Vào nội dung chính
NGA

Ân xá Quốc tế kêu gọi Nga trả tự do cho 3 cô gái bị bắt vì chống Putin

Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) vào hôm qua 04/04/2012, đã yêu cầu chính quyền Nga trả tự do cho 3 phụ nữ trẻ trong nhóm mang tên Pussy Riot. Họ đã bị bắt và có thể bị đến 7 năm tù, vì đã hát một bài chống ông Putin. 

Biểu tình ủng hộ hai phụ nữ Nga bị bắt, Maria Alyokhina và Nadezhda Tolokonnikova, bên ngoài trụ sở cảnh sát ở Matx cơva, 08/03/2012
Biểu tình ủng hộ hai phụ nữ Nga bị bắt, Maria Alyokhina và Nadezhda Tolokonnikova, bên ngoài trụ sở cảnh sát ở Matx cơva, 08/03/2012 REUTERS/Denis Sinyakov
Quảng cáo

Trong thông cáo bằng tiếng Nga trên siteweb của mình, Ân xá Quốc tế đòi trả tự do ngay cho 3 ca sĩ nói trên. Ngày 21/02/2012, họ đã hát bài « Lời cầu nguyện punk » ở Thánh Đường Chúa Cứu Thế ở Matxcơva, chỉ trích một số nhân vật Chính thống giáo ủng hộ ông Putin. Bài hát còn thỉnh cầu Đức Mẹ Maria xua đuổi Putin.

Amnesty International nhắc lại là 3 phụ nữ này có thể bị đến 7 năm tù về tội ‘có hành vi côn đồ’ (hooliganisme), và họ có thể được công nhận là tù nhân vì chính kiến.

Bản thông cáo tiếng Anh của Ân xá Quốc tế có phần hơi khác. Theo Amnesty, dù các nữ ca sĩ trên có hành động (chống Putin), nhưng việc chính quyền tống giam họ với tội danh nghiêm trọng về hình sự - "có hành vi côn đồ" - là một phản ứng quá đáng đối với cách thể hiện ôn hoà quan điểm chính trị của họ, cho dù họ có làm phật lòng nhiều người. Và như thế họ là những "tù nhân vì chính kiến".

Chủ tịch ủy ban tham vấn về Quyền con Người cho điện Kremly, ông Mikhail Fedorov, nhận thấy là còn quá sớm để gọi 3 cô gái trên là tù nhân chính kiến, nhưng ông cũng không tán đồng việc bắt giam họ. Theo ông, « Các phụ nữ này đã làm những điều thiếu đạo đức, nhưng họ không phạm tội ác ».

Xin nhắc lại là vào ngày 21/02, tức là hơn 10 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Nga, 5 phụ nữ bịt mặt, mang theo máy phát nhạc đã lẻn vào Thánh Đường lớn ở Matxcơva, đến hát ngay lời cầu nguyện của họ trước bàn làm lễ. Bài hát đã khiến những người trong Chính Thống giáo phẫn nộ, họ cho là các cô gái này đã "phạm một tội ác còn kinh khủng hơn là tội giết người".

Một cựu thẩm phán tố cáo hệ thống tư pháp tồi tệ tại Nga

Người lên tiếng tố cáo là ông Serguei Zlobine, cựu phó chánh án Toà án vùng Volgograd, phía nam nước Nga. Ông nêu bật tình trạng tư pháp Nga bị sức ép từ mọi phía.

Trong một cuộc họp báo hôm qua tại Matxcơva, ông xác định : « Thẩm phán ở Nga là người chịu nhiều sức ép nhất, lệ thuộc vào mọi người, và hiếm khi nói lên được quan điểm của mình trong những hồ sơ được giao để thụ lý. Áp lực đến từ cơ quan an ninh Nga FSB, từ Ủy ban điều tra đặc trách các vụ án, và từ các Chánh án, thường muốn ảnh hưởng lên bản án.

Theo cựu phó chủ tịch, ông bị buộc phải từ chức, vì đã tìm cách chỉnh đốn hoạt động của các tòa án địa phương, đã cố tình để treo 2000 hồ sơ.

Năm 2011, ông Zlobine đã bị kiểm tra, sau khi một đài truyền hình tố cáo ông tham nhũng trong một chiến dịch nhằm gạt ông ra khỏi ngành tư pháp. Tuy ủy ban điều tra vùng Volgorod đã kết luận không có sở để điều tra ông, nhưng ông Zlobine đã phải từ chức.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.