Vào nội dung chính
KINH TẾ

IMF : kinh tế toàn cầu bắt đầu « có dấu hiệu ổn định »

Tại Bắc Kinh, ngày hôm nay 18/03/2012, tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế Christine Lagarde tỏ ra lạc quan về tình hình kinh tế thế giới. Bà cho rằng kinh tế toàn cầu bắt đầu « có dấu hiệu ổn định ». Tuy vậy, tình trạng nợ chồng chất của một số quốc gia phát triển và hiện tượng giá dầu tăng cao vẫn là những rủi ro đáng quan ngại. Do vậy theo bà Lagarde, «hành lang hoạt động của các nhà lãnh đạo rất hạn hẹp, và họ không được quyền sai lầm khi lấy quyết định». 

Bà Christine Lagarde trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, sau khi tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2012.
Bà Christine Lagarde trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, sau khi tham dự Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2012. REUTERS/China Daily
Quảng cáo

Kinh tế Hoa Kỳ đang trên đà phục hồi. Còn khối euro thì bắt đầu nhẹ nhõm sau khi đã giải quyết được phần nào khủng hoảng nợ công Hy Lạp. Tổng giám đốc IMF cho rằng, nhờ thế mà đe dọa kinh tế toàn cầu lâm vào một cuộc khủng hoảng mới đã tạm thời được xua tan. Dù vậy hiện vẫn còn nhiều mối đe dọa tiềm tàng và đà phục hồi của con tàu kinh tế thế giới còn rất mong manh. Trong số những rủi ro phải kể đến sự yếu kém của các hệ thống tài chính trên thế giới luôn bị ám ảnh, vì nợ công và nợ của tư nhân chồng chất. Kế tới là giá dầu hỏa đang tăng cao có nguy cơ làm tiêu tan hy vọng vươn lên của kinh tế thế giới. Mối lo ngại thứ ba của bà Lagarde là đà tăng trưởng ngoạn mục của các nước đang trỗi dậy bị chựng lại.

Chính vì thế Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế kêu gọi các nước phát triển chú trọng vào việc giải quyết nợ công, hỗ trợ tăng trưởng nhưng đồng thời cố gắng duy trì cân bằng ngân sách nhà nước. Song song với việc đó, cộng đồng quốc tế cần cải tổ tài chính và cả về mặt pháp lý để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Riêng đối với Trung Quốc, bà Lagarde tin rằng trong tương lai, đồng nhân dân tệ có thể trở thành đơn vị tiền tệ dự trữ. Để đạt được điều này, Bắc Kinh cần điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Cụ thể là tăng giá và sức linh hoạt của đơn vị tiền tệ Trung Quốc.

Cuối cùng tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nêu lên ba ưu tiên trước mắt của Trung Quốc : hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa để bớt lệ thuộc vào xuất khẩu và chú trọng hơn đến sự phân chia đồng đều những thành tựu kinh tế cho các thành phần trong xã hội.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.