Vào nội dung chính
NGA

Hàng chục nhà đối lập Nga biểu tình chống Putin bị câu lưu

Hôm qua (31/12), nhân ngày tất niên 2011, hàng chục người Nga đã bị bắt khi biểu tình tại Matxcơva và Saint Petersbourg kêu gọi Putin từ chức. Trong khi đó thì Thủ tướng Nga, đối tượng của phong trào phản kháng, tuyên bố rằng biểu tình là « chuyện bình thường, cái giá của dân chủ ».

Cảnh sát bắt một người xuống đường đòi áp dụng điều 31 Hiến pháp Nga bảo đảm quyền biểu tình, tại St. Pétersbourg ngày 31/12/2011.
Cảnh sát bắt một người xuống đường đòi áp dụng điều 31 Hiến pháp Nga bảo đảm quyền biểu tình, tại St. Pétersbourg ngày 31/12/2011. REUTERS/Alexander Demianchuk
Quảng cáo

Cuộc biểu tình tại Matxcơva có nhà văn Edouardo Limonov tham dự diễn ra tại quảng trường Triumfalnaia với biểu ngữ : Một năm mới không Putin. Hãng Reuters tường thuật có khoảng 200 người hô khẩu hiệu « Putin ra đi » và « Trả tự do cho tù chính trị ». Cảnh sát bao vây bắt đi khoảng 60 người.

Hãng AFP ghi nhận từ buổi trưa , cảnh sát chống bạo động đã bố trí khoảng 30 xe tải của an ninh bao vây khu vực.

Tại thành phố Saint Pétersbourg, khoảng 10 người bị bắt trong số 100 người tập họp ở trung tâm thành phố. Đài phát thanh Tiếng vọng Matxcơva cho biết thêm ở Nijny Novgorod cũng có một cuộc tập họp khoảng 200 người chống Putin.

Ngoài mục đích chống Putin, giới đối lập Nga đã quyết định biểu tình mỗi ngày 31 cuối tháng để nhắc nhở điều 31 trong Hiến pháp bảo đảm quyền tự do biểu tình.

Phản ứng về các vụ bắt bớ ngay ngày tất niên, nhà ly khai thời Liên Xô cũ, bà Lioudmina Alexeeva cho rằng chế độ của Putin đã có hành động « sai trái và ngu ngốc ». Nhà tranh đấu lão thành cảnh báo rằng « chính quyền phải biết cái thời đàn áp đã qua rồi »

Trong khi đó, thì Thủ tướng Putin tuyên bố rất tự nhiên: « Biểu tình là chuyện bình thường phải chấp nhận trong chế độ dân chủ ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.