Vào nội dung chính
KINH TẾ

Đồng euro hạ giá, tin vui hay tin buồn ?

Nhật báo Le Monde hôm nay chạy trên trang nhất hàng tựa « Đồng euro bị đẩy xuống mức thấp nhất, kể từ hai năm nay ». Le Monde dành nhiều trang cho hồ sơ euro, đặc biệt đáng chú ý là bài « Euro hạ giá, tin vui hay tin buồn ? ».

Đồng euro và đồng bảng Anh.
Đồng euro và đồng bảng Anh. Reuters
Quảng cáo

Việc đồng tiền chung Châu Âu hạ xuống dưới mức 1,25 đô la vào ngày thứ Sáu 25/05/2012 vừa qua, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2010, nhận được hai luồng phản ứng trái ngược.

Nhiều doanh nhân tỏ ra vui mừng trước xu thế này, vì đồng euro thấp sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Châu Âu hạ giá một cách tự nhiên, và như vậy tăng khả năng cạnh tranh của hàng Châu Âu trên thị trường thế giới. Ngay cả những người ủng hộ một đồng euro mạnh cũng không thể phủ nhận mặt tích cực của việc euro hạ giá, nhất là khi việc giá euro xuống lại đi kèm với việc giá dầu hạ. Từ đầu tháng đến nay, giá dầu giảm xuống gần 10%. Việc giá dầu và euro cùng giảm mang lại một hệ quả tích cực, xét trên tổng thể đối với khu vực đồng euro, khiến sức mua của các gia đình Châu Âu tăng nhẹ, với 0,05 điểm.

Trong số các nước được hưởng lợi nhiều nhất có Pháp và Ý. Trong khi đó, Đức không mặn mà với điều này, vì với các mặt hàng chất lượng cao, xuất khẩu của Đức vẫn mạnh, ngay cả khi euro cao giá.

Việc đồng euro xuống giá cho thấy sự khác biệt lớn giữa các nước thành viên. Trong khi việc euro thấp có lợi cho hàng xuất khẩu của một số nước có lượng hàng xuất khẩu ra ngoài khối cao, thì điều này không mang lợi ích đáng kể cho những nước mà xuất khẩu chủ yếu là sang các nước trong khối, như Bồ Đào Nha (với 60% xuất khẩu sang các nước cùng khu vực đồng euro), hay những nước xuất khẩu ít, như Hy Lạp (với lượng xuất khẩu chiếm 21% PIB).

Le Monde dẫn lại nhận xét của Romano Prodi, chủ tịch Ủy ban Châu Âu vào năm 1999, theo đó, việc euro giảm giá không phải là đồng euro gặp khó khăn, mà chính là triệu chứng của nền kinh tế Châu Âu đang rơi vào khủng hoảng. Nhận định này cho đến nay vẫn còn có hiệu lực. Những người bi quan nhất thì cho rằng, liên minh tiền tệ châu Âu có thể bị tan vỡ. Hy Lạp có khả năng ra khỏi Châu Âu, tiếp theo đó là một số nước khác.

Về xu thế trong thời gian sắp tới, một số chuyên gia cho rằng euro sẽ còn xuống mức 1,20 đô la, thậm chí hơn nữa. Theo giải thích của các chuyên gia kể trên, sở dĩ đồng euro cao giá so với đô la là do Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã có chủ trương kìm giá đồng Mỹ kim để chống lưng cho nền kinh tế quốc gia. Còn giờ đây khi kinh tế Mỹ đang phục hồi, thì biện pháp này không còn cần thiết nữa.

Ai sẽ điều hành kinh tế Châu Âu ?

Cũng liên quan đến đồng euro, phụ trương Địa - Chính trị của Le Monde có hồ sơ mang tựa đề « Ai sẽ điều hành ngân sách của Châu Âu ? ». Trong lúc, các lãnh đạo Châu Âu đang đi tìm các biện pháp và xây dựng đồng thuận để vượt qua được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, thì các thăm dò dư luận của Eurostat và Infographie cho thấy, không có bất cứ một nước Châu Âu nào mà đa số người được hỏi lại ủng hộ việc thành lập « một chính phủ kinh tế của Châu Âu ». Chỉ có sáu nước mà tỷ lệ người ủng hộ giải pháp này cao hơn 40%, như Hà Lan (47%), Pháp (45%), Ý, Bỉ… Tỷ lệ người ủng hộ một chính phủ kinh tế của Châu Âu tính trên toàn khối chỉ là 1/3.

IMF gia tăng áp lực lên Hy Lạp

Về Hy Lạp, tâm bão của cuộc khủng hoảng tại khu vực đồng euro, trên trang nhất Le Figaro có bài « Lời buộc tội của Christine Lagarde (Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế) đối với Hy Lạp ». Câu nói người Hy Lạp cần giúp đỡ nhau để trả được thuế của Tổng giám đốc IFM với tờ The Guardian đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại Hy Lạp, và nhiều nước khác, trong đó có Pháp.

Lãnh đạo nhiều đảng phái Hy Lạp đã cáo buộc bà Christine Lagarde đã lăng mạ và hạ nhục nhân dân Hy Lạp. Chủ tịch Medef, hiệp hội của giới chủ doanh nghiệp Pháp, thì phản đối phát biểu của Tổng giám đốc IMF, vì cho rằng đây là một phát ngôn có thể có những hệ quả rất nguy hiểm, vấn đề hiện nay không phải là kết tội người Hy Lạp, mà cần phải giúp đỡ họ.

Theo Le Figaro, bà Christine Lagarde đã có những động tác xoa dịu, tuy nhiên, ẩn đằng sau lời nói khắc nghiệt của Tổng giám đốc IMF là quan điểm kiên quyết của IMF. Định chế tài chính quốc tế này sẽ không cho phép Hy Lạp kéo dài hạn trả nợ, để đổi lấy đợt tín dụng 130 tỷ euro tiếp theo.

Cũng về Hy Lạp, Le Figaro cho biết, đảng Nền Dân chủ mới, thuộc cánh hữu, chủ trương thực thi các cam kết xiết chặt ngân sách với Châu Âu và IMF, có thể sẽ về đầu trong cuộc bầu lại Quốc hội 17/06 tới, theo kết quả của bốn cuộc điều tra dư luận mới. Tuy nhiên, ngay cho dù có về đầu, đảng này cũng buộc phải lập chính phủ liên hiệp với các đảng phái khác, và không loại trừ với cả các đảng phản đối kế hoạch kinh tế khắc khổ, như đảng cánh tả Syriza. Cuộc tranh cử tại Hy Lạp sẽ thực sự bước vào khâu then chốt vào thứ Năm 01/06, khi các đảng phái chính thức công bố chương trình kinh tế của mình.

Một người Hàn Quốc đấu tranh cho dân chủ tại BTT, bị Trung Quốc bắt

Về thời sự Châu Á, Le Monde chú ý đến việc một nhà tranh đấu nhân quyền Hàn Quốc, thuộc mạng lưới vì dân chủ tại Bắc Triều Tiên (NKnet), vừa bị bắt giữ tại một khu vực cách không xa biên giới Trung Quốc – Bắc Hàn vào những ngày cuối tháng 5.

Nhân sự cố này, Le Monde thuật lại hàng trạng đặc biệt của ông Kim Young-hwan, nhà tranh đấu người Hàn Quốc. Kim Joung-hwan vốn là người tin tưởng nhiệt thành vào chế độ cộng sản ở miền Bắc, với chủ thuyết Juche, học thuyết chính thống của Bắc Triều Tiên, do Kim Nhật Thành lập ra. Chàng thanh niên Hàn Quốc đã tham gia vào phong trào sinh viên ở Nam Hàn để truyền bá các tư tưởng cách mạng của Kim Nhật Thành.

Năm 1991, Kim Young-hwan từng vượt biên qua miền Bắc, bằng tầu ngầm, để gặp lãnh đạo Kim Nhật Thành. Thời gian sống tại miền Bắc khiến Kim Young-hwan tỉnh ngộ. Anh nhận ra rằng, lãnh đạo Bắc Triều Tiên chẳng hề chú ý đến ai cả, khác hẳn với sự tôn trọng các cá nhân là điều mà học thuyết chính thống của Bắc Hàn đề cao. Ngược lại, ông Kim Nhật Thành chỉ thích diễn thuyết. Trong khi đó, người dân Bắc Hàn lại không có quyền suy nghĩ độc lập và không được tiếp xúc với người nước ngoài.

Năm 2000, Kim Young-hwan cùng với một số bạn cũ sáng lập ra mạng lưới NKnet để đấu tranh cho một dân chủ tại Bắc Triều Tiên. NKnet được coi là tổ chức đầu tiên chống lại chế độ độc tài miền Bắc, do những người cánh tả sáng lập.

Hiện tại, nhân viên lãnh sự quán Hàn Quốc đã được phép gặp ông Kim Young-hwan. Chính quyền Trung Quốc kết tội nhà đấu tranh nhân quyền Hàn Quốc, cùng ba người đồng chí khác là có hoạt động « đe dọa an ninh quốc gia ». Theo thân nhân của người bị bắt, rất có thể chính quyền Bình Nhưỡng đã gây sức ép đối với Bắc Kinh, bên cạnh đó, ông Kim cũng có thể sẽ bị các nhân viên an ninh Bắc Triều Tiên thẩm vấn.

Hợp tác chống biến đổi khí hậu vẫn bế tắc, sau 2 tuần đàm phán ở Bonn

Về cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Le Monde có bài « Khí hậu : một bước tiến, một bước lùi », để thuật lại tình thế hiện nay, sau cuộc đàm phán kéo dài hai tuần trong tháng 5 tại Bonn. Mục tiêu của hội nghị này là để đưa ra một lộ trình nhằm thực thi thỏa thuận đã được ký kết tại Durban (Nam Phi), tháng 12/0211, đã được 195 nước thành viên thuộc Chương trình Khung của Liên hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC - United Nations Framework Convention on Climate Change) phê chuẩn.

Thông báo bế mạc ngày thứ Sáu 25/05, ca ngợi thành công của hội nghị, đã không che lấp nổi các nhận định chua chát của nhiều đối tác chính.

Bất chấp các nỗ lực của Châu Âu (với -1,9% lượng khí thải CO2 trong năm 2011) và Hoa Kỳ (với -1,7%), lượng khí thải toàn cầu vẫn tăng 3,2%, với mức tăng đáng kể của Trung Quốc (+9,3%) và Ấn Độ (8,7%). Theo Cơ quan năng lượng Quốc tế, lượng khí thải sẽ còn tiếp tục tăng lên trong năm 2012.

Mâu thuẫn chủ yếu của cuộc đàm phán hiện nay nằm trong việc xác định một lộ trình cụ thể từ đây đến năm 2015, để thông qua một thỏa thuận toàn cầu mới, với các ràng buộc pháp lý, nhằm giới hạn mức tăng nhiệt độ là 2°C. Cho đến nay, lập trường của các nước giàu và các nước mới trỗi dậy còn rất cách biệt. Đặc biệt là, thái độ cản trở của Trung Quốc, nước gây ô nhiễm nhất thế giới, lại được khoảng 30 nước ủng hộ.

Mấu chốt của vấn đề là nằm trong việc chia sẻ trách nhiệm trong nỗ lực hạn chế biến đổi khí hậu chung. Tại Bonn, đã có một ngày được dành cho các thảo luận xung quanh chủ đề « một sự tham gia công bằng vào xu thế phát triển bền vững ». Điều trớ trêu là, tăng trưởng kinh tế thường đi đôi với việc sử dụng ngày càng nhiều các nguồn năng lượng hóa thạch, như lịch sử công nghiệp hóa tại các nước phát triển hiện nay cho thấy. Mà đây là một mô hình vẫn tiếp tục được nhiều quốc gia đang trỗi dậy hiện nay theo đuổi. Cuộc thương lượng tiếp theo để tìm ra lộ trình cho một thỏa thuận toàn cầu mới hạn chế biến đổi khí hậu sẽ diễn ra vào tháng 12 năm nay tai Qatar, quốc gia tí hon đứng đầu về lượng khí phát thải tính theo đầu người.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.