Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Châu Âu chuẩn bị một 'kế hoạch Marshall' 200 tỷ euro để kích thích tăng trưởng ?

Theo nhật báo Tây Ban Nha El Pais vào hôm qua, 29/04/2012, Ủy ban Châu Âu đang chuẩn bị một kế hoạch huy động các đầu tư trị giá 200 tỷ euro để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại châu lục này. Theo El Pais, dự án này sẽ thúc đẩy các đầu tư nhà nước và tư nhân trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và công nghệ cao. 

Cảnh chợ ế ẩm ở Hy Lạp. Người dân phải giảm mạnh chi tiêu vì các kế hoạch thắt lưng buộc bụng liên tiếp.
Cảnh chợ ế ẩm ở Hy Lạp. Người dân phải giảm mạnh chi tiêu vì các kế hoạch thắt lưng buộc bụng liên tiếp. Ảnh : Amélie Poinssot
Quảng cáo

El Pais cho rằng, về chủ đề này, nhiều biện pháp đã được chính phủ các nước Châu Âu bàn thảo từ mấy tháng nay. Cụ thể là vai trò cần được tăng cường của Ngân hàng Đầu tư Châu Âu, khả năng can thiệp của Quỹ bình ổn tài chính Châu Âu, hay việc Châu Âu đưa ra các khoản tín dụng lớn. Các biện pháp này do Ủy ban Châu Âu quản lý và được bảo đảm bằng ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu.

Cũng theo tờ báo, « kế hoạch Marshall 200 tỷ » euro kích thích tăng trưởng này sẽ được công bố trong cuộc gặp giữa các nguyên thủ Châu Âu trước cuộc họp thượng đỉnh 28-29/06. Thời gian cụ thể của cuộc gặp này hiện vẫn chưa được xác định.

Vào hôm nay, người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu, Pia Ahrenkilde, tuyên bố bác bỏ các con số mà tờ El Pais đưa ra, vì cho rằng chúng « không dựa trên bất cứ cơ sở thực tế nào ».

Kinh tế Tây Ban Nha rơi lại vào suy thoái

Theo Reuters, các số liệu công bố chính thức hôm nay cho biết nền kinh tế Tây Ban Nha tiếp tục suy giảm trong quý một năm nay 2012. Đây là quý thứ hai liên tiếp kinh tế Tây Ban Nha bị suy giảm đều với tỷ lệ 0,3%. Với hai quý tăng trưởng theo số âm, như vậy là Tây Ban Nha đã chính thức bị suy thoái, lần này là lần thứ hai từ năm 2009 đến nay.

Kế hoạch bình ổn nền kinh tế của chính phủ Tây Ban Nha, được trình lên Ủy ban Châu Âu, cho thấy, kinh tế nước này sẽ còn suy thoái trong năm nay, trước khi tăng trưởng trở lại với tỷ lệ 0,2% vào năm tới.

Chính phủ Tây Ban Nha dưới áp lực của các đối tác Châu Âu đã đưa ra nhiều chính sách khắc khổ, cắt giảm chi tiêu công tổng công đến 40 tỷ euro trong năm nay, nhằm thu hẹp mức thâm hụt ngân sách.

Theo một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Pháp BNP Paribas, kinh tế Tây Ban Nha sẽ còn tiếp tục suy thoái trong những tháng tới, do các hệ quả của chính sách khắc khổ.

Hai thủ tướng Đức và Ý chuẩn bị một hiệp ước ngân sách chung của Châu Âu

Cũng ngày hôm nay, theo nhật báo Ý La Reppublica, thủ tướng Ý Mario Monti và đồng nhiệm Đức Angela Merkel đang chuẩn bị một kế hoạch chung về ngân sách của Liên Hiệp Châu Âu và Cơ chế bình ổn Châu Âu (tức Quỹ trợ giúp các quốc gia châu Âu gặp khó khăn) - hai công cụ tài chính chính chống đỡ khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu. Kế hoạch này sẽ được quốc hội hai bên phê chuẩn. Mục tiêu của hai chính phủ Đức và Ý là phê chuẩn trước mùa hè này, hai công cụ tài chính chính chống đỡ khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu.

Theo tờ Le Reppublica, đằng sau liên minh giữa thủ tướng Ý Monti và thủ tướng Đức Merkel là tham vọng của Roma muốn thay thế Paris, trở thành đối tác ưu tiên của Berlin trong trường hợp ứng cử viên đảng Xã hội François Hollande đắc cử tổng thống Pháp vào chủ nhật tới.

Với chủ trương thắt lưng buộc bụng, thủ tướng Đức lo ngại ông Hollande sẽ đòi đàm phán lại hiệp ước ngân sách Châu Âu, vốn đã được chính phủ các nước Châu Âu đồng ý, sau nhiều tháng thương thuyết cam go.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.