Vào nội dung chính
CHÂU ÂU-TÀI CHÍNH

Đức cùng FMI tìm lối thoát cho khủng hoảng Hy Lạp

Theo AFP, ngày hôm nay, thứ Ba 10/1/2012, thủ tướng Đức Angela Merkel gặp tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde tại Berlin, với nội dung chủ yếu là khủng hoảng tài chính Hy Lạp.

Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos  trao đổi với bà Christine Lagarde Tổng giám đốc FMI trong cuộc họp tại Bruxelles hôm 21/10/2011.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos trao đổi với bà Christine Lagarde Tổng giám đốc FMI trong cuộc họp tại Bruxelles hôm 21/10/2011. REUTERS/Thierry Roge
Quảng cáo

Sau cuộc hội kiến giữa thủ tướng Đức và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, ngày hôm qua, mà hai phía thừa nhận tình hình của khu vực đồng euro là “hết sức căng thẳng”, buổi làm việc giữa thủ tướng Đức và tổng giám đốc FMI hôm nay, sẽ đề cập nhiều chủ đề quan trọng, đặc biệt là trường hợp Hy Lạp, một lần nữa đang ở trong tình trạng nguy hiểm.

Athens đang phải nỗ lực để tránh vỡ nợ, và để nhận được một khoản vay mới, mang tính sống còn. Theo báo chí Đức, FMI - một trong bộ ba định chế cấp vốn của Châu Âu -, tỏ ra nghi ngờ khả năng Hy Lạp có thể đưa được nền tài chính công của nước này trở lại con đường đúng.

Sáng hôm qua, thủ tướng Đức tuyên bố, Châu Âu “muốn Hy Lạp vẫn tiếp tục ở trong khối euro”, nhưng Hy Lạp phải thực hiện được các cam kết trước bộ ba định chế tài chính cấp vốn, FMI, Liên Hiệp Châu Âu và Ngân hàng trung ương Châu Âu, và nhất là nước này phải tiến hành các đàm phán với các nhà đầu tư tư nhân để có thể tái cơ cấu các khoản nợ.

Trong khi đó, các ngân hàng Châu Âu hiện nay đang có những lo ngại khác. Theo AFP, các ngân hàng đang liên tục gửi một số lượng kỷ lục tiền mặt vào Ngân hàng trung ương Châu Âu, với tổng số tiền lên đến 480 tỷ euro chỉ trong hôm qua và hôm nay. Đây có thể là coi là một dấu hiệu của sự rệu rã của thị trường liên ngân hàng.

Theo một đánh giá của các nhà phân tích thuộc Ngân hàng đầu tư Anh quốc Barclays Capital, những điều này cho thấy Hy Lạp có khả năng rơi vào phá sản trong hỗn loạn, ảnh hưởng đến Ý và các nước khác. Và, cũng theo phân tích kể trên, tình hình như vậy ngày càng cần đến sự tham gia của FMI, với các biện pháp phòng ngừa, để hạn chế khủng hoảng tại Ý và Tây Ban Nha.

Không chỉ tình hình của khu vực đồng euro cần đến các nỗ lực của FMI. Hungary cũng đang nguy ngập. Ngày hôm nay, một phái đoàn Hung đã tới trụ sở của FMI tại Washington để tìm cách nối lại các thương lượng nhằm có thể vay được thêm tiền. Tình trạng của Hungary cũng có ảnh hưởng đến nước Áo láng giềng. Theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính, vốn là một trong sáu nước khu vực đồng euro nhận được điểm AAA, Áo cũng khả năng bị cuốn vào khủng hoảng.

Liên quan đến việc đánh thuế đối với các giao dịch tài chính, ngày hôm nay, Đan Mạch, chủ tịch luân phiên Liên hiệp Châu Âu đã bác bỏ dự án đánh thuế đang được thảo luận trong nhóm 27 nước, được trình lên Ủy ban Châu Âu vào tháng 9/2011 và cảnh báo các nguy cơ chia rẽ nội bộ, tiếp theo sáng kiến đơn phương về thuế Tobin do Paris đề xuất.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.