Vào nội dung chính
Ý - KINH TẾ

2012 : một năm đầy khó khăn cho dân Ý

Vào cuối năm 2011, chính phủ Ý của Thủ tướng Mario Monti đã thông qua một kế hoạch thắt lưng buộc bụng hết sức khắc nghiệt. Được mệnh danh là "cứu nước Ý", chính sách này sắp được bổ sung bằng một kế hoạch thứ nhì mà báo chí gọi là "chấn hưng nước Ý", nhằm khôi phục tăng trưởng.

Thủ tướng Ý Mario Monti phát biểu trước Quốc hội về kế hoạch thắt lưng buộc bụng 29/12/2011 (REUTERS)
Thủ tướng Ý Mario Monti phát biểu trước Quốc hội về kế hoạch thắt lưng buộc bụng 29/12/2011 (REUTERS)
Quảng cáo

07:51

Thông tín viên Huê Đăng, Roma

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm 2012 này, người dân Ý bắt đầu phải gánh chịu hệ quả của các biện pháp tăng giá trong chính sách khắc khổ vừa ban hành. Từ Roma, Thông tín viên Huê Đăng nêu bật tình trạng giá cả tăng vọt tại Ý vào đầu năm sau các ‘điều chỉnh’ của chính phủ để tăng thu nhằm bù đắp cho ngân sách nhà nước

Giá xăng xấp xỉ 1,8 euro/lít : Cao nhất châu Âu

Sau một mùa Giáng sinh trong bầu không khí “thắt lưng buộc bụng”, một cái Tết đầy ưu tư “trầm” nhiều hơn “bổng”, trước thềm năm mới 2012 người dân Ý đã “được” xông đất với hàng loạt giá cả “thăng thiên” ào ào cứ như pháo bông bắn đêm giao thừa.

Chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ với thuế má tăng lên, phúc lợi giảm xuống chưa đủ, thêm một số mặt hàng và dịch vụ đã “được điều chỉnh” khiến giá cả tăng lên vù vù. Theo tin báo chí thì ngay từ mùng một giá xăng dầu, vốn là mặt hàng thiết yếu, và ở Ý vốn đã là cao nhất trong Châu Âu, đã lên đến xấp xỉ 1,8 Euro một lít. Và ai cũng biết là chỉ cần giá xăng dầu lên là tự động kéo vật giá của các mặt hàng hay dịch vụ khác gia tăng.

Cũng vẫn theo tin báo chí thì hiện nay ngày ngày có cả hàng ngàn người Ý sinh sống ở vùng gần biên giới Thụy Sĩ đã đổ xô qua Ticino để đổ xăng với giá rẻ hơn giá ở Ý.

Theo ước tính của các Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, thì ngay từ đầu năm 2012 mức chấn chính giá cả sẽ làm tăng giá điện khoảng 4,9%, khí đốt dùng sưởi ấm nhà cửa và nấu nướng tăng 2,7%, giá cước dịch vụ trên các tuyến đường cao tốc sẽ tăng 3,1%.

Các tổ chức kiểm soát giá cả, dựa theo phỏng đoán của viện thống kê, đã ước tính là trong năm 2012 trung bình mỗi gia đình Ý sẽ phải chi thêm khoảng 7%, tương đương 320 Euro, cho phần ẩm thực. Đi xe lửa thì sẽ phải trả thêm 81 Euro. Các phương tiện công cộng trong thành phố sẽ tăng khoảng 28-30%, tương đương khoảng 48 Euro, trong khi đó giá các dịch vụ ngân hàng, vay nợ, thuế tài khoản sẽ khiến mỗi gia đình trung bình sẽ phải trả thêm 93 Euro trong năm 2012. Nặng nhất trong các dịch vụ là giá điện nước và dịch vụ đổ rác sẽ khiến mỗi gia đình phải chi thêm trung bình 260 Euro cho năm nay.

Thậm chí đến xổ số do nhà nước tổ chức cũng không thoát khỏi chính sách thắt lưng buộc bụng : Bắt đầu từ tháng giêng năm 2012, tất cả những giải trúng xổ số từ 500 Euro trở lên sẽ phải đóng 6% tiền thuế. Tức là năm nay ai trúng giải độc đắc 5 triệu Euro của xổ số đầu năm 2012 sẽ phải “xung công” vào ngân sách nhà nước 300.000 Euro.

Giá cả tăng, thuế má tăng khiến cho sức mua của người dân Ý vốn đã bị bào mòn trong những năm gần đây do tình trạng kinh tế trì thoái, lại càng thêm giảm sút. Các tổ chức kinh tế đã tính ra trong vòng 10 năm nay, kể từ khi đồng Euro ra đời từ tháng giêng năm 2002 đến tháng giêng năm 2012, khả năng mua sắm của dân Ý đã giảm khoảng 40%.

Tất cả những sự kiện trên lại nằm trong bối cảnh kinh tế sản xuất trì trệ, công ăn việc làm vẫn đang là mối lo hàng đầu của đại bộ phận người Ý: theo phỏng đoán của Viện thống kê Ý thì với tình hình này trong năm 2012 con số thất nghiệp sẽ lên đến 9%, và nếu chỉ tính trong giới lao động trẻ dưới 25 tuổi thì tỉ lệ thất nghiệp tăng đến 21%.

Hồ sơ nóng : Cải tổ quy định cấm sa thải lao động vô căn cứ

Sau quyết định của chính phủ hồi trước Giáng sinh về các biện pháp nhằm cải tổ chính sách hưu trí thì công ăn việc làm, hay nói đúng hơn là các phương án dự trù cải tổ lại thị trường lao động ở Ý, hiện nay là điểm “cực nóng” và đang gây ra những căng thẳng giữa chính phủ và các công đoàn và một số lực lượng chính trị, kể luôn cả những đảng đang ủng hộ chính phủ.

Một trong những điểm then chốt của các dự luật cải tổ thị trường lao động là điều luật số 18 trong bộ luật lao động hiện hành ở Ý: điều luật ngăn cấm các cơ sở kinh tế sản xuất với 15 nhân công trở lên không được quyền sa thải lao động vô căn cứ. Tức là chẳng hạn như trong giai đoạn kinh tế trì thoái, các cơ xưởng không có quyền sa thải nhân công để tìm cách giảm chi phí hoạt động. Điều luật này có từ năm 1970 và từ đó đến nay được các công đoàn xem như là luật “bất khả xâm phạm” với mục tiêu là để bảo vệ người lao động.

Nhưng lại theo một số phân tích của một số chuyên gia kinh tế thì chính cái luật 18 này, vốn được xem như là “lá bùa hộ mạng” cho người lao động, thì trong những năm gần đây với tình hình kinh tế tài chánh khó khăn, lại đã đang trở thành “gậy ông đập lưng ông” đối với giới lao động: lý do là vì sợ không thể sa thải nhân công nên các cơ xưởng lại rất “hà tiện” trong việc thu nhận nhân công. Có người ví von rằng với cái điều luật 18 này, hợp động lao động bị xem như một thứ “hôn nhân” giữa chủ và thợ, và luật lại không cho phép ly dị.

Một số phân tích khác thì lại cho rằng nếu không áp dụng luật 18 thì người lao động sẽ hoàn toàn không có trong tay một công cụ nào để bảo đảm công ăn việc làm, và các chủ nhân sẽ lợi dụng điều sơ hở này để tìm cách hạ thấp tối đa phí tổn sản xuất và để tăng lợi nhuận.

Ngăn ngừa tình trạng lách luật để tùy tiện sa thải người

Trên thực tế, trong những năm gần đây, điều luật 18 đã bị vô hiệu quả bằng nhiều mưu chước hay kẻ hở của luật pháp. Một trong những mưu chước được các cơ sở kinh tế sản xuất áp dụng đại trà là “từ chức trắng”: tức là trước khi chính thức ký hợp đồng lao động với người lao động, chủ nhân cơ xưởng đã ép người lao động phải ký “trắng” trước giấy xin từ chức huỷ lao động, tức là ký tên mà không đề ngày tháng.

Với tờ giấy “từ chức” trong tay, bất cứ lúc nào cần, chẳng hạn khi hàng quán ế ẩm, chủ nhân chỉ cần điền ngày tháng và coi như người lao động “được” sa thải một cách hoàn toàn hợp pháp. Mưu chước này được áp dụng nhiều nhất đối với thành phần lao động nữ, vì mỗi khi người phụ nữ mang thai thì chủ nhân sa thải lập tức để thay vào đó một nữ nhân công khác thay vì phải chấp nhận quyền bảo vệ lao động cho người phụ nữ lúc mang thai, tức là vẫn phải trả một phần lương trong suốt thời gian sinh đẻ và phải tái nhận lao động sau khi sinh đẻ và sau thời gian nuôi trẻ sơ sinh 3 tháng.

Một phương kế khác để “nhảy rào” điều luật 18 là chỉ cần “tách” những nhân công cần sa thải sang một cơ sở con, cách này trong ngôn từ kinh tế phương Tây gọi là “spin-off”. Và thông thường các cơ sở con này vốn đã được cơ sở mẹ nặn ra trước với mục tiêu là chỉ cần vài tháng sau “cho sập tiệm”. Và khi cơ sở đã sập tiệm ... thì không cần sa thải người lao động cũng mất việc.... một cách rất ư hợp pháp.

Trong nhiều năm gần đây, đã có một vài chính phủ Ý, trung-tả cũng như trung-hữu, đã ngấp nghé cải tổ lại luật lao động ở Ý, nhưng mỗi khi đụng đến điều 18 là coi như, về mặt chính trị mà nói, chính phủ bị tê liệt ngay lập tức, bởi chính các đảng chính trị chẳng đảng nào dám có can đảm làm mất lòng cử tri.

Lần này, một phần do chính tình trạng khủng hoảng kinh tế tài chánh thôi thúc, một phần do chính các áp lực đến từ phía Châu Âu, và quan trọng nhất là chính phủ Mario Monti là một chính phủ kỹ trị, trên lý thuyết là một chính phủ không “cần” phải chiều lòng bất cứ một tầng lớp cử tri nào cả, và thậm chí, vẫn là trên lý thuyết, cả Thủ tướng lẫn các Bộ trưởng chẳng ai hành nghề chính trị gia và chẳng ai có tham vọng ứng cử vào Quốc hội vào năm 2013 tức là khi phải tổ chức bầu Quốc hội mới, do đó chính phủ sẽ thẳng tay “đánh chó” mà chẳng phải “kiêng chủ nhà” nào cả.

Đây có lẽ là điểm mạnh của chính phủ kỹ trị Mario Monti. Nhưng đồng thời cũng chính là điểm yếu. Bởi vì cũng rất có thể là những cải tổ mạnh tay nói trên mà không có được một sự đồng thuận chính trị xã hội rộng rãi rất có thể sẽ tạo ra những căng thẳng không kiểm soát được ngay trong lòng xã hội: từ đó vấn đề kinh tế sẽ biến tướng thành vấn đề an ninh xã hội với những hệ lụy không dễ lường trước được. Điều này chính các công đoàn cũng đã lên tiếng cảnh báo Thủ tướng Mario Monti.

Kinh tế Ý trì trệ vì ngành công nghệ thiếu đầu tư nghiên cứu

Quyết định “đánh nhanh đánh mạnh” trên lãnh vực lao động, với lý do là cải tổ lại luật lao động là một trong những điều kiện thiết yếu để tạo tiền đề cho bước phát triển của nền kinh tế sản xuất Ý. Thế nhưng, điều đó cũng có nghĩa là gián tiếp quy tội giá lao động như là nguyên nhân chánh cho sự trì trệ của nền kinh tế và sức cạnh tranh yếu kém của hàng hóa Ý trên thị trường quốc tế.

Điều này thật ra không hoàn toàn đúng với sự thật. Theo các thống kê về đầu tư thì mức độ đầu tư của giới doanh nhân Ý vào nghiên cứu trong lãnh vực công nghệ cao rất thấp so với các quốc gia Tây Âu khác. Ít ra là cho đến đầu thập niên 90, nền công nghệ Ý phần lớn sống nhờ vào các khoản trợ giúp hay cho vay nhẹ lãi của chính phủ.

Một trong những thói quen của doanh nhân Ý là mỗi khi gặp khó khăn là cứ hăm dọa đóng cửa cơ sở sản xuất, và do đó nhân công sẽ mất việc, và để tránh viển ảnh đó, và dưới áp lực của công đoàn, chính phủ Ý thường đưa ra những chính sách trợ cấp tài chánh hay bảo hộ dưới nhiều hình thức. Từ đó lần lần nền công nghệ sản xuất của Ý mất hẳn khả năng cạnh tranh và hoàn toàn lơ là việc phát triển nghiên cứu để tìm ra những mặt hàng có khả năng cạnh tranh cao.

Điển hình nhất là nền công nghệ xe hơi của tập đoàn FIAT trước đây chỉ xây dựng hay mở rộng hảng xưởng ở nơi nào mà chính phủ sẳn sàng có những chương trình trợ cấp tài chánh ... Kết quả là cho đến đầu thập niên 90, tập đoàn FIAT phình to ra nhưng tất cả chỉ nhờ vào chi viện của nhà nước. Bây giờ với những luật lệ khắt khe mới của Châu Âu, nhà nước không còn được quyền tự do tài trợ cho công nghiệp, và thế là các cơ xưởng sản xuất xe hơi của FIAT ở Ý lâm vào tình trạng khủng hoảng như hiện nay.

Nếu nhìn từ góc độ nói trên, thì phải thấy rằng thị trường lao động chỉ có thể là một trong nhiều vấn đề cần phải cải tổ, trong khi đó chính sự thiếu đầu tư vào nghiên cứu và khả năng cạnh tranh thương mãi yếu kém là những yếu tố chánh khiến cho nền kinh tế của Ý sa sút. Điển hình là như trường hợp giá lao động ở Đức vẫn cao hơn ở Ý, nhưng nền kinh tế Đức đâu có bị trì trệ, bởi vì các sản phẩm của Đức có khả năng cạnh tranh cao nhờ vào mức độ đầu tư vào nghiên cứu của nền công nghệ Đức rất lớn. Điều này cho thấy là giá lao động không phải là nguyên nhân chính của sự trì thoái kinh tế. Hay ít ra không phải là nguyên nhân duy nhất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.