Vào nội dung chính
ANH QUỐC-BẦU CỬ

Bầu cử thị trưởng Luân Đôn, trắc nghiệm chính trị cho đảng bảo thủ

Hôm nay, 03/05/2012khoảng 5,8 triệu cử tri thủ đô Luân Đôn tham gia cuộc bầu cử để chọn trong 7 ứng cử viên ra vị Thị trưởng của thành phố. Mặc dù là một cuộc bầu cử mang tính địa phương nhưng nó lại thu hút sự chú ý của giới chính trị Anh. Đặc biệt hơn nữa là cuộc bỏ phiếu bầu thị trưởng này lại được những người dân nhập cư cũng quan tâm theo dõi.

Thủ tướng Anh David Cameron (phải) vận động tranh cử  thị trưởng Luân Đôn cho ông Boris Johnson  hôm 17/04/2012 tại mọt quận phía nam thành phố.
Thủ tướng Anh David Cameron (phải) vận động tranh cử thị trưởng Luân Đôn cho ông Boris Johnson hôm 17/04/2012 tại mọt quận phía nam thành phố. REUTERS/Luke MacGregor
Quảng cáo

Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải tưởng trình:

Hôm nay dân chúng London đi bỏ phiếu bầu thị trưởng, mà mối quan tâm dồn vào hai ứng viên nặng ký nhất từ đảng Bảo thủ và đảng Lao Động. Mặc dù các đảng phái khác cũng đưa ra các ứng viên sáng giá, và có một số ứng viên tự do, nhưng báo chí nước Anh tập trung vào hai ông Ken Livingstone từ đảng Lao Động và Boris Johnson từ đảng Bảo Thủ.

Cả hai người đều từng giữ chức thị trưởng và nắm rât rõ các vấn đề của London cũng như để lại nhiều điều gây chỉ trích. ông Boris Johnson vừa nắm nhiệm kỳ trước còn ông Ken Livingstone thì nắm nhiệm kỳ trước đó. Bây giờ là lúc người dân London tính sổ xem họ có hài lòng với những gì hai vị này đã làm và có còn tiếp tục tin vào những điều hứa hẹn tương lai của họ hay không. Quan trọng hơn nữa, đây cũng là lúc dân chúng Anh quốc đem hai đảng lớn là Lao động và Bảo thủ lên bàn cân.

Tuy là cuộc bầu cử địa phương nhưng lại có tầm ảnh hưởng chính trị quốc gia

Tờ Wall Street Journal chạy hàng tin cuộc bầu cử này là phép thử cho thủ tướng Anh. Đúng vậy, hiện nay đảng Bảo thủ đang cầm quyền và xu hướng ông Boris Johnson được các khảo sát đánh giá là sẽ tái đắc cử. Nhưng nếu ứng viên từ phía Lao Động là Ken Livingstone bứt phá thành công trong những giờ chót thì đây sẽ là cú knock-out đánh thẳng vào chiếc ghế thủ tướng của David Cameron, vốn cầm quyền qua một liên minh lỏng lẻo với đảng Lib-Dem.

Còn nếu Boris Johnson thắng đậm thì cũng sẽ là mối lo cho ông thủ tướng vì vai trò của nhân vật này được coi là số 2 trong đảng bảo thủ, và có những chính sách hoàn toàn khác với thủ tướng, ví dụ như tuyên bố ân xá cho người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp để giảm gánh ngân sách và kiếm thêm thuế cho các hoạt động kinh tế và an sinh xã hội. Có ít nhất nửa triệu người nước ngoài không có giấy tờ hợp lệ đang sinh sống bất hợp pháp ở London và câu chuyện dân nhập cư luôn làm nóng chính trường nước Anh.

Không chỉ bên ngoài mà ngay bên trong nội bộ đảng Bảo thủ uy tín của thủ tướng David Cameron cũng đang lung lay khi báo chí phanh phui các mối quan hệ của ông với truyền thông mà đặc biệt là với trùm truyền thông Rupert Murdoch. Nếu Boris Johnson thắng thì cũng là người quản lý khoản ngân sách riêng trị giá trên 15 tỷ euro để vận hành cỗ máy kinh tế quan trọng là trung tâm tài chính London, sẽ nổi hẳn lên là một chính trị gia biết phối hợp và điều hành nền kinh tế trong bối cảnh đảng Bảo Thủ đang bị chê trách và cơn suy thoái tiếp tục đè nặng lên đất nước này.

Vai trò và tầm ảnh hưởng của thị trưởng Luân Đôn

Xét về cơ cấu tổ chức, thì thực sự vị trí thị trưởng London có vai trò biểu tượng chính trị và ảnh hưởng kinh tế vĩ mô hơn là có tác động gì đến cuộc sống của từng người dân. Bản thân hôm nay vẫn là một ngày làm việc bình thường cho nên có thể thấy tỉ lệ dân chúng đi bầu sẽ thấp, và trời còn đang mưa phùn nên sẽ còn ít người đi bầu hơn nữa.

Từ nhiều tháng trước các đảng đã ráo riết vận động người ta đăng ký bỏ phiếu bằng bưu điện và lên kế hoạch động viên đến giờ chót vào hôm nay, nhất là đảng Bảo Thủ, vì như phân tích trên, họ cần chiến thằng này hơn ai hết và hơn bao giờ hết. Về thực chất, thì nguồn thuế địa phương của dân London đổ vào chính quyền cấp thấp hơn, tạm gọi là quận, mà tiếng Anh là Council, với đầy đủ cơ chế hội đồng nhân dân, thị trưởng, tòa thị chính với các ủy ban giải quyết hết mọi công việc hàng ngày trong cuộc sống.

Khi đó thì quyền lợi mới thực sát sườn với lá phiếu của cử tri. Tuy nhiên có thể thấy trong và năm qua ông Boris Johnson dần mở rộng quyền hành, có can thiệp và lượng công an thủ đô, do qui tụ trong một hệ thống gọi là Metropolitan Police, hay tái cơ chế lại hệ thống giao thông công cộng với mạng lưới thẻ Oyster cho phép người dân thủ đô dùng tất cả các loại phương tiện công cộng chạy qua đây bao gồm cả xe lửa.

Kết quả bầu cử có tác động đến số phận của những người nhập cư

Một vấn đề khiến người nước ngoài và đặc biệt là người Việt ở London quan tâm nhất là chính sách của 2 ứng viên thị trưởng đối với dân nhập cư và đặc biệt là người nhập cư bất hợp pháp. Trước đây mỗi Council có một chính sách riêng về trợ cấp cho người tị nạn, nhưng cả ông Ken Livingstone và ông Boris Johnson đều có những cố gắng phối hợp để đưa ra một chính sách chung cho toàn London.

Boris Johnson còn nổi tiếng với tuyên bố đòi hợp pháp hóa cho từ nửa triệu đến 1 triệu người nước ngoài vượt biên vào nước Anh, để khỏi tốn tiền của ngân sách phải trục xuất, mà còn tận thu được nguồn thuế. Một nghiên cứu lớn đã được ông đặt hàng tại Học viện kinh tế chính trị London, nhưng chính sách này đi ngược với chủ trương hiện nay của đảng Bảo Thủ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.