Vào nội dung chính
VĂN HÓA- NGHỆ THUẬT

Bất chấp khủng hoảng, thị trường nghệ thuật năm 2011 bội thu

Thị trường nghệ thuật năm qua không biết tới khủng hoảng. Trong năm 2011, doanh số của các sàn bán đấu giá sản phẩm nghệ thuật trên thế giới tăng 21%, đạt con số kỷ lục 11,54 tỷ đô la, trong đó Trung Quốc chiếm tới 41% thị phần.

Phòng đấu giá nghệ thuật Sotheby's tại Hồng Kông.
Phòng đấu giá nghệ thuật Sotheby's tại Hồng Kông. DR
Quảng cáo

 Artprice, công ty Pháp đứng đầu thế giới chuyên theo dõi thị trường nghệ thuật,  cho biết đây là lần đầu tiên doanh số của thị trường nghệ thuật bao gồm tranh, tượng, tranh khắc gỗ, ảnh… vượt ngưỡng 10 tỷ đô la.

Ông Thierry Ehrmann, người sáng lập và là giám đốc của Artprice cho biết riêng trong quý 1 năm 2011, doanh số bán ra của thị trường này đã đạt kỷ lục 6,45 tỷ đô la.

Trung Quốc là nước đã chiếm lĩnh vị trí đầu bảng của thị trường này trong năm 2010 vẫn tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 38%. Các sản phẩm nghệ thuật của nước này được đem bán đấu giá đạt 4,79 tỷ đô la tức chiếm trên 41% thị phần thế giới. Hoa kỳ là nước xếp thứ hai nhưng thua xa nhà vô địch châu Á với doanh số bán ra chỉ đạt 2,24 tỷ. Pháp vẫn duy trì được vị trí thứ 4 của năm trước chiếm 4,5% thị phần. Sau Pháp, nước Đức có doanh số 213 triệu.

Nếu xếp theo thứ tự thành phố thì Paris xếp vị trí thứ 5 sau Luân Đôn, New York, Bắc Kinh, Hồng Kông.

Ở châu Á,còn có thị trường Singapore tăng 22%, đạt con số 24,5 triệu đô la. Tổng thị phần nghệ thuật của châu Á tăng 43% trong năm 2011. Ông Ehrmann cho biết dự báo năm 2012, thị trường nghệ thuật của châu Á còn chiếm tới 54% của thế giới.

Ông chủ của Artprice giải thích thêm, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế « sản phẩm nghệ thuật đã thực sự trở thành món đồ có giá trị cất giữ ». Ông cho biết, vài tháng gần đây, nhiều ngân hàng đã triển khai mua các tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao để đầu tư. Nhà theo dõi thị trường nghệ thuật này còn quả quyết rằng với một tác phẩm nghệ thuật giá 15.000 euro trở lên, người mua sẽ không bao giờ sợ món đồ của họ bị mất giá. Tệ nhất thì họ vẫn có thể bán lại hòa giá. Cũng với giá tối thiểu đó người mua có thể bảo đảm thu lãi hàng năm với mức từ 12 đến 15%.

Vẫn theo ông Ehrmann, trong những năm 1950, cả thế giới chỉ có 500.000 nhà sưu tập đồ nghệ thuật. Bây giờ thế giới có 3 triệu người « tiêu dùng nghệ thuật », bao gồm những nhà sưu tập chuyên nghiệp và nghiệp dư.

Tác phẩm được đấu giá cao nhất rong nhất trong năm là bức tranh của danh họa Trung Quốc Tề Bạch Thạch « Chim ưng trên cành thông ». Bức tranh này được bán hôm 22/05/2011 tại Bắc Kinh với giá 57,2 triệu đô la Mỹ.

Artprice chỉ chuyên thống kê những tác phẩm nghệ thuật được bán qua đấu giá. Tuy nhiên bên cạnh đó các cuộc mua bán riêng các tác phẩm nghệ thuật cũng diễn ra trong không kém phần sôi động và giá bán cũng đạt mức kỷ lục. Mới đây tạp chí Vanity Fair phát hiện gia đình hoàng gia Qatar đã trả 250 triệu đô la cho một bức họa « Những người chơi bài » của Paul Cézanne. Một kỷ lục nhưng chưa hẳn đã là tuyệt đối.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.