Vào nội dung chính
HY LẠP

Hy Lạp : thành lập chính phủ tạm thời chuẩn bị cho bầu lại Quốc hội

Hy Lạp, vào hôm nay 17/05/2012, đã thành lập xong một chính phủ tạm thời để xử lý thường vụ trong khi chờ đợi bầu lại quốc hội trong đúng một tháng nữa. Đây là một chính phủ được xem là “kỹ trị”, bao gồm 16 bộ trưởng, phần lớn là từ giới đại học hay viên chức cao cấp. Họ hoàn toàn không có quyền đề xuất luật lệ mới nào. Nội các mới tuyên thệ ở phủ tổng thống sáng nay và họp phiên đầu tiên vào chiều nay.  

Nội các mới của Hy Lạp tại dinh tổng thổng, Athens, 17/05/2012.
Nội các mới của Hy Lạp tại dinh tổng thổng, Athens, 17/05/2012. REUTERS/John Kolesidis
Quảng cáo

Thủ tướng là ông Panayiotis Pikramenos và nội các của ông chỉ phụ trách vấn đề xử lý thường vụ với nhiệm vụ chính là chuẩn bị cho cuộc bầu lại quốc hội vào ngày 17/06 tới, trong bối cảnh Hy Lạp đứng trước nguy cơ bị rớt ra khỏi vùng đồng euro.

Trong nội các mới tạm thời, gương mặt được chú ý nhất dĩ nhiên là bộ trưởng tài chính : Bộ quan trọng này được giao cho ông Georges Zanias, giáo sư kinh tế Đại học Athens. Ông đã từng lãnh đạo Hội đồng kinh tế Hy Lạp từ đầu cuộc khủng hoảng tại nước này vào năm 2010.

Ông là một trong những nhà thương thuyết chủ yếu của Hy Lạp trong hồ sơ tái cấu trúc nợ công, cho phép Hy Lạp xóa 1/3 số nợ, cũng như được Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI đồng ý kế hoạch trợ giúp thứ nhì : 130 tỷ euro trên 3 năm. Đánh đổi lại, Athens phải thực thi những cải tổ ghi trong thoả thuận.

Xin nhắc lại là, Quốc hội Hy Lạp, hình thành sau lá phiếu tức giận của người dân chán ngán kế hoạch thắt lưng buộc bụng do Châu Âu và Quỹ Tiền tệ FMI áp đặt, đã rất phân tán. Không đảng nào có đa số, và không thành lập được chính phủ liên minh. Quốc hội mới này họp lần đầu tiên vào hôm nay để rồi bị giải tán vào ngày mai, thứ sáu 18/05, để tôn trọng thời hạn một tháng không hoạt động theo quy định của hiến pháp trước mỗi cuộc bầu quốc hội.

Cử tri Hy Lạp như vậy sẽ phải trở lại phòng phiếu lần thứ hai. Tuy nhiên, theo giới phân tích, nếu dựa trên kết quả thăm dò dư luận công bố hôm nay, chưa hẳn cử tri sẽ dồn phiếu cho một đảng hay Liên minh nào. Tình hình hiện nay có thể sẽ tái diễn : đảng cực tả Syriza của Alexis Tsipras, dẫn đầu với 22% dự định bầu, đảng Dân Chủ mới theo sau với 19,5%, đảng Xã hội Pasok, 14%.

Đa số người được hỏi, 51%, đánh giá là sẽ không có đảng nào giành được đa số, và sẽ lại có những cuộc thương lượng gay go trong việc thành lập chính phủ.

Hiện nay thì phần đông dân Hy Lạp muốn Athens tiếp tục ở trong khu vực đồng euro, nhưng 47,4% bắt đầu nghĩ đến khả năng là Hy Lạp sẽ phải ra khỏi khối này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.