Vào nội dung chính
NGA-TAI NẠN

Tàu ngầm Nga bị cháy, không có nguy cơ phóng xạ thoát ra ngoài

Theo AFP, ngày hôm nay 30/12/2011, chính quyền Nga thông báo vụ hỏa hoạn trên chiếc tầu ngầm nguyên tử đã được khống chế, và trong hiện tại, không có dấu hiệu nào cho thấy nồng độ phóng xạ xung quanh khu vực này tăng lên.

Ảnh chụp tàu ngầm nguyên tử Nga Yekaterinburrg  tại Murmansk hôm 16/3/2011.
Ảnh chụp tàu ngầm nguyên tử Nga Yekaterinburrg tại Murmansk hôm 16/3/2011. REUTERS/Andrei Pronin
Quảng cáo

Chiếc tầu ngầm K-84 Yekaterinburg bị bốc cháy khi đang được sửa chữa tại xưởng đóng tàu hải quân Rosliakovo, thuộc hạm đội biển Bắc của Nga. Lửa bùng lên từ giàn giáo bằng gỗ xung quanh tàu, và bén vào lớp vỏ tàu, được làm bằng một loại cao su đặc biệt.

Theo ủy ban điều tra về vụ cháy của chính quyền Nga, 9 người đã được đưa đi cấp cứu, vì bị nhiễm độc khói. Bộ phụ trách Tình trạng khẩn cấp của Nga ra thông báo khẳng định, mức độ phóng xạ tại nơi xảy ra hỏa hoạn ở mức cho phép và « không gây nguy hiểm cho dân cư ».

Tàu Yekaterinburg đang trong giai đoạn sửa chữa không có vũ khí và động cơ nguyên tử ở trong trạng thái không hoạt động. Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Pavel Felguenhauer, vụ tàu ngầm K-84 Yekaterinburg bị cháy ảnh hưởng nặng đến khả năng răn đe hạt nhân của Nga, bởi chiếc tầu này vẫn còn có thể dùng được trong vòng từ 10 đến 13 năm nữa và đây là một trong sáu tàu ngầm hạt nhân chiến lược loại này của Nga.

Tàu K-84 Yekaterinburg có thể mang đến 16 tên lửa hạt nhân chiến lược Sineva, với tầm bắn tối đa khoảng 11.000 km. Tàu này vẫn liên tục tiến hành các cuộc bắn thử tên lửa. Lần gần đây nhất là vào tháng 7/2011.

Tàu K-84 Yekaterinburg đã được đưa vào sử dụng năm 1985. Dài 167 mét, bề rộng tối đa hơn 12 mét, tàu chở được tối đa 130 người. Tàu có thể lặn sâu tới 400 mét và có trọng tải hơn 18.000 tấn khi chìm xuống nước.

Hiện tại, chính quyền Nga vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác của vụ cháy này.

Trong những năm gần đây, tàu ngầm Nga đã nhiều lần gặp tai nạn. Năm 2008, tầu ngầm Nerpa bị nạn làm chết 20 thủy thủ. Kinh hoàng nhất là vụ chìm chiếc tàu Kursk năm 2000, khiến toàn bộ 118 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.