc là đây chính là thời điểm để lật đổ chế độ và thống nhất đất nước.

Bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Mỹ, còn khôn khéo hơn khi chú trọng đến xã hội dân sự. Bà tuyên bố: « Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến điều tốt lành cho người dân Bắc Triều Tiên. Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ cho người dân tại đây ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.