Vào nội dung chính
NGA

Nga: Chiến thắng của Putin không che được phân hóa xã hội sâu sắc

Một tháng sau cuộc bầu cử tổng thống Nga với chiến thắng áp đảo của ông Vladimir Putin ngay trong vòng một, nguyệt san Le Monde diplomatique có bài phân tích « Sự thống nhất trên bề mặt của nước Nga », với nhận định, nếu như ứng cử viên Putin nhận được 63,6% phiếu bầu, thì tình thế chính trị ở Nga hiện nay khác xa so với điều mà người đắc cử tổng thống từng hy vọng, vào thời điểm đệ đơn ứng cử tháng 9/2011.

Ông Vladimir Putin tại khu tập bắn trong trụ sở cơ quan tình báo quân đội Nga GRU, ngày 08/11/2006
Ông Vladimir Putin tại khu tập bắn trong trụ sở cơ quan tình báo quân đội Nga GRU, ngày 08/11/2006 REUTERS
Quảng cáo

Uy tín của tổng thống Nga tương lai đã bị sói mòn, ngay cả trong hàng ngũ những người thân cận với ông, nhiều người cho rằng, ông Putin khó có thể mang lại các giải pháp cho những vấn đề của đất nước.

Bài viết mở đầu với nhận định : Một cuộc « cách mạng màu » theo kiểu Nga đã không xảy ra. Các cuộc tập hợp ngày 5 và 10/03 của đối lập đã không thu hút đủ số lượng người như dự kiến. Các lãnh đạo đối lập buộc phải chấp nhận thay đổi hình thức phản kháng. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, sau các cuộc xuống đường phản đối chính quyền chưa từng thấy kể từ tháng 12/2011, xã hội Nga đã trở nên phân hóa hơn bao giờ hết.

Mặc dù, những cuộc biểu tình lớn bày tỏ sự phản đối quyết liệt đối với ông Putin, việc Vladimir Putin đắc cử là điều không ai nghi ngờ. Đa số người Nga không muốn xảy ra một đảo lộn chính trị triệt để. Đối với đông đảo cử tri, Putin vẫn là người duy nhất bảo đảm sự ổn định của một đất nước, vốn khiếp sợ vì các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế liên tục diễn ra từ năm 1991 đến nay. Đảng cầm quyền đã biết sử dụng một cách hiệu quả tâm lý này, với việc hứa hẹn sẽ tiến hành một sự chuyển đổi từ từ.

Trên phương diện đảng phái chính trị, các điều luật liên quan đến bầu cử được áp dụng từ năm 2000, đã ngăn cản đối lập đưa ra được các ứng cử viên đáng tin cậy. Kết quả bầu cử tổng thống vừa qua, các đảng đối lập được phép hoạt động, như đảng Cộng sản, đảng Tự do – Dân chủ đều suy yếu. Ứng cử viên Grigori Iavlinski của đảng Iabloko, một thời được coi như đảng Dân chủ - Xã hội kiểu Nga, bị truất quyền ứng cử. Một loạt chính sách xã hội : tăng trợ cấp, hưu bổng, lương của một số nhóm xã hội, như giáo viên, nhân viên ngành y tế, trợ cấp các ngành công nghiệp truyền thống … mà ông Putin đã thi hành, khiến cho đảng Cộng sản mất đi ảnh hưởng tại chính các địa bàn truyền thống của họ.

Le Monde diplomatique chú ý đến cuộc phỏng vấn trên tuần báo Nga The New Times (05/03/2012). Người được phỏng vấn là ông Igror Iourguens, phụ trách một think tank thân cận với tổng thống Medvdev. Bài viết cho thấy các cuộc đấu tranh giành giật ảnh hưởng trong giới thân cận của cặp bài trùng Medvdev – Putin. Người trả lời phỏng vấn, tự nhận thuộc về phe của tổng thống Nga mãn nhiệm Medvdev, chấp nhận rằng phe ông đã thua.

Giới thân cận với tổng thống Medvedev rất gần gũi với những người xuống đường chống Putin mới đây, bao gồm nhiều tầng lớp trong xã hội Nga, hy vọng một sự thay đổi. Trong khi đó, theo ông Igror Iourguens, đối lập với những nhóm xã hội này là một nhóm lợi ích bảo thủ, hùng mạnh, có chân đứng tại tất cả các vị trí chủ chốt trong guồng máy chính quyền, và dựa vào một loạt các lĩnh vực nhiều thế lực, như  các tổ hợp công nghiệp quân sự, ngành dầu khí, ngành thực phẩm, quân đội.

Cũng trong tuần báo Nga kể trên (số ra ngày 31/10/2011), có một danh sách liệt kê các quan hệ chính thức và mang tính cá nhân của ông Putin với giới lãnh đạo của các ngành vừa dẫn, cùng với những người có thế lực trong ngành xây dựng cơ sở hạ tầng, ngân hàng và truyền thông. Toàn bộ mạng lưới thân cận với ông V. Putin điều khiển một khu vực kinh tế, chiếm tới hơn một nửa PIB của nước Nga và hơn ¾ lượng hàng hóa xuất khẩu của nước này.

Tuần báo Le Monde diplomatique nhận định, phong trào phản kháng tại Nga, ngoài việc lên án các giả mạo trong bầu cử, tập trung chủ yếu vào việc đòi hỏi chính quyền phải minh bạch, phải để dân chúng kiểm soát việc thực thi công lý, việc ra quyết định chính trị, chống lại các ưu đãi quá đáng dành cho một tầng lớp đặc quyền mới. Trên thực tế, bất chấp những lời hứa hẹn, mà hai ông Medvdev-Putin lắp đi lắp lại, trong lĩnh vực này đã không có nhiều tiến bộ.

Le Monde diplomatique kết thúc bài phân tích về nước Nga, với bài viết của hai nhà nghiên cứu Mỹ trên tờ « The National Interest », phác họa lại chân dung của người vừa tái đắc cử tổng thống. Theo các tác giả, ông Putin – một người yêu môn lịch sử - đã cố gắng làm theo tấm gương của bộ trưởng Piotr Stolypine, dưới thời Nga hoàng Nicolas II, được coi là một nhà cải cách lớn, với câu nói nổi tiếng trước Viện Duma Nga vào năm 1907, tức là sau cuộc cách mạng 1905 : « Chúng ta không cần đến những đảo lộn, mà cần một nước Nga vĩ đại ».

Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán của nhà chính trị học Đức Alexandre Rahr (ông Putin trong nhiệm kỳ mới sẽ là một nhà cải cách lớn) trong con mắt của nhiều người, tổng thống Nga tương lai sẽ chỉ làm theo tấm gương của bộ trưởng Grigori Potemkine, người tô vẽ các ảo tưởng cho nữ hoàng Catherine đệ nhị. Vấn đề còn lại là, liệu đối lập Nga có đủ năng lực tổ chức về mặt chính trị, để có thể khẳng định được vị thế của mình hay không ?

Đại học Việt Nam dưới ánh sáng của các tiểu chuẩn quốc tế

Về Việt Nam, nguyệt san Le Monde diplomatique có bài « Là sinh viên ở Việt Nam ». Bài viết điểm lại lịch sử phát triển nhanh chóng của nền đại học tại Việt Nam, cùng những thực tế hết sức tương phản.

Bài viết mở đầu với một hình ảnh lạ lùng nhưng đầy ý nghĩa : một nữ sinh viên trò chuyện về sở thích sử dụng khẩu súng trường Nga Kalachnikov, với những bài tập mà cô được học trong những giờ giáo dục quân sự bắt buộc trong thời gian học đại học. Cùng với việc học quân sự, « tư tưởng Hồ Chí Minh » là một môn học bắt buộc khác, đối với tất cả các chuyên ngành, từ vật lý học, cho đến kế toán, hay nghệ thuật, … Dấu ấn của ba thập kỷ chiến tranh còn in đậm trong nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay.

Tác giả ghi nhận, mặc dù với khoảng 2 triệu sinh viên/87 triệu dân, tỷ lệ sinh viên đại học ở Việt Nam chưa thấm gì so với các nước láng giềng tiên tiến ở Châu Á, nhưng dù sao, trong 20 năm qua, số lượng sinh viên ở Việt Nam đã tăng gấp 13 lần. Tuy nhiên, triển vọng của những người có bằng cấp đại học cũng không hẳn sáng sủa. Theo một con số chính thức chỉ có 60% sinh viên ra trường có được việc làm, trong đó 1/3 số sinh viên có việc làm phải làm việc ở một lĩnh vực không liên quan đến đào tạo.

Theo nhận định của ông Trinh Văn Tùng, hiệu phó trường Đại học KHXH & NV (Đại học Quốc gia Việt Nam), việc đầu tư cho giáo dục ở Việt Nam, ở mức 5% ngân sách quốc gia, là không thể đáp ứng được nhu cầu của một xã hội với một nửa số dân cư dưới 26 tuổi. Một con số đáng nói là, Bộ Giáo dục Việt Nam chỉ quản lý khoảng gần 15% cơ sở đai học, trường đại học do các bộ quản lý chiếm hơn 30%, chính quyền địa phương quản lý 33%, còn lại là các trường tư nhân chiếm khoảng hơn 20%.

Trong những năm gần đây, sự tự trị của các trường đại học ngày càng trở thành một thực tế, giáo dục ngày càng hướng đến đáp ứng các nhu cầu cá nhân hóa. Điều này được một số người khẳng định là mang lại những kết quả tốt, trong khi đó, một số người khác thì cho rằng, quan hệ giữa giáo viên với sinh viên, giữa các sinh viên, ngày càng trở nên lỏng lẻo, …

Một trong những đặc điểm của giáo dục đại học Việt Nam là lương chính thức của người giáo viên không đủ để nuôi sống họ. Le Monde diplomatique dẫn lại quan điểm của giáo sư Hoàng Tụy, cách đây hơn 4 năm, chỉ trích chế độ lương, được coi là một nguyên nhân chính của sự trì trệ của nền giáo dục. Bốn năm sau, các nhận định của giáo sư Hoàng Tụy vẫn đúng, tình trạng lương chính thức không đủ sống vẫn là một thực tế, cùng với giá cả ngày một đắt đỏ, với tỷ lệ lạm phát lên đến 20% vào năm 2011.

Trong bối cảnh, nền đại học Việt Nam đang trong xu hướng mở rộng và đa dạng hóa để thu hút ngày càng nhiều sinh viên, và hướng đến chỗ gắn liền đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, bài viết nhấn mạnh đến kinh nghiệm mang tính hoa tiêu của USTH (Université des Sciences et des Technologies de Hanoi), trường đại học Việt – Pháp, cơ sở đào tạo phối hợp giữa một đại học công lập Việt Nam với các đại học quốc tế thứ hai (ra đời sau Vietnamese-German University ở Sài Gòn năm 2008). Ra đời cuối năm 2009, dự án đại học quốc tế này đã từng bị vấp phải một làn sóng chỉ trích hết sức dữ dội. Một trong những lý do là USTH nhận được một nguồn đầu tư được cho là quá lớn, so với số lượng sinh viên được đào tạo.

Cái giá của một đào tạo đại học có chất lượng, quan hệ giữa đào tạo đại học và việc làm, thị trường lao động, … có rất nhiều câu hỏi nóng bỏng mà nền giáo dục đại học Việt Nam phải sớm trả lời, khi mà hàng triệu sinh viên Việt Nam trông đợi ở đào tạo đại học một cánh cửa mở vào tương lai, …

Giáo dục phổ thông : những kinh nghiệm thành công

Cũng về giáo dục, nhưng là giáo dục phổ thông, tờ Le Courrier International có hồ sơ « Trường học. Những giải pháp hiệu quả ở nơi khác ». Tuần báo nhấn mạnh đến việc hệ thống giáo dục Pháp trở nên thua kém trong các bảng xếp hạng quốc tế, và đưa ra một số kinh nghiệm tốt trên thế giới.

Trong số đó, được đặc biệt nhấn mạnh là ba kinh nghiệm. Thứ nhất là nền giáo dục Phần Lan, với sự mềm dẻo của chương trình và sự hỗ trợ thích đáng dành cho học sinh, thứ hai là nền giáo dục Hà Lan với việc cha mẹ học sinh có quyền lựa chọn thời gian của các kỳ nghỉ học, và cuối cùng là kinh nghiệm của California với năng lực làm việc nhóm và sự trợ giúp lẫn nhau giữa các học sinh.

Kinh nghiệm của Phần Lan, đất nước đột ngột nổi lên về phương diện giáo dục thu hút sự quan tâm, được thuật lại ở đây qua cái nhìn từ một tờ báo Thụy Điển. Mặc dù đầu tư vào giáo dục tương đối ít, nhưng giáo dục Phần Lan được coi là đặc biệt hiệu quả, trước hết bởi chương trình học tập mang tính thực tế, hướng đến tính hiệu quả, với các mục tiêu cụ thể và hợp lý.

Học sinh hiểu được rằng mình cần phải là gì. Thời gian học đối với các em cũng khá nhẹ. Giờ học cho học sinh tiểu học thường kết thúc vào lúc 2 giờ chiều, và sau đó là giờ thể thao, giải trí. Mục đích chính ở cấp học này là giúp cho học sinh hiểu được đâu là những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Một điểm mạnh khác của Phần Lan là có được một hệ thống giáo dục nghề nghiệp rất rộng và hấp dẫn, khiến cho có đến một nửa số học sinh 15 tuổi chọn định hướng kỹ thuật.

Hệ thống Phần Lan, như bài báo mô tả, trộn lẫn sự đòi hỏi, sự trợ giúp và tinh thần tự do. Đối với học sinh tiểu học và phổ thông cơ sở, nhấn mạnh đến sự trợ giúp, trong khi đó, đối với học sinh bậc học cao hơn là tinh thần tự do. Nền tảng căn bản của nền giáo dục Phần Lan nói chung là đòi hỏi cao, nhưng chính tinh thần tự do lựa chọn là điều giải thích vì sao học sinh trung học Phần Lan lại thường có điểm số cao.

Nhà văn Bỉ Simon Leys - « một sĩ phu chiến đấu »

Kết thúc mục điểm tuần báo hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu với quý thính giả bài phỏng vấn của tuần báo L’Express với nhà văn Simon Leys, trong bài viết mang tựa đề « Simon Leys, một sĩ phu chiến đấu ».

Nhà văn người Bỉ, chuyên về văn học Trung Quốc, năm nay 76 tuổi, đã từng nổi tiếng với cuốn « Những trang phục mới của chủ tịch Mao » (1976), mô tả lại sự thật về cuộc đấu tranh quyền lực trong cuộc Cách mạng « Văn hóa » ở Trung Quốc những năm 1969-1969. Nhân dịp nhà xuất bản Flammarion xuất bản một cuốn tuyển tập các trích đoạn, phác họa lại chân dung của nhà Hán học, L’Expresse có bài phỏng vấn.

Trở thành nhà văn viết về chính trị, nhà văn Leys tên thật là Pierre Rycmans, không ngừng lên án thái độ bịp bợm của những người cầm quyền và sự mù quáng của giới trí thức, với một văn phong trộn lẫn sự chân thật, tính dũng cảm và tinh thần giản dị, như điều mà George Orwell gọi là « common decency » (tạm dịch là thái độ đứng đắn thông thường).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.