Vào nội dung chính
Ý

Dân Ý bất bình trước chính sách khắc khổ bất công do chính quyền áp đặt

Ngày 22/12/2011, Thượng viện Ý đã thông qua kế hoạch thắt lưng buộc bụng mới do chính phủ Mario Monti đề nghị. Trước đó một tuần, Hạ Viện Ý cũng đã tán đồng chính sách khắc khổ có ‘mệnh giá’ 30 tỷ euro bị coi là hết sức nghiệt ngã.Chủ trương của chính quyền đã gây bất bình trong công luận vì bị đánh giá là thiếu công bằng.

Thủ tướng Ý Mario Monti (người thứ 2 từ bên phải  hàng sau) đang chờ kết quả bỏ phiếu thông qua kế hoạch kinh tế khắc khổ tại Quốc hội hôm 22/12/2011.
Thủ tướng Ý Mario Monti (người thứ 2 từ bên phải hàng sau) đang chờ kết quả bỏ phiếu thông qua kế hoạch kinh tế khắc khổ tại Quốc hội hôm 22/12/2011. REUTERS/Alessandro Bianchi
Quảng cáo

Từ Rôma, Thông tín viên Huê Đăng phân tích lý do vì sao mà một chính sách khắc nghiệt như vậy lại được cả hai viện Quốc hội Ý thông qua một cách dễ dàng.

Chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ Mario Monti đưa ra hiện nay, dù đang bị công luận ta thán và bị nhiều lực lượng chính trị xã hội phê phán, nhưng đã được Quốc hội thông qua. Nguyên do là vì trước nguy cơ phá sản và vỡ nợ nhà nước, chẳng có một lực lượng, một đảng phái chính trị nào trong liên minh đa số hiện nay - kể cả đảng của Berlusconi, chẳng “mặn mà” gì với Hội đồng chính phủ mới - có can đảm bỏ phiếu chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng để rồi sau đó sẽ phải mang tội trước lịch sử là đã đưa nước Ý đến tình trạng phá sản như Châu Âu đang ngày đêm cảnh báo.

Theo cách trình bày của tân Thủ tướng Mario Monti thì gói chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay bao gồm 2 mục tiêu chánh : Chấn chỉnh lại ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế. Trong lời kêu gọi thắt lưng buộc bụng, Thủ tướng Mario Monti đã nhấn mạnh đến yếu tố “công bằng xã hội”, có nghĩa là tất cả mọi tầng lớp xã hội đều phải chấp nhận hy sinh, người giàu phải đóng góp nhiều hơn người nghèo, giới trưởng giả phải hy sinh nhiều hơn thành phần lao động.

Như ta đã biết là trong gói chính sách thắt lưng buộc bụng hiện nay bao gồm hai vế chánh, một bên là tăng thuế để tăng ngân sách nhà nước, và một bên là cắt xén các khoản chi của nhà nước.

Trên lý thuyết thì chuyện tu chỉnh ngân sách nhà nước là điều mà hầu như người dân Ý nào cũng hiểu là “liều thuốc đắng” cần phải có để cứu một con bệnh trong cơn hiểm nghèo. Nhưng điều mà các lực lượng chính trị xã hội phê phán là các biện pháp cắt xén quá đáng để tu chỉnh ngân sách có nguy cơ làm sói mòn thêm khả năng mua sắm của dân chúng, vốn đã ngày càng thêm nghèo vì tình trạng thất nghiệp gia tăng. Điều này có thể làm triệt tiêu tất cả những khả năng phát triển kinh tế và cuối cùng là con bệnh nước Ý có thể sẽ phải chết trước khi những liều thuốc có đủ thì giờ để phát huy sự hiệu nghiệm của nó.

Nhưng mà điều mà hiện nay nhiều lực lượng chính trị đang phê phán nghiêm khắc chính phủ, kể luôn cả những đảng chính trị đã bỏ phiếu tín nhiệm, đó là vấn đề “công bằng xã hội” trong phương sách phân chia sự hy sinh đóng góp giữa các thành phần trong xã hội.

Chính sách khắc khổ không bảo đảm công bằng xã hội

Theo các phê phán, các biện pháp tăng thuế của chính phủ vẫn chỉ phần lớn nhắm vào các đối tượng lao động

08:50

TTV Huê Đăng-Roma

xưa nay vốn đã từng đóng thuế “không thiếu một xu” bởi vì các khoảng thu thuế của giới này đều xuất phát từ “ngọn”, tức là đều đã được tính chi li ngay trong các phiếu lương hằng tháng, do đó không có khả năng trốn thuế. Trong khi đó các giới làm ăn buôn bán, hay những người hành nghề tự do như bác sĩ, kỹ sư, luật sư thì có rất nhiều khả năng để trốn thuế : chỉ cần tránh không làm hóa đơn nghiệp vụ để làm giảm lợi tức thực thụ và do đó trốn tránh được một khoản thuế.

Theo hải quan của Ý thì mỗi năm ước tính nhà nước thất thu khoảng 240 tỉ Euro. Và điều đó chứng tỏ là chỉ cần áp dụng các biện pháp kiểm soát cứng rắn và nhà nước chỉ cần thu được khoảng 1/5 trên khoảng thất thu là cả nước Ý khỏi cần phải thắt lưng buộc bụng. Và rõ ràng là trong gói chính sách thắt lưng buộc bụng lần này, chính phủ Mario Monti chưa có những biện pháp rõ ràng để đối phó với tệ nạn trốn thuế.

Theo chính phủ, cần phải có thêm thời gian chuẩn bị thu thập thông tin để có được những biện pháp phòng chống trốn thuế một cách hữu hiệu. Còn theo các tiếng nói phê phán của các lực lượng chính trị xã hội, nhất là của bên phía công đoàn, thì đó là do áp lực của các lobby của giới làm ăn buôn bán và hành nghề tự do còn quá mạnh nên chính phủ chưa đủ khả năng đánh vào giới trốn thuế.

Nói đến lobby thì tức là đụng đến một trong những điểm nóng trong gói thắt lưng buộc bụng hôm nay : Ngay vừa lúc mới nhậm chức, chính Thủ tướng Mario Monti đã hùng hồn tuyên bố những đề luật phá bỏ tất cả các rào cản để tự do hóa tất cả các nghề nghiệp tự do.

Ai cũng biết là nước Ý, dù là một quốc gia Châu Âu và là một trong những quốc gia có nền công nghiệp phát triển ... nhưng nhà nước Ý vẫn còn duy trì một hình thức “phường hội” (phương Tây gọi là “corporative”) trong việc cho phép hoạt động ngành nghề tự do: thí dụ chẳng hạn như việc mở một văn phòng luật sư hay một phòng mạch hoặc một của hiệu bán thuốc thì trước hết vị luật sư hoặc bác sĩ hay ông dược sĩ phải đăng ký vào “hiệp hội nghề nghiệp” của luật sư hoặc của y sĩ hay dược sĩ. Và việc đăng ký này, ngoài những tốn kém về tiền bạc, thực ra là một hình thức nhằm sàng lọc để giữ đặc quyền đặc lợi chỉ cho một thiểu số trong “phường hội” có khả năng hành nghề.

Do đó, trên thực tế xẩy ra tình trạng chẳng hạn có những thanh niên trẻ tốt nghiệp y khoa hay dược khoa, nhưng vì gia đình không có đủ khả năng tài chánh cho nên không vào được “phường hội” và do đó không thể nào mở phòng mạch hay cửa tiệm bán thuốc. Thậm chí đến cả những nghề như lái taxi hay bán báo ... đều phải được “hiệp hội” điều phối, nếu không thì sẽ không được cấp giấy phép hành nghề.

Từ đó, hình thức phường hội nói trên, ngoài việc duy trì một thứ đặc quyền đặc lợi cho một tầng lớp nào đó trong xã hội, đã là rào cản trong quá trình phát huy hoạt động kinh tế của xã hội. Và đúng là trong gói thắt lưng buộc bụng hiện nay, chính phủ Mario Monti vẫn chưa có những biện pháp nào để xóa xổ các phường hội để giải phóng sức lao động trong khu vực nghành nghề tự do.

Thực ra thì trong phiên bản đầu tiên về gói thắt lưng buộc bụng, chính phủ Mario Monti cũng đã có đề nghị “tự do hóa các nghề nghiệp tự do” như taxi hay bán báo hoặc cho phép tự do bán một số loại thuốc men thông thường .... Nhưng khi phiên bản ấy đến Quốc hội thì các “phường hội” đã ồn ào gây áp lực lên các đảng chính trị ... và sau cùng thì các điều khoản về “tự do hóa” nói trên đã phải bị “đục bỏ”. Thủ tướng Mario Monti cũng đã phải công nhận sự thất bại này, và cũng đã hứa là trước sau rồi chính phủ cũng sẽ trở lại vấn đề này.

Buộc dân thắt lưng buộc bụng, nhưng các nghị sĩ lại chống việc xóa bỏ các đặc quyền đặc lợi mà chính họ đang hưởng

Khi nói đến công bằng xã hội trong gói chính sách thắt lưng buộc bụng, thì một trong những điểm gay cấn nhất là những đặc quyền đặc lợi mà hiện nay giới dân biểu Quốc hội vẫn còn tiếp tục duy trì cho chính mình trong khi kêu gọi toàn dân phải khắc khổ.

Ngoài việc con số dân biểu của Quốc hội Ý cao ngất ngưởng so với số dân biểu của các quốc gia Tây Âu khác, đã là gánh nặng cho ngân sách nhà nước, lương bổng trợ cấp linh tinh mà Quốc hội ấn định cho dân biểu Ý đã đưa dến tình trạng là dân biểu nước Ý là giới có lương cao nhất so với các “đồng nghiệp” khác ở Châu Âu, chẳng hạn như trung bình mỗi dân biểu Ý lãnh khoảng 11.000 euro mỗi tháng, trong khi ở Pháp và Đức là 7.000 euro, dù rằng nền kinh tế của Đức và Pháp giàu hơn Ý.

Lại có thêm tình trạng là nhà nước vẫn còn cho phép các dân biểu không phải tạm từ chức trong các cơ chế nhà nước như thị trưởng hay thành viên của Ủy ban thành phố, điều này cho phép một dân biểu lãnh một lúc nhiều đầu lương: chẳng hạn vừa lãnh lương dân biểu lại thêm lương thị trưởng ...

Nhưng tệ hại nhất là chế độ hưu trí quá ưu đãi của dân biểu : trong khi chính phủ, với lý do bắt buộc phải cải tổ hệ thống hưu trí trong xã hội, đã nâng cao tuổi về hưu - từ 65 thành 66 cho đàn ông, và từ 60 thành 62 cho phụ nữ - và số năm đóng góp lao động từ 35 năm thành 42 năm, thì các dân biểu vẫn chỉ cần “lao động” tối thiểu là... 5 năm là đã có hưu trí đầy đủ khi tới tuổi hưu. Một bên là 42 năm đóng góp, một bên chỉ cần 5 năm. Một đặc quyền đặc lợi... như là cái gai trước mắt công luận.

Chưa dám nói đến chuyện hưu trí của dân biểu, chỉ cần đề nghị giảm lương dân biểu ... là chính phủ Mario Monti đã “bị” Quốc hội nghiêm khắc chỉ trích rằng ... “Chính phủ phải tôn trọng sự độc lập của Quốc hội”. Vấn đề lương bổng, hưu trí, quyền lợi dân biểu là vấn đề hoàn toàn chỉ do chính Quốc hội quyết định chứ không phải là trách nhiệm của ngành hành pháp.

Đúng với những điều khoản về hiến chương nhà nước đấy. Nhưng trước cảnh dầu sôi lửa bỏng hiện nay của đất nước, trong khi giới chính trị đang kêu gọi cả xã hội phải hy sinh ... mà vẫn cứ áp dụng cứng ngắc những điều khoản hiến chương để giữ mức lương cao và những đặc quyền hưu trí ... thì chính bản thân giới chính trị đã một lần nữa khẳng định “đẳng cấp” bất bình đẳng mà trong nhiều năm nay xã hội đã từng phê phán.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.