Vào nội dung chính
SYRIA

Syria : báo chí độc lập thách thức chế độ trên internet

Trong chùm hồ sơ về Syria, tờ Le Figaro hôm nay có bài phóng sự đề tựa "Báo giới độc lập thách thức chế độ trên mạng Internet". Bài viết mở đầu với hoạt động của một nữ phóng viên độc lập tại thành phố Homs, một trong các thành trì của phong trào phản kháng. Từ 9 tháng nay, nhiều người ở Homs đã ngã gục dưới làn đạn của các lực lượng an ninh.

Biểu tình chống chế dộ Damas tại Homs 30/12/2011 (REUTERS)
Biểu tình chống chế dộ Damas tại Homs 30/12/2011 (REUTERS)
Quảng cáo

Iman, một nữ phóng viên độc lập, 33 tuổi, có gia đình với bốn đứa con, nhưng người phụ nữ Syria này đã dành một phần lớn sức lực của mình cho công việc thu thập và truyền đi các tin tức nóng hổi về tình hình diễn ra tại Homs, cảnh với những người biểu tình bị thương bất tỉnh trên hè phố, các tay bắn tỉa thân chế độ Damas ẩn nấp trên các mái nhà, còn lương thực thực phẩm của dân chúng thì cạn kiệt, …

Trong một thành phố bị vây hãm và kiểm soát nghiêm ngặt, người phóng viên độc lập này phải liều mạng sống của mình, vượt qua các trạm gác, với cuốn sổ ghi chép dấu kín trong túi, để đi tìm những người làm chứng về các tội ác do chính quyền gây ra.

Người phụ nữ tâm sự : « tìm cách để nói ra được sự thật về các cuộc thảm sát do chế độ al-Assad gây ra, cũng có nghĩa là ký giấy báo tử đối với chế độ này. Tôi muốn kể lại thảm kịch này, bất kể phải trả một cái giá như thế nào ! (…) Bạo lực của chế độ hiện hành khiến ngày càng có nhiều đồng bào tôi cầm vũ khí chống lại. Vũ khí của tôi là mực và bút. Đối với tôi, đây là phương tiện tốt nhất để giáo dục tinh thần dân chủ ».

Các tin và bài của Iman được truyền đi qua mạng Skype, được đăng tải trên một tờ báo độc lập mới xuất hiện ở Syria từ 4 tháng nay, mang tên « Souria bada hurriya » (Syria muốn tự do). Xuất bản trên mạng Internet, và được duy trì nhờ hàng chục phóng viên có mặt khắp cả nước, tuần báo này còn được phát hành dưới hình thức các bản photocopy.

Tuần báo mà Iman, người nữ phóng viên độc lập kể trên tham gia, ngoài tin tức, còn là một diễn đàn, nơi mọi người có thể đưa ra các ý kiến lên án chế độ Damas, bị cáo buộc phạm tội ác chống nhân loại. Liên đoàn Ả Rập cũng bị chỉ trích vì quá nương nhẹ đối với chính quyền, kể cả một số nhóm ly khai cũng bị phê phán, vì đã để cho các tranh chấp quyền lực chi phối. Một bài báo mới đây cảnh báo, các tranh chấp trong nội bộ đối lập có thể dẫn đến chỗ Cách mạng thất bại, và tạo thuận lợi cho sự xâm nhập của lực lượng thân al-Assad.

Trong khi đó, có những cảnh báo xa hơn, nhấn mạnh đến bài học Ai Cập, khi cách mạng không chỉ dừng ở chỗ « lật đổ một chế độ, mà còn phải đoạn tuyệt cả với toàn bộ nền văn hóa đi kèm với nó ».

Ngoài các tờ báo độc lập trên Internet, gần đây vừa xuất hiện thêm đài phát thanh tự do mang tên « Radio Cách mạng Syria ». Mục tiêu của đài này là giúp cho các dân cư sống tại các thành phố bị quân đội bao vây, kẹt trong nhà không đi đâu được, có thể biết được về những gì diễn ra ở những nơi khác.

Tuy nhiên, đài phát thanh độc lập, do một doanh nhân giàu có tài trợ này, gặp phải nhiều trở ngại. Trước hết là các cuộc tấn công tin tặc của chính quyền, sau đó là đài phát thanh này chỉ hoạt động trên mạng Internet, là phương tiện mà rất nhiều người Syria không có điều kiện sử dụng. Theo người phát ngôn của Radio Cách mạng Syria, điều lý tưởng nhất là các nước láng giềng với Syria cho mượn chỗ để lập trạm phát sóng FM, nhưng trong hiện tại, « cả Liban cũng như Thổ Nhĩ Kỳ đều không muốn điều này, vì sợ làm Damas nổi giận ».

Hãy quên đi năm 2012, mừng năm … 2011 "tốt lành" vừa qua

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vẫn còn đang tiếp tục, nhiều dự báo về triển vọng năm 2012 nhuốm mầu sắc bi quan. Giải Nobel Kinh tế J. Stiglitz, qua bài viết « Hãy quên đi năm 2012 và chúc mừng năm … 2011 » được Les Echos đăng tải, muốn giải thích với độc giả các lý do, vì sao ông lại coi 2012 là năm khởi đầu cho một chu kỳ suy thoái mới, còn tồi tệ hơn cả cuộc Đại suy thoái năm 2008.

Theo ông J. Stiglitz, dù tuyên bố gắn bó với đồng euro, các lãnh đạo châu Âu, dường như không sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết. Các lãnh đạo Châu Âu thừa nhận rằng, chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ làm giảm tăng trưởng, và thậm chí suy thoái, và không có tăng trưởng, các nước Châu Âu sẽ không thể nào giải quyết được các khoản nợ. Cứ làm như vậy, Châu Âu sẽ đi vào vòng xoáy hủy diệt.

Theo giải Nobel kinh tế, chính Ngân hàng Trung ương Châu Âu với việc mua lại các trái phiếu quốc gia, thực tế đang giúp các nhà nước trả nợ và kìm lại sự bùng nổ của tỷ giá tiền vay. Hiện tại, theo J. Stiglitz, các lãnh đạo Châu Âu đang trì hoãn thời điểm phải đối mặt với sự sụp đổ của đồng euro.

Về phần Hoa Kỳ, triển vọng hoàn toàn không tươi sáng : Châu Âu - bạn hàng lớn nhất của Hoa Kỳ - rơi vào suy thoái, ngân sách bị cắt giảm, chính sách giảm thuế đối với thu nhập của giới trung lưu có khả năng sẽ không được tiếp tục nữa … Các hậu quả của chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ chỉ thực sự xuất hiện trong năm 2012. Cùng với điều này, là các hậu quả của việc quản lý kém cỏi cuộc khủng hoảng địa ốc năm 2008, với giá nhà đất sụt giảm, nhiều vụ phá sản …

Trong bối cảnh này, giải Nobel kinh tế dự đoán, cuộc tranh cử tổng thống Mỹ sẽ nổi bật với những lời tuyên bố nhàm chán, qua các khẩu hiệu « tạo việc làm mới », « giảm bớt chi tiêu », « kiểm soát các chương trình xã hội » … Trong khi đó, sẽ không có phe nào mạo hiểm đưa ra một chương trình tái cơ cấu kinh tế, và giảm bớt các bất bình đẳng, nguyên nhân làm sức mạnh của Hoa Kỳ suy giảm.

Giải Nobel Kinh tế J. Stiglitz nhận xét, nếu như, trong những năm 1990 các nhà đầu tư gặp khó khăn vì « sự phồn vinh thái quá », thì ngược lại, họ sẽ khó khăn chủ yếu trong « thái độ bi quan đầy tính toán » trong năm nay.

Xu thế độc tài của chính quyền Hungary khiến Phương Tây lo ngại

Vẫn về thời sự quốc tế, Le Figaro đặc biệt chú ý đến các diễn biến trong lĩnh vực chính trị Hungary qua bài : « Xu thế độc tài của chính quyền Hungary khiến Phương Tây lo ngại »

Việc thay đổi Hiến pháp hạn chế sự độc lập của tư pháp, của Tòa án Tối cao và của ngân hàng trung ương, chính quyền của thủ tướng Orban, nắm đa số tuyệt đối tại quốc hội Hungary đã buộc các nền dân chủ, trước nhất là Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ phải có phản ứng.

Theo cựu thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, Hiến pháp mới của Hungary là « ‘‘một con ngựa thành Troa’’ của một hệ thống chính trị độc đoán dựa trên sự duy trì quyền lực của một đảng duy nhất ».

Thủ tướng Orban, đứng đầu đảng cầm quyền Fidesz, hứa hẹn sẽ làm Hungary thay đổi triệt để, thoát khỏi các thỏa hiệp của thời « hậu cộng sản », trong khi đó, đối lập cánh tả và cánh trung, thì ví ông này như là một « Chavez của Trung Âu », người chủ trương hủy hoại nền dân chủ Hung.

Tuy bị mất đi nhiều ủng hộ do các biện pháp độc đoán mới đây, theo Le Figaro, thủ tướng Orban vẫn chưa mất hậu thuẫn trong dân chúng. Nhiều cử tri Hungary có một kỷ niệm cay đắng với 15 năm cánh tả tham gia vào liên minh cầm quyền. Đảng xã hội Hungary được coi là là lực lượng chính trị hậu thân của chính quyền cộng sản độc tài cũ, và thủ tướng cuối cùng của đảng Xã hội cánh tả trong liên minh cầm quyền Ferenc Gyurcsany, từng thừa nhận rằng, ông đã liên tục nói dối để dành chiến thắng trong các cuộc tranh cử.

Theo Le Figaro, Châu Âu khó xử đối với chính quyền Hungary hiện nay, vì đương kim thủ tướng Hungary chính là người anh hùng của cuộc cách mạng dân chủ, chống lại sự thống trị của Liên Xô cuối những năm 1980, bên cạnh đó, thủ tướng Hung còn là phó chủ tịch của PPE, « câu lạc bộ » các đảng « bảo thủ », chiếm đa số tại châu Âu hiện nay.

Le Figaro nhận xét, « chính sách cứng rắn của chính quyền Hungary hiện nay cũng là một lời kêu gọi đoàn kết. Ở Đông Âu, nền dân chủ mỏng manh hơn so với ở Tây Ây, các nước Đông Âu còn phải chịu nhiều thiệt hại hơn trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, do không thuộc về khu vực đồng euro ».

Nga : Kỷ nguyên bóp nghẹt biểu tình đã chấm dứt

Cuối cùng, liên quan đến phong trào dân chủ đang diễn ra tại Nga, Libération có bài « Đối lập Nga vào tù trước Giao thừa ». Bài báo thuật lại sự việc, khoảng 60 người tranh đấu, trong đó có nhà văn Limonov hay cựu vô địch cờ vua Kasparov, đã bị câu lưu trong ngày thứ Bảy 31/12.

Libération cho biết, tại Nga, bên cạnh hai cuộc biểu tình khổng lồ ngày 10 và 24/12, tập hợp hàng chục nghìn người, và không bị cảnh sát ngăn cản, còn có rất nhiều các cuộc biểu tình nhỏ. Các cuộc biểu tình diễn ra vào ngày 31 cuối tháng thường xuyên bị đàn áp. Cuộc biểu tình ngày 31/12 vừa qua cũng vậy. 31 là con số tượng trưng cho yêu sách đòi thực hiện điều 31 khẳng định quyền tự do biểu tình trong Hiến pháp Nga.

Tuy nhiên, dù ít người tham gia, các nhà tổ chức vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc biểu tình nhỏ như vậy vào những ngày 31 mang tính tượng trưng, để làm tan đi nỗi sợ ở những người dân Nga bình thường và thuyết phục rằng, họ có quyền thể hiện các đòi hỏi rằng quyền của họ phải được chính quyền tôn trọng.

Sau vụ bắt bớ ngày 31/12 vừa qua, bà Liudmila Alexeeva - cựu ly khai thời Liên Xô và nhà tranh đấu Nga tuyên bố, « nhà cầm quyền Nga cần hiểu rằng thời đại bóp nghẹt biểu tình đã qua rồi ».

Từ vài tuần nay, lãnh đạo nhiều đảng phái đối lập liên tục đưa ra các sáng kiến hành động phản kháng. Các phương tiện truyền thông Nga trên mạng thông báo, ngày 4/2 tới sẽ là ngày biểu tình lớn. Những người tổ chức khẳng định, đây không chỉ là một cuộc mít tinh, mà là tuần hành lớn. 4/2 là ngày mang tính biểu tượng : ngày 4/2/1990, hàng triệu người Nga đã đồng loạt xuống đường, và kết quả là nguyên tắc độc tài đảng trị của đảng Cộng sản Liên Xô đã bị loại ra khỏi Hiến Pháp Liên Xô.

Trang nhất các nhật báo Pháp

Vào ngày thứ Hai đầu tiên của Năm Mới, tờ Le Figaro đưa trên đầu trang nhất việc tổng thống Nicolas Sarkozy, trong lời chúc năm mới, nhấn mạnh đến ưu tiên hàng đầu dành cho việc tạo ra công ăn việc làm mới. Cuộc cạnh tranh trong thị trường điện thoại di dộng Pháp hứa hẹn sẽ rất căng thẳng, được mô tả qua hồ sơ « Giá điện thoại di động sẽ hạ vào năm 2012 », được Le Figaro đăng tải ngay trên trang nhất.

Trong khi đó, Les Echos cho biết « nhiều lĩnh vực dự báo các hoạt động sẽ giảm sút trong năm nay ». Về triển vọng kinh tế thế giới năm 2012, trên Les Echos có bài viết của giải Nobel kinh tế Joseph Stiglitz.

Libération thì trở lại với hồ sơ vụ Karachi, với hàng tựa « Sarkozy biết », qua một số chứng cứ mới. Theo tờ báo, nhiều lời khai cho thấy chính đương kim tổng thống Pháp đã Nicolas Sarkozy phê chuẩn các hợp đồng bán vũ khí cho Pakistan, khi ông còn đảm nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính vào năm 1995.

Tờ l’Humanité thì chạy tít : « 2012, năm quyết định », hướng về những vấn đề của cuộc tranh cử tổng thống Pháp năm nay.

La Croix quan tâm đến việc các hội thẩm nhân dân tại Pháp, kể từ ngày hôm nay, bắt đầu được tham gia vào các phiên toà tiểu hình, bên cạnh các thẩm phán chuyên nghiệp. Tờ báo cho biết, cuộc cải cách này bị nhiều trạng sư chỉ trích.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.