Vào nội dung chính
HOA KỲ - NGUYÊN TỬ

Mỹ không phát triển thêm điện hạt nhân vì quá tốn kém

Trong những năm 2000, chính quyền Mỹ đã nêu vấn đề phát triển điện hạt nhân nhằm bảo đảm an ninh năng lượng và giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu lửa. Thế nhưng, kế hoạch “hồi sinh điện hạt nhân” đã bị chết yểu, thậm chí, trước khi xẩy ra thảm họa Fukushima, ở Nhật Bản hồi tháng Ba năm 2011. Theo giới chuyên gia, có nhiều lý do giải thích nhưng chủ yếu là do việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân quá tốn kém và sự cạnh tranh giá cả của một số nhiên liệu khác, đặc biệt là khí đốt tự nhiên.

Nhà máy điện nguyên tử Three Mile Island ở Hoa Kỳ.
Nhà máy điện nguyên tử Three Mile Island ở Hoa Kỳ. DR
Quảng cáo

Ông Peter Bradford, nguyên là thành viên Ủy ban Luật lệ Hạt nhân Mỹ (NRC), hiện là giáo sư luật tại đại học Vermont, cho biết AFP biết là “ngay cả trước khi xẩy ra vụ Fukushima, sự hồi sinh của năng lượng hạt nhân đã không được thực hiện”.

Trong năm 2008, Ủy ban Luật lệ Hạt nhân Mỹ đã tiếp nhận 31 đơn xin xây các lò hạt nhân mới, hiện nay, chỉ có hai dự án.

Ngày 20/02/2006, Tổng thống George Bush đã tuyên bố là Hoa Kỳ sẽ tái triển khai kế hoạch xây thêm các nhà máy điện hạt nhân. Dự án này sẽ cho giúp nước Mỹ đoạn tuyệt với sự phụ thuộc năng lượng một cách “bệnh hoạn”, trở thành con tin của các quốc gia không ưa thich Hoa Kỳ. Vào thòi điểm đó, ông Bush nói là đã có 19 công ty mong muốn xây thêm các lò hạt nhân mới.

Trước đó, trong thông điệp về tình hình Liên bang, ngày 31/01/2006, Tổng thống Mỹ đã đề ra mục tiêu giảm tới 75% sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu lửa Trung Đông.

Theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), nước Mỹ hiện có 65 nhà máy điện hạt nhân, với 104 lò phản ứng nguyên tử, đứng đầu thế giới. Trong năm 2010, sản lượng điện hạt nhân của Mỹ lên tới 806 968 Gwh, đáp ứng 20% tổng nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc.

Thế nhưng, theo giáo sư Bradford, việc xây dựng thêm lò phản ứng đã khựng lại vì “dự toán chi phí đã tăng gấp hai và đôi khi gấp ba kể từ khi người ta bắt đầu nói đến sự hồi sinh hạt nhân vào năm 2001”.

Ngoài yếu tố chi phí, thì “giá khí đốt tự nhiên thấp và sự thiếu vắng chính sách ở cấp Liên bang nhằm thành lập thị trường điều tiết việc phát thải khí CO2”, chống hiện tượng hâm nóng trái đất, đã làm cho điện hạt nhân trở nên kém hấp dẫn.

Chuyên gia David Lochbaum, thuộc “Hiệp hội Các vấn đề nhà khoa học quan tâm – Union of Concerned Scientists”, một nhóm nghiên cứu độc lập, thì chi phí xây dựng một lò phản ứng có thể nhích gần tới 9 tỷ đô la. Xây dựng một nhà máy nhiệt điện dùng khí đốt tự nhiên, có công suất 1.000 megawatt có thể chỉ mất vài năm, với đầu tư tối đa là 1 tỷ đô la. Trong khi đó, một nhà máy điện nguyên tử cùng công suất sẽ đòi hỏi thời gian xây dựng lâu hơn và tốn hơn 5 tỷ đô la.

Theo ông Lochbaum, trong dự án xây dựng một lò phản ứng nguyên tử, phần bê tông chiếm tới 65% tổng chi phí. Từ 5 năm qua, giá bê-tông tại Mỹ lại tăng mạnh, do nhu cầu xây dựng đường sá và tái thiết khu vực bị bão Katrina tàn phá, năm 2005. Thậm chí, các khoản tốn kém bổ sung do phải tăng cường các biện pháp an toàn hạt nhân cũng chỉ ở mức vừa phải so với việc tăng giá bê-tông.

Mặt khác, sau thảm họa Fukushiman, sự ủng hộ của dân Mỹ đối với điện hạt nhân cũng giảm hẳn đi. Điều này gây khó khăn cho ngành công nghiệp hạt nhân khi xin tài trợ của Nhà nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế bấp bênh và thâm hụt ngân sách.

Trong thời gian tới, tại Mỹ, có hai dự án đang chờ giấy phép xây dựng, ở Georgia và Nam Caroline, mỗi dự án có hai lò phản ứng.

Theo chuyên gia David Lochbaum, sự “hồi sinh điện hạt nhân” thực sự của Mỹ thể hiện qua việc kéo dài thời gian khai thác, từ 40 đến 60 năm tối đa, đối với khoảng 70% tổng số lò đang hoạt động.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.