Vào nội dung chính
HY LẠP

Hy Lạp bế tắc chính trị : toàn khu vực đồng euro lo ngại

Hôm nay 10/05/2012, lãnh đạo Đảng Xã hội Hy Lạp ( Pasok ) sẽ cố gắng thành lập một chính phủ liên minh sau cuộc bầu cử Quốc hội ngày 06/05 vừa qua. Đây là nỗ lực cuối cùng để đưa Hy Lạp thoát khỏi bế tắc chính trị mà hiện đang gây lo ngại cho toàn bộ khu vực đồng euro.

Lãnh đạo đảng cực tả Syriza Alexis Tsipras và ông Antonis Samarás, đảng cánh hữu Dân chủ Mới (Reuters)
Lãnh đạo đảng cực tả Syriza Alexis Tsipras và ông Antonis Samarás, đảng cánh hữu Dân chủ Mới (Reuters)
Quảng cáo

Trong cuộc bầu cử vừa qua, đảng cánh hữu Dân chủ Mới đã về đầu nhưng lại không hội đủ đa số ghế ở Quốc hội. Ông Antonis Samaras, lãnh đạo đảng này đã không thể thành lập được một chính phủ liên minh. 

Tiếp đến, ông Alexis Tsipras, lãnh đạo đảng cực tả Syriza, về hạng nhì trong cuộc bầu cử, từ hôm thứ ba đã cố gắng thương lượng để với các đảng khác để lập một nội các liên minh cánh tả với xu hướng chống các biện pháp khắc khổ do Liên hiệp châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế áp đặt cho Hy Lạp trong khuôn khổ kế hoạch trợ giúp nước này. Nhưng đảng Cộng sản, cũng như các đảng cánh tả khác từ chối hợp tác với đảng Syriza, cho nên, tối hôm qua, ông Tsipras đã tuyên bố từ bỏ việc thành lập chính phủ. 

Với tư cách lãnh đạo đảng Pasok, đảng về hạng ba, ông Evangels Vénizélos hôm nay đã được tổng thống Hy Lạp Carolos Papoulias giao cho nhiệm vụ cực kỳ tế nhị này. Nếu lãnh đạo đảng Pasok lại thất bại trong việc thành lập nội các ( khả năng gần như chắc chắn sẽ xảy ra ), tổng thống Papoulias sẽ phải tập hợp toàn bộ các chính đảng trong nỗ lực cuối cùng nhằm lập ra một chính phủ « đoàn kết dân tộc », theo quy định của Hiến pháp. Nếu lần này mà vẫn không được thì Hy Lạp sẽ phải tồ chức lại bầu cử Quốc hội trong 3 hoặc 4 tuần nữa. 

Trước cuộc bầu cử Chủ nhật vừa qua, hai đảng trong chính phủ liên minh tả hữu, tức là đảng Dân chủ Mới và đảng Pasok đã chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng do Liên hiệp châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế áp đặt cho Hy Lạp. Nhưng kết quả bầu cử cho thấy là người dân Hy Lạp không chấp nhận kế hoạch khắc khổ ấy, qua việc dồn phiếu cho những đảng chủ trương không làm theo lời các chủ nợ. 

Mọi hy vọng của người dân Hy Lạp nay đặt vào tổng thống tân cử của Pháp François Hollande, được mệnh danh là « Roosevelt của châu Âu », lý do là vì ông chủ trương một chính sách kích thích tăng trưởng hơn là thắt lưng buộc bụng để giảm nợ công. Nói cách khác, dân Hy Lạp hy vọng là ông Hollande sẽ giúp thay đổi chính sách của Liên hiệp châu Âu, hay ít ra là giúp giảm bớt áp lực từ nước Đức. Theo chiều hướng đó, ông Alexis Tsipras, lãnh đạo đảng cực tả Syriza, sẽ đến Paris ngày mai và đã xin gặp tổng thống Hollande. 

Bế tắc chính trị tại Hy Lạp tiếp tục gây lo ngại cho các thị trường chứng khoán châu Âu, bởi vì một lần nữa nó làm nổi rõ nguy cơ Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, gây ra phản ứng dây chuyền có thể làm sụp đổ toàn bộ khối này. Để coi như là « cảnh cáo » Hy Lạp, hôm qua Uỷ ban châu Âu chỉ cấp cho nước này 4,2 tỷ euro tín dụng, thay vì 5,2 tỷ như dự kiến ban đầu. Nhưng hiện giờ, các lãnh đạo châu Âu thật ra chưa biết nên ứng xử ra sao trước tình hình ở Hy Lạp.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.