Vào nội dung chính
KINH TẾ TOÀN CẦU

Mười thách thức cho nền kinh tế thế giới năm 2012

Từ việc làm sao tìm tiền tài trợ cho việc cấp cứu vùng đồng euro cho đến nguy cơ dầu hỏa tăng giá nếu Iran bị trừng phạt, nhật báo kinh tế Pháp Les Echos đã điểm qua « Mười thách thức cần phải vượt qua đối với nền kinh tế thế giới trong năm 2012 ».

Nguy cơ bong bóng địa ốc xì hơi tại Trung Quốc cũng là một trong 10 thách thức của thế giới trong năm 2012.
Nguy cơ bong bóng địa ốc xì hơi tại Trung Quốc cũng là một trong 10 thách thức của thế giới trong năm 2012. Reuters
Quảng cáo

Thứ nhất, khu vực đồng tiền chung châu Âu cần phải tìm ra nguồn đáp ứng được những nhu cầu tài chính của mình. Theo lời cảnh báo của nhà kinh tế học Patrick Artus thuộc công ty tài chính Natixis, thì tình hình đã trở nên quá phức tạp. Do đó, các trái phiếu sắp sửa được ban hành cần phải trở nên hấp dẫn hơn nữa.

Thứ nhì, có lẽ cần phải thương thảo lại nợ công Hy Lạp, vì theo Les Echos kết quả các cuộc thương thảo lần trước đã không làm cho các ông chủ nợ mấy hào hứng.

Thứ ba, Les Echos tự hỏi « Liệu Anh quốc có thể tránh được cơn bão nợ công ? ». Hiện tại, Anh Quốc vẫn là nơi được xem là có « có giá trị bảo toàn » cao. Thế nhưng, trong tương lai chưa có gì gọi là chắc chắn. Chính sách khắc khổ và khủng hoảng đồng euro vẫn còn đang đè nặng lên nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, nhờ vào việc Anh Quốc làm chủ được việc in tiền nên cũng giúp cho đất nước phần nào tránh xa được rủi ro mặc nhiên.

Thứ tư, liệu ông Obama có thể ngồi chễm chệ trên nền kinh tế êm ả hay không ? Theo Les Echos, điều này vẫn khó mà đảm bảo được, khi mà điểm tín nhiệm Tổng thống đương nhiệm bị tụt giảm nhẹ, tăng trưởng ì ạch và tỷ lệ thất nghiệp cao, cho thấy sự hồi phục kinh tế còn khá mù mịt. Do đó, giảm tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ ưu tiên hàng đầu của ông Obama.

Thứ năm, bất ổn chính trị tại Nga cũng sẽ là một yếu tố gây thất vọng cho các nhà đầu tư. Tuy làn sóng bất bình diễn ra rộng lớn ở Nga, nhưng theo nhận định của Les Echos, khó có khả năng Putin từ bỏ quyền lực. Do đó, tăng trưởng kinh tế có khả năng xoay quanh khoảng 4% là nhờ vào vị trí số 1 xuất khẩu dầu khí.

Liệu nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ hồi phục lại là câu hỏi thứ sáu của Les Echos. Mặc dù Nhật Bản niêm yết tỷ lệ tăng trưởng nhẹ 1,5% trong quý tư, nhưng nếu tính riêng trong tháng 12, số đơn đặt hàng có xu hướng giảm, cho thấy các doanh nghiệp tư nhân đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thế giới chựng lại và giá đồng yên cao.

Thứ bảy, tác động của mùa xuân Ả Rập có thể làm cho tăng trưởng kinh tế tại các nước liên quan sẽ bị giảm nhẹ, theo như dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Theo Les Echos, đầu tư nước ngoài vào các nước này sẽ không trở lại nếu như tiến trình chuyển giao chính trị chưa được hoàn thành.

Thách thức thứ tám là liệu các nước mới trỗi dậy sẽ thành công trong việc bù đắp cho sự đình trệ kinh tế tại các nước phương Tây ? Năm 2012 sẽ cho thấy liệu các nước này có khả năng khai thác hết được thị trường tiêu thụ nội địa. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc dự trù tăng trưởng kinh tế các nước này có thể sẽ bị giảm nhẹ do sự trì trệ kinh tế tại khu vực châu Âu và Mỹ.

Điểm thứ chín Les Echos e ngại Trung Quốc sẽ bị nổ bong bóng địa ốc. Bât ổn xã hội và việc chính phủ thắt chặt tín dụng khiến giá nhà tụt giảm. Trong khi đó, lãnh vực bất động sản chiếm 50% nguồn thu ngân sách của các địa phương. Giá đất tụt giảm đến 50%, khiến cho các địa phương này gặp nhiều khó khăn trong việc hòan nợ.

Cuối cùng, việc quốc tế ban hành lệnh trừng phạt chống Iran có thể sẽ làm tăng giá dầu thô. Les Echos cho rằng, nếu lệnh trừng phạt được thực hiện giá dầu thô sẽ tăng thêm từ 20 đến 25 đô-la/thùng. Việc này sẽ còn trở thành cơn ác mộng cho thế giới nếu Iran đóng cửa eo biển Ormuz để đối phó lại lệnh cấm vận.

Khủng hoảng hạt nhân : Iran bị quốc tế đe dọa cấm vận dầu

Tình hình căng thẳng tại eo biển Ormuz là đề tài được báo Le Monde và L’Humanité số ra hôm nay đặc biệt quan tâm . Cả hai tờ báo cùng cho biết, phản ứng lại lệnh trừng phạt mới từ phía Mỹ, Iran đã đe dọa sẽ cho chặn cửa eo biển Ormuz, cửa ngỏ vận chuyển khoảng 40% lượng dầu sản xuất cho thế giới. 

Le Monde và L’Humanité cho biết, ngòi nổ gây căng thẳng bắt đầu từ vụ việc Tổng thống Mỹ ban hành một đạo luật nghiêm cấm và trừng phạt những ngân hàng tư nhân cũng như của nhà nước giao dịch tài chính với ngân hàng trung ương Iran. Theo Le Monde, đạo luật trừng phạt tài chính vừa ban hành cộng thêm với việc Hoa Kỳ tăng cường giao vũ khí cho các nước theo đạo Hồi thuộc dòng Sunnit, chẳng hạn như Mỹ sẽ cung cấp 84 chiếc máy bay tiêm kích F-15 cho Ả Rập Xê Út, đã khiến cho Iran có những hành động quân sự trong những ngày gần đây.

Theo L’Humanité, eo biển Ormuz chỉ rộng có 50 km , nhưng có đến 40% lượng dầu sản xuất trên thế giới được trung chuyển qua cửa ngỏ này. Và do độ sâu chỉ có 50m, chỉ cần làm đắm một hay hai tàu cũng đủ để làm gián đoạn việc vận chuyển dầu hỏa.

Tuy nhiên, báo Le Monde lại quan tâm đến các tác động của lệnh trừng phạt trên phương diện chính trị, kinh tế và ngoại giao. Theo Le Monde, các nước phương Tây không nghi ngờ khả năng Israel dùng vũ lực chống Iran. Bên cạnh đó, một lệnh cấm vận quốc tế cũng đang trong quá trình soạn thảo. Le Monde cho biết, Liên hiệp châu Âu đang nghiên cứu đến một chiến lược kêu gọi xây dựng một liên minh trên tinh thần tự nguyện mà không cần thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nhằm tránh sự phản đối dường như là chắc chắn của Trung Quốc và Nga. Theo chiến lược này, khối liên minh sẽ bao gồm liên hiệp châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, do lượng mua dầu thô của cả khối này chiếm khoảng 17% trong tổng số thu nhập của Iran.

Thê nhưng, Le Monde nhận định lệnh cấm vận xuất khẩu dầu của Iran khó có thể đạt được sự đồng thuận của một số nước tại châu Âu, nhất là Ý và Hy Lạp, khi cả hai nước này đều có quyền lợi to lớn trong việc mua dầu thô của Iran.

Về mặt kinh tế, Le Monde e ngại lệnh cấm vận xuất khẩu dầu, nếu như được thực hiện, không những gây phương hại cho nền kinh tế Iran, do 80% thu nhập của quốc gia này phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, mà nó còn khiến cho giá dầu thô trên thế giới tăng, gây ra tình trạng bất ổn cho toàn khu vực Trung Đông.

Do đó, nhằm tránh các nhiễu động lớn về giá dầu thô, các nước phương Tây có vẻ đang cố hy vọng Ả Rập Xê Út sẽ tăng khả năng xuất khẩu chưa sử dụng hết.

Về phần Iran, Le Monde cho rằng, với lệnh cấm vận, nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ khó có thể giảm thiểu được cơn sốc của lệnh trừng phạt mới khi nhắm sang thị trường Trung Quốc. Bởi lẽ, Bắc Kinh, vốn cũng là một khách hàng lớn của Iran (có đến 22% lượng dầu nhập khẩu đến từ Iran), cũng muốn tránh bị lệ thuộc nhiều vào một nhà cung cấp duy nhất. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là Trung Quốc sẽ tham gia vào khối liên minh chống lại Iran. Một khó khăn nữa cho khối này chính là Thổ Nhĩ Kỳ, nhập khẩu đến 51% lượng dầu khai thác từ Iran. Ngoài ra, do mối căng thẳng giữa Pháp và Thổi Nhĩ Kỳ hiện nay, khó có thể thuyết phục nước này tham gia vào khối liên minh..

Bình Nhưỡng vẫn đưa ra những lời lẽ hiếu chiến chống lại Hàn Quốc

Quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên căng thẳng sau cái chết của nhà lãnh đạo Kim Jong-il vẫn là đề tài được báo Le Monde hôm nay chú ý đến. Theo Philippe Pons, tác giả bài viết « Bình Nhưỡng vẫn đưa ra những lời lẽ hiếu chiến chống lại Hàn Quốc » nguyên nhân chính của mối căng thẳng là do việc Hàn Quốc đã từ chối gởi lời chia buồn chính thức. 

Ngoài chuyện tang chế ra thì không có gì thay đổi cả, Le Monde nhận xét. Sau buổi tang lễ diễn ra ngày 28/12 vừa qua, các trang báo chính thống của Đảng Lao động, Quân đội và Đoàn Thanh niên cộng sản đã đưa ra lời hiệu triệu « Đảng, nhân dân và quân đội cần phải thiết lập một vành đai để bảo vệ Kim Jong-un ».

Theo Le Monde, ngoài những lời ca tụng nhà lãnh đạo mới, hãng thông tấn KCNA còn nhấn mạnh đến vị trí hàng đầu của quân đội và cho rằng « quân đội phải có lòng tin tuyệt đối vào Kim Jong-un ». Bài báo còn nhắc nhở năm 2012 sẽ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của người khai sinh ra nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên – Kim Il-sung. Đây cũng sẽ là năm mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của một « đất nước giàu mạnh ». Bài báo cũng nhìn nhận là đất nước đang trong thời kỳ khủng hoảng lương thực nhưng không hề nhắc đến một giải pháp cụ thể nào. 

Trong bài xã luận trên, hãng thông tấn KCNA còn gởi đến các nước khác trên thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc một thông điệp khá rõ ràng : từ chối đàm phán với Hàn Quốc nếu như tổng thống Lee Myung-bak vẫn còn tại vị. Thậm chí, trong một thông cáo ngày 30/12 vừa qua, Ủy ban Quốc phòng còn đả kích các chính khách trên thế giới, nhất là các « quan chức tay sai tại Hàn Quốc » (từ trong nguyên văn) và cảnh báo rằng « đừng trông mong gì nhiều vào sự thay đổi » của họ. Bài báo còn viết rằng : « Chúng tôi từ chối mọi tiếp xúc với tên phản bội Lee Myung-Bak và bọ vô lại của ông ta » và « họ sẽ phải trả giá cho đến cùng vì những lời sỉ nhục không thể nào tha thứ được mà họ đã phạm phải trong khi quốc tang ».

Le Monde cho biết, sở dĩ Bình Nhưỡng có phản ứng mạnh mẽ là vì Seoul chỉ bày tỏ sự đồng cảm với người dân Bắc Triều Tiên thông qua tiếng nói từ Bộ Thống nhất, và từ chối gởi một phái đoàn chính thức đến Bình Nhưỡng để chia buồn. Riêng chỉ có phu nhân của cố tổng thống Kim Dae-jung, người đã đề ra chính sách hòa giải liên Triều năm 1998 và bà chủ tịch tập đoàn Hyundai-Asan, tập đoàn có dự án đầu tư tại Bắc Triều Tiên đã được phép đến viếng một ngày trước khi tang lễ. Theo nhận định của Le Monde, Bình Nhưỡng xem hành động từ chối gởi lời chia buồn, kèm theo với việc rải truyền đơn kêu gọi người dân Bắc Triều Tiên nổi dậy là những cử chỉ « vô đạo đức và không có lòng yêu nước ».

Le Monde nhắc lại, tang lễ của ông Kim Nhật Thành năm 1994, cũng từng gây căng thẳng giữa hai miền. Vào thời điểm đó, tổng thống Hàn Quốc Kim Young-sam,tin rằng chế độ sẽ bị sụp đổ, đã tuyên bố rằng mọi hành động bày tỏ sự đồng cảm của người Hàn Quốc sẽ bị xem là có « thái độ vô trách nhiệm » và sẽ bị trừng phạt theo luật vi phạm an ninh quốc gia. Đáp trả lại, Bình Nhưỡng đã cho hủy mọi chương trình cho hội nghị thượng đỉnh liên Triều, đã được quyết định trước khi ông Kim Nhật Thành mất.

Philippe Pons cho biết trong lễ tang cố tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung năm 2009, Bắc Triều Tiên đã từng gởi một phái đoàn cao cấp đến chia buồn. Cuối cùng tác giả kết luận, tại một dân tộc được nuôi dưỡng theo truyền thống khổng tử mới, các cử chỉ hợp với lề thói có ý nghĩa cao hơn là hình thức pháp lý đơn giản. Trong trường hợp cụ thể này, các cử chỉ này còn mang một tầm cỡ chính trị. 

Phe hữu Mỹ tìm kiếm cho mình một ứng viên

Ai sẽ là ứng viên đại diện cho phe cộng hòa để ra tranh cử tổng thống Mỹ năm 2012, là đề tài được nhiều báo Pháp hôm nay quan tâm đến.

« Đối mặt với Obama, phe cộng hòa tìm kiếm ứng viên cho mình », « Ứng viên Cộng hòa nào để chống lại Obama ? » và « Bầu cử tổng thống Mỹ, bang Iowa khai mạc vũ hội » lần lượt là những hàng tít lớn trên các báo Le Figaro, Le Monde và nhật báo công giáo La Croix.

Theo bài viết « Cánh hữu Mỹ tìm kiếm cho mình một ứng viên », La Croix cho biết tối nay tại bang Iowa sẽ mở màn cho tiến trình bầu cử sơ bộ trong đảng Cộng hòa. Quá trình này sẽ được tiến hành theo từng tiểu bang.

Cũng chính tại bang này, cách đây 4 năm, mà tổng thống Obama đã chiến thắng đối thủ dân chủ, bà Hillary Clinton để trở thành ứng viên tổng thống. La Croix cho biết, bang Iowa cứ mỗi 4 năm là điểm khởi đầu cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Theo La Croix, dường như ông Mitt Romney có vẻ được cho có đủ khả năng để đối đầu với Barack Obama, bởi lẽ theo một số người dân tại đây, ông Mitt Romney là một « doanh nhân rất am hiểu về kinh tế ». Ông sẽ là người có thể bảo vệ các « giá trị của nước Mỹ » và có các biện pháp về « sự can thiệp của chính phủ, chính sách xã hội khá mềm mỏng để tạo việc làm cho người dân ». La Croix cho biết nếu đúng như theo kết quả một thăm dò gần đây nhất tại bang Iowa, người được cho là chiến thắng đêm nay có lẽ sẽ là ông Mitt Romney.

Tuy nhiên, đối với Nhà Trắng, mọi chiến thắng của một ứng viên nào khác ngoài Mitt Romney sẽ là một tin đáng mừng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.