Vào nội dung chính
NGA

Nga mở điều tra toàn quốc về nạn bạo hành của cảnh sát

Theo AFP, hôm qua, 27/3/2012, Ủy ban điều tra của Nga đã ra lệnh mở cuộc điều tra toàn quốc về tình trạng cảnh sát dùng bạo lực tra tấn người bị bắt, sau những vụ cảnh sát đánh chết người. Chính quyền Nga từ lâu nay vẫn coi những vụ việc như vậy chỉ là cá biệt.

Cảnh sát chống bạo động Nga đang "thi hành nhiệm vụ" tại Mátxcơva ngày 10/03/2012.
Cảnh sát chống bạo động Nga đang "thi hành nhiệm vụ" tại Mátxcơva ngày 10/03/2012. REUTERS/Mikhail Voskresensky
Quảng cáo

Ủy ban điều tra tội phạm của Nga ra thông cáo nói rõ : « Do những vụ việc cảnh sát sử dụng bạo lực nhằm vào các công dân giờ không còn là trường hợp cá biệt nữa, các chi nhánh của Ủy ban điều tra Nga bắt đầu tiến hành xem xét lại tất cả các khiếu nại của công dân về những hành động bất hợp pháp của cảnh sát ».

Quyết định trên được đưa ra sau khi có phát giác hai trường hợp cảnh sát trong vùng Voronej (cách Matxcơva 500 km) dùng vũ lực tra tấn 5 người bị bắt để ép cung buộc nhận những tội họ không làm.

Hôm nay, 28/3, Ủy ban điều tra nói trên thông báo đã bắt giam hai cảnh sát của vùng Kemerovo (Siberi) vì tham gia tra tấn đến chết một nghi phạm 25 tuổi hồi tháng 12 năm ngoái để buộc anh ta nhận tội.

Cách đây hơn hai tuần, một thanh niên tại Kazan thuộc nước Cộng hòa tự trị Tatarstan đã bị đánh chết một cách dã man tại trụ sở cảnh sát. Các nhà bảo vệ nhân quyền đã thống kê được không ít trường hợp cảnh sát tra tấn người bị bắt tại Kazan, khiến người dân hết sức bất bình.

Hôm qua, một cuộc biểu tình của thân nhân các nạn nhân đã được tổ chức trước trụ sở bộ Nội vụ tại Matxcơva để lên án những hành động bạo lực của cảnh sát. Theo các tổ chức phi chính phủ, nạn sử dụng bạo lực để ép cung đã trở nên phổ biến ở Nga.

Từ Matxcơva thông tín viên Anastasia Becchio tường trình :

" Trong đoàn biểu tình có những bà mẹ,những người chị của các nạn nhân trong những vụ bạo hành của cảnh sát . Theo những ngừoi biểu tình, thân nhân của họ đã bị cảnh sát ngược đãi, bị tra tấn để ép cung.

Đó là trường hợp người anh em của cô Svetlana Kolekanova, bị rơi vào tay cảnh sát Kazan. Cô nói : « Họ đã tra điện vào cột sống, vào bụng vào bàn chân của em tôi. Họ còn lột quần nó, đe dọa tra tấn nó bằng dùi cui. Tất nhiên sau bị tra tấn như vậy, em tôi đã buộc phải nhận mình có tội ».

Nếu như Svetlana và các phụ nữ khác trong đoàn biểu tình hôm nay có dịp để lên tiếng là bởi vì hồi đầu tháng một người đàn ông bị bắt tại Kazan bắt đã chết vì bị cảnh sát tra tấn bằng cách tống một cái chai vào hậu môn anh ta.

Tra tấn là cách làm hầu như đã trở nên phổ biến trong các trụ sở cảnh sát của vùng này. Chính quyền địa phuơng ở đó thì luôn khoe khoang là giải quyết hầu hết các vụ phạm tội.

Ông Edouard Ioussoupov, một luật sư tại Kazan cho biết : « Từ nhiều năm nay, nước cộng hòa Tatarstan vẫ dẫn đầu về giải quyết các vụ phạm tội. Nhưng giờ đây, chúng tôi đã biết làm sao mà họ đạt được kết quả như vậy. Đó là nhờ tra tấn, bạo lực và dàn dựng vụ việc ».

Ủy ban điều tra Nga thông báo sẽ nghiên cứu tất cả các đơn kiện gửi tới. Còn bộ Nội vụ, thì đề nghị đưa vào dạy tại các trường cảnh sát môn học về nhân đạo. Một ý tưởng bị các nhà bảo vệ nhân quyền đánh giá là phí lý."

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.