Vào nội dung chính
TIN HỌC - TÌNH BÁO

Flame, vi-rút tin học gián điệp chính phủ

Chúng có khả năng nhận dạng và sao chép bất kỳ loại tập tin nào. Chúng cũng có thể ghi nhớ lại mỗi khi nhấn một phím, chụp màn hình, hay như kích hoạt micro máy vi tính để thu âm tiếng động và các cuộc đối thoại xung quanh. Thậm chí, chúng có thể khởi động bộ phận Bluetooth để liên lạc với máy vi tính cầm tay hay các điện thoại thông minh ở gần đấy.

Ảnh minh họa (DR)
Ảnh minh họa (DR)
Quảng cáo

Đó chính là “Flame”, tên một loại vi-rút tin học, vừa được các chuyên gia tin học của ba nước Nga, Hungary, Mỹ và thậm chí Iran xác định. Hầu hết, các chuyên gia này đều nhìn nhận rằng chỉ có một quốc gia duy nhất mới có đủ các phương tiện tin học và tài chính cần thiết để có thể tạo ra một loại công cụ tinh vi đến thế.

Trong bài viết đề tựa “Flame, vi-rút tin học gián điệp chính phủ”, báo Le Monde cho biết, chỉ trong vòng có hai năm, Iran đã ba lần bị một loại siêu vi-rút tin học tấn công với một sức công phá chưa từng thấy. Phần mềm tin học này làm việc một cách âm thầm mà không hề gây nhiễu sự vận hành của máy vi tính bị nhiễm. Cho đến giờ, các chuyên gia vẫn chưa tìm ra được cha đẻ của loại vi-rút này. Tuy nhiên, mọi sự nghi ngờ đều đổ dồn lên hai quốc gia là Mỹ và Israel .

Iran trong tầm ngắm cuộc chiến tin học

Không chỉ có Iran mới là nạn nhân duy nhất. Vào đầu tháng 5 năm nay, Liên hiệp viễn thông Quốc tế (UIT), cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Genève, đã nhận được lời kêu cứu của nhiều quốc gia vùng Trung Đông. Rất nhiều cơ sở dầu khí trong khu vực là nạn nhân của một vụ tấn công tàn phá: nhiều khối dữ liệu lưu trữ trong máy bất thình lình biến mất.

Cuối tháng tư năm nay, nhằm cố sửa chữa các thiệt hại, Iran buộc phải tạm thời cắt đứt các mạng tin học của ngành công nghiệp dầu hỏa. Thủ phạm dường như là một loại vi-rút mới, mà các chuyên gia đặt tên là “Wiper” (tạm dịch là “kẻ bôi xóa”).

Trước đó, các chuyên gia tin học trên toàn thế giới đoán rằng đây là một hồi mới của một cuộc chiến tin học bí ẩn do các tin tặc vô danh thực hiện để chống Iran.

Trong vòng hai năm 2010 và 2011, Iran đã phát hiện ra hai loại vi-rút: “Stuxnet” trong các máy vi tính chuyên kiểm soát các máy quay ly tâm của nhà máy làm giàu chất uranium ở Natanz và con “Duqu” , một loại vi-rút gián điệp, được thiết kế nhằm ăn cắp các thông tin nhạy cảm trong các mạng tin học.

Theo nhận định của các chuyên gia, chỉ có một quốc gia duy nhất mới có thể huy động các phương tiện nhân lực và tài lực cần thiết để tạo ra các chương trình phức tạp và tối tân đến như thế. Và tất cả mọi nghi ngờ đều được đổ dồn lên Mỹ , Israel hoặc là cả hai.

Flame : siêu vi-rút tin học gián điệp

Trong vụ vi-rút “Wiper”, UIT đã phải nhờ cậy đến công ty an ninh Nga Kaspersky. Trong quá trình điều tra, các chuyên gia Nga phát hiện ra một loại vi-rút khác trong các tập tin bị nhiễm vi-rút Duqu. Do vẫn chưa nhận dạng được loại vi-rút này, nên họ gọi chúng là “Flame”, bởi vì cái tên bí ẩn này thường xuyên xuất hiện trong mã tin học của chúng.

Cuộc săn lùng thêm phần sôi động với sự góp mặt của các chuyên gia tin học của các công tin an ninh Crysys (Hungary), Symantec (Mỹ ) và thậm chí Iran. Điều ngạc nhiên, là các chuyên gia này đều tìm thấy cùng một loại vi-rút “Flame”. Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, các chuyên gia nhận thấy, trong phiên bản đầy đủ, bộ mã Flame nặng 20 megaoctets, cao gấp 20 lần so với loại Stuxnet.

Theo các nhà điều tra, cũng giống như hầu hết các chương trình phần mềm gián điệp khác, Flame được “các trung tâm điều khiển và kiểm soát” điều hành từ xa. Đối tượng của Flame là các máy vi tính được trang bị hệ điều hành Windows của Microsoft . Tuy nhiên, Flame không được phát tán một cách tự động trên mạng, mà theo từng đợt, theo quyết định của một trung tâm điều khiển. Mục đích là nhằm tránh sự phát triển bừa bãi có thể làm gia tăng nguy cơ bị dò tìm.

Trước khi chuyển các dữ liệu về trung tâm điều hành, loại vi-rút này còn bảo mật các mối liên lạc của chúng nhờ vào hệ thống mã hóa được cài sẵn. Và cuối cùng, chúng còn được cung cấp cho một chức năng “tự vẫn”, một khi đã hoàn thành nhiệm vụ.

Phần đông các nạn nhân của Flame là các quốc gia Trung Đông

Theo các nhà điều tra, nạn nhân của Flame nhiều vô số kể. Phần lớn là tại Iran (hơn 200 máy); số còn lại nằm rải rác ở các nước Palestine, Soudan, Syria, Li-băng, Ả Rập Xê Út, Ai Cập…

Thế nhưng, đến cấp độ này, các công ty an ninh lại từ chối không tiết lộ lãnh vực hoạt động nào bị nhắm đến ở mỗi quốc gia. Nhưng họ cũng ghi nhận một điểm là Flame cũng đặc biệt tìm đến những cá nhân nào làm việc với các tập tin Autocad (được dùng chủ yếu trong bản vẽ công nghiệp, kiến trúc, sơ đồ máy móc …).

Các nhà điều tra cũng xác định được khoảng 15 trung tâm điều khiển bất hợp pháp. Các cơ sở này thường xuyên di chuyển trên khắp châu Âu và châu Á. Và chúng hoạt động dưới 24 tên miền khác nhau.

Điều kỳ lạ là cuộc điều tra lại dừng ở đó: không có chuyện lật tẩy kẻ thiết kế ra Flame, cũng như là người đặt hàng. Theo lý thuyết, các cuộc điều tra này đủ có thể để đưa ra trước pháp luật các nước có liên quan, nhưng cản trở kỹ thuật, pháp lý và ngoại giao thì hầu như không thể nào vượt qua được. Tuy nhiên, các nhà điều tra cũng hài lòng khẳng định rằng vi-rút Stuxnet và Flame là do một quốc gia sản xuất ra, nhưng lại không cho biết cụ thể là quốc gia nào.

Cuối cùng, bài viết nhận định, trong cuộc chiến chống tin tặc này, người Mỹ tỏ ra không mấy nhiệt tình. Nên nhớ rằng, Stuxnet, Duqu và Flame lần lượt do nhóm chuyên gia Belarus , Hungary , Nga và thậm chí là Iran phát hiện ra trước tiên.

Pháp: Báo động về tình trạng sức khỏe doanh nghiệp

Chuyển sang đề tài kinh tế, một số tờ báo Pháp cho biết nhiều doanh nghiệp trong nước bắt đầu tỏ ra lo âu sau thắng lợi của đảng Xã hội trong đợt bầu cử Quốc hội, vừa kết thúc vào hôm chủ nhật 17/6 vừa qua. Một số dự án mà chính phủ đảng Xã hội dự định thông qua như thuế, lương cơ bản, quyền lao động … đang gây lo ngại cho các doanh nghiệp, hiện đang gặp nhiều khó khăn.

“Tiếng gọi báo động của các doanh nghiệp chống lại chính sách của Hollande” và “Le Medef trong nỗi lo sợ và lo lắng” lần lượt là các tít lớn trên trang nhất các báo Le Figaro và Les Echos.

Cả hai tờ báo cho biết, ngay sau khi trở về từ Hội nghị các chủ doanh nghiệp tại Copenhague (Đan Mạch) và tại Los Cabos (B20), bà Laurence Parisot, chủ tịch Hiệp hội các chủ doanh nghiệp Pháp, đã lên tiếng báo động rằng: “Nỗi lo sợ quá hiển nhiên và chúng tôi thật sự quá lo lắng”.

Theo bà, doanh nghiệp Pháp hiện đang rơi vào trong tình trạng “thiếu hụt tiền mặt để sản xuất, trong khi số đơn đặt hàng giảm sút, các dự án tuyển dụng bị ngưng lại, còn các dự án đầu tư, khá lắm là tạm ngưng, còn nếu không thường là bị đình trệ”. Một viễn cảnh mà theo Les Echos mô tả giống như là “ngày tận thế”, còn theo Le Figaro “bức tranh đen tối”.

Bà Laurence Parisot cho rằng chính phủ mới của Pháp đang bóp nghẹt dần các doanh nghiệp, khi muốn ám chỉ đến cùng lúc tình hình khu vực đồng euro, tình hình doanh nghiệp trong nước và các dự án về thuế của chính phủ.

Cả hai tờ báo cùng cho biết, theo điều tra tài chính do Insee công bố ngày hôm qua, thứ ba 19/6/2012, chỉ số tín nhiệm trong ngành công nghiệp, dịch vụ và xây dựng Pháp đã bị mất thêm một điểm trong tháng 6 này. Tinh thần của các chủ doanh nghiệp Pháp nằm ở dưới mức trung bình của 20 năm gần đây, nhưng vẫn còn cao hơn so với mức của những năm 1992-1993 hay 2008-2009.

Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Pháp cũng thông báo cho biết là tổng sản phẩm nội địa (GDP) có phần thu hẹp lại trong quý II này. Một điềm xấu cho việc làm.

Đứng trước tình hình này, bà Laurence Parisot kêu gọi “chính phủ mới và Nghị viện mới phải xem xét đến những hoàn cảnh hiện nay”. Theo bà, các dự án tăng thêm thuế như tăng mức đóng góp bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hay như đánh thuế cổ tức và chính sách xã hội như tăng mức lương cơ bản của đảng cầm quyền đang “bị tách rời ra khỏi đời sống doanh nghiệp, ra khỏi những gì mà một doanh nghiệp có thể chịu đựng được” (Le Figaro). Đối với bà, các chính sách đang đè nặng lên các doanh nghiệp, hiện đang gặp nhiều khó khăn trong tài chính và đầu tư.

Nhất là, Hiệp hội các chủ doanh nghiệp Pháp cũng tỏ ra lo lắng về hai dự luật đang được bàn thảo: “luật chống lạm dụng sa thải” và “luật về chuyển nhượng trong trường hợp đóng cửa”. Theo bà, hai vấn đề này cần phải được thương thảo giữa các đối tác xã hội với nhau.

Cuối cùng, bà Laurence Parisot cũng khuyến cáo tổng thống Pháp François Hollande rằng “chúng tôi đang trong tình trạng sống còn”.

Châu Á có nhiều triệu phú hơn Hoa Kỳ

Cũng liên quan đến chủ đề kinh tế, Le Figaro cho biết “Châu Á có nhiều triệu phú hơn Hoa Kỳ”. Khủng hoảng đã hạ bệ Hoa Kỳ. Kể từ bây giờ, khu vực có nhiều triệu phú nhất là châu Á, chứ không còn là Mỹ nữa. Theo một nghiên cứu thường niên do Capgemini thực hiện, vào năm 2011, tại châu Á có đến gần 3,37 triệu người giàu, tăng 11% trong vòng 2 năm. Những người giàu mới này đến chủ yếu từ các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan , Malaysia hay Indonesia .

Ngược lại, tại Mỹ, số triệu phú ít đông hơn so với năm 2010 (3,35 triệu người, giảm 1,1%). Nhưng có điều an ủi là số người này vẫn là những người giàu nhất hành tinh, mức tài sản ước tính 11 400 tỷ đô-la. Và số người này vẫn sống tiện nghi hơn những người giàu châu Á.

Thế còn châu Âu già cỗi thì sao? Số triệu phú tăng nhẹ 1,1% để đạt con số là 3,2 triệu người. Theo quan sát, số triệu phú tại Anh hay Ba Lan sụt giảm, bù lại tại Nga, Đức và Ireland lại tăng lên.

Nhìn chung, số triệu phú trên toàn thế giới là ổn định (11 triệu người), nhưng tài sản của họ (42 ngàn tỷ đô-la) đã tăng thêm 1,7% so với năm 2010.

Tại Malaysia : lao động nhập cư là nô lệ gia đình

Trên lãnh vực xã hội, báo Libération nhìn sang châu Á với bài viết đề tựa “Tại Malaysia , người nhập cư bị đối xử như là nô lệ gia đình”. Cấm ra khỏi nhà và tiếp xúc với bất kỳ ai, hộ chiếu bị tịch thu, làm việc từ tờ mờ sớm cho đến khuya, không ngày nghỉ phép, lương được trả khi hết hợp đồng (thường là hai năm), bị chửi mắng, đánh đập và xâm hại tình dục… là những gì mà những người lao động nhập cư nước ngoài phải hứng chịu.

Theo Libération, hiện có khoảng 200 ngàn người giúp việc nhà nhập cư nước ngoài đang làm việc hợp pháp tại Malaysia, trong đó số lao động nữ Cam Bốt là 30 ngàn người. Tổng số lao động nhập cư tại quốc gia này là ba triệu người trên tổng số dân là 28 triệu người. Thế nhưng, không hề có một khung pháp lý nào quy định về quyền của những người phụ nữ này, luôn phải đáp ứng theo những ý muốn của giới chủ và các nhà tuyển dụng.

Theo một hiệp hội chuyên hỗ trợ những người di cư và những người tỵ nạn, chính sự thiếu vắng khung pháp lý này, kết hợp với việc “lạm dụng quyền con người” nên mới dẫn đến nhiều thảm kịch thương tâm.

Vào cuối tháng 3 năm 2011, một phụ nữ giúp việc nhà người Cam Bôt tên Mei Sichan, đã chết một cách thảm thương do bị bỏ đói và bị đánh đập tàn nhẫn. Ở độ tuổi xuân xanh, 24 tuổi mà cô chỉ cân nặng có 26 kg . Không riêng gì trường hợp cô Mei, tại ngôi nhà Cam Bốt này, trước đó cũng đã có đến 9 trường hợp tử vong vì bị bỏ đói và bị đánh đập. Cặp chủ nhân của ngôi nhà này, cuối cùng đã bị kết án treo cổ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.