Vào nội dung chính
AI CẬP

Đụng độ giữa cảnh sát Ai Cập và người biểu tình bước sang ngày thứ ba

Theo AFP, hôm nay 03/02/3012, tại Cairo, những người biểu tình tiếp tục đụng độ với cảnh sát. Đây là ngày xung đột thứ ba, kể từ khi phong trào phản kháng chống lại giới quân sự bùng phát, với ngòi nổ là thảm kịch 74 người chết tại sân vận động thành phố Port-Said. Trong các đụng độ này, đã có ít nhất 9 người chết và hơn 2.000 người bị thương.

Người biểu tình ném đá vào trụ sở bộ Nội vụ (REUTERS)
Người biểu tình ném đá vào trụ sở bộ Nội vụ (REUTERS)
Quảng cáo

Ngày hôm nay, người biểu tình tiếp tục tấn công vào trụ sở Bộ Nội vụ Ai Cập tại trung tâm Cairo và ném gạch đá vào cảnh sát. Cảnh sát đáp trả bằng đạn cao su và lựu đạn cay. Ngày hôm qua, trụ sở của cơ quan Thuế Ai Cập ngay gần cạnh đó đã bị đốt cháy, một đồn cảnh sát ở phía đông Cairo bị những người mang vũ khí tấn công, để giải cứu nhiều người biểu tình bị giam giữ.

Trong số những người biểu tình có nhiều cổ động viên câu lạc bộ bóng đá Ultras d’Al Ahli, là một nhóm có nhiều kinh nghiệm đối đầu với cảnh sát, để bảo vệ quảng trường Tahrir trong những ngày cách mạng, cách đây một năm.

Nhiều thanh niên tham gia cuộc phản kháng cho biết, mục tiêu của họ không chỉ là tấn công vào tòa nhà Bộ Nội vụ, mà qua việc này kích thích sự tham gia của dân chúng chống lại giới quân sự, đang tạm thời nắm quyền điều hành đất nước, kể từ khi nhà độc tài Mubarack bị lật đổ. Trong khi đó, tướng Hussein Tantaoui, lãnh đạo Hội đồng Quân sự Tối cao, phụ trách việc bảo đảm quá trình chuyển giao dân chủ, lên án các can thiệp từ bên ngoài cũng như trong nước làm rối loạn xã hội.

Hiện tại, xung quanh Bộ Nội vụ, hàng chục xe cảnh sát túc trực, hàng trăm cảnh sát chống bạo động có mặt. Một viên chức của Bộ Nội vụ Ai Cập cho biết, tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát, quân đội vẫn còn chưa được huy động. Theo một nguồn tin khác, một số đơn vị quân đội đang được đặt trong tình trạng báo động và sẵn sàng triển khai trong ngày hôm nay để bảo vệ Bộ Nội vụ.

Hội đồng Quân sự Tối cao Ai Cập thường xuyên bị dư luận tố cáo quản lý kém cỏi quá trình quá độ sang dân chủ, sau khi Cách mạng kết thúc. Giới lãnh đạo quân sự cũng bị cho là phải chịu trách nhiệm về cái chết của 74 người, cùng với việc hàng trăm người khác bị thương, tại sân vận động Port-Said, ngày thứ Tư vừa qua. Đây là thảm kịch được coi là bi thảm nhất của nền bóng đá Ai Cập.

Ngày hôm qua, viện trưởng Viện Công tố Ai Cập đã ra lệnh cấm người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Ai Cập và thị trưởng Port-Said đi ra nước ngoài. Thị trưởng thành phố kể trên đã phải từ chức, sau khi thảm kịch đẫm máu này xảy ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.