Vào nội dung chính
SYRIA

Trên 300.000 người Syria biểu tình chống chế độ

Hôm nay (28/12) trên 250.000 người đã biểu tình chống chế độ tại tỉnh Idleb ở miền tây bắc Syria, và trên 60.000 người khác xuống đường tại Douma thuộc ngoại ô thủ đô Damas, theo con số của tổ chức Quan sát Nhân quyền tại Syria (ODSH). Các cuộc biểu tình diễn ra trong lúc các quan sát viên Liên đoàn Ả Rập đang được triển khai tại năm địa phương có phong trào phản kháng chống chính quyền Assad.

Biểu tình chống chế độ Bachar al-Assad tại Syria  ngày thứ Sáu  23/12/2011 tại Adlib
Biểu tình chống chế độ Bachar al-Assad tại Syria ngày thứ Sáu 23/12/2011 tại Adlib REUTERS/Handout
Quảng cáo

Tại tỉnh Idleb, những người chống chính phủ đã tập hợp lại sau buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu hàng tuần, ở 74 địa điểm khác nhau. Riêng tại hai thành phố Khan Cheikhoune và Saraqeb thuộc tỉnh này, trước tin các quan sát viên Ả Rập sắp đến giám sát, các xe tăng của quân đội Syria đã được lệnh rút lui và các xe chở lính được sơn lại màu khác.

Trước đó tại Douma ở ngoại ô Damas, trên 60.000 người tuần hành về phía tòa thị chính, nơi họ cho là có các quan sát viên Ả Rập. Các cuộc đụng độ đã nổ ra, cảnh sát đã sử dụng bom đinh, hơi cay và lựu đạn để giải tán đoàn biểu tình, làm cho 24 người bị thương, theo số liệu của ODSH.

Hôm qua lực lượng an ninh đã sát hại ít nhất 25 người biểu tình, và theo Ủy ban liên lạc địa phương (LCC) thì từ khi các quan sát viên Liên đoàn Ả Rập đến Syria vào hôm thứ Hai, đã có 130 thường dân trong đó có cả trẻ em đã bị giết hại.

Tuy tỏ ra nghi ngờ về hiệu quả của công tác giám sát, nhưng phe đối lập Syria vẫn cho rằng sự hiện diện của các quan sát viên Ả Rập phần nào vẫn giúp cho những người biểu tình đỡ bị đàn áp đẫm máu. Còn Washington hôm nay nhận định, việc các quan sát viên có mặt tại chỗ là hữu ích, họ cũng đóng được vai trò giám sát ở một mức độ nào đó.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.