Vào nội dung chính
HY LẠP

Chính phủ Hy Lạp vẫn chưa đồng thuận về kế hoạch cắt giảm chi tiêu mới

Cho đến sáng ngày 09/02/2012 Thủ tướng Hy Lạp vẫn chưa thuyết phục được ba đảng trong liên minh cầm quyền thông qua kế hoạch khắc khổ mới. Đây là điều kiện tiên quyết để quốc tế tháo khoán gói hỗ trợ tài chính thứ nhì, trị giá 130 tỷ euro cho Athens. Giới công đoàn Hy Lạp kêu gọi đình công trong 48 giờ đồng hồ trong hai ngày 10 và 11/02/2012.

Biểu tình phản đối chính phủ tại Athens, Hy Lạp ngày 09/02/2012.
Biểu tình phản đối chính phủ tại Athens, Hy Lạp ngày 09/02/2012. REUTERS/Yiorgos Karahalis
Quảng cáo

Ba đảng phái chính trị tham gia chính phủ liên minh do Thủ tướng Lucas Papademos dẫn đầu vẫn chưa tìm ra đồng thuận về các biện pháp cải tổ và cắt giảm chi tiêu để đổi lấy gới viện trợ của Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Liên Hiệp Châu Âu đòi kế hoạch thắt lưng buộc bụng mới của Athens phải được cả ba đảng trong liên minh cầm quyền chấp thuận. Ba đảng tham gia chính phủ liên minh gồm đảng cánh hữu Dân chủ Mới, đảng xã hội Pasok và đảng Laos có khuynh hướng cực hữu. Theo các nguồn tin thông thạo, ba đảng này đã đạt được đồng thuận trên hầu hết các chủ đề, nhưng vẫn còn bất đồng về hồ sơ liên quan đến chế độ hưu bổng.

Ngoài ra, sau nhiều tuần lễ thương lượng gay go, nội các Papademos vừa công bố kế hoạch khắc khổ lần thứ tư. Theo đó, Athens dự trù cắt giảm thêm 15.000 chỗ làm trong giới nhân viên công chức, giảm thêm 22 % mức lương tối thiểu và như vậy lương tối thiểu của một người làm công ở Hy Lạp sẽ chỉ còn là 586 euro /tháng.

Hôm nay Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Evangelos Vénizélos đến Bruxelles để thuyết phục các đối tác trong khối euro đồng ý tháo khoán cho Athens gói hỗ trợ tài chính thứ nhì, 130 tỷ euro. Các Bộ trưởng Tài chính của khu vực đồng euro đòi Hy Lạp cam kết tiết kiệm thêm 3,3 tỷ euro trong năm 2011. Mặt khác châu Âu cũng đòi Athens phải giảm thêm 15 % quỹ lương hưu.

Dư luận Hy Lạp bác bỏ tất cả các biện pháp hà khắc nói trên. Nhiều chuyên gia cho rằng những đòi hỏi thắt lưng buộc bụng quá đáng đó sẽ « phản tác dụng ». Đặc biệt là biện pháp giảm tiền lương tối thiểu của Hy Lạp xuống còn chưa đầy 600 euro một tháng. Một chuyên gia cho rằng, một khi thu nhập của các hộ gia đình bị sụt giảm, thì các khoản chi tiêu của họ qua đó cũng giảm theo và như vậy gây trở ngại cho các doanh nghiệp, cho giới sản xuất. Thất nghiệp lại càng gia tăng vào lúc mà đã có tới 1 triệu dân Hy Lạp trên tổng số 11 triệu người không có công việc làm. Số người thất nghiệp ở Hy Lạp tăng 48 % trong năm 2011 và 50 % thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 hiện không có việc làm.

Thế nhưng dường như lập luận này của các chuyên gia kinh tế Hy Lạp không được Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế lắng nghe.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.