Vào nội dung chính
WIKILEAKS

Người sáng lập Wikileaks chạy vào tị nạn trong sứ quán Ecuador

Theo AFP, hôm qua 19/6/2012, người sáng lập trang mạng Wikileaks, ông Julian Assange, đã đến đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn để xin tị nạn chính trị ở nước này. Chiều tối hôm qua, trong một bản thông cáo, Julian đã xác nhận thông tin này và cho biết, yêu cầu tị nạn đã được chuyển đến bộ Ngoại giao của Ecuador ở Quito để xem xét.

Julian Assange, người sáng lập Wikileaks (REUTERS)
Julian Assange, người sáng lập Wikileaks (REUTERS)
Quảng cáo

Tại Quito, ngoại trưởng Ecuador, ông Ricardo Patino, cũng đã xác nhận với báo chí : « Julian Assange đã đến đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn để xin tị nạn chính trị ». Người phát ngôn của đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn nói rõ, Ecuador đang chờ phản ứng của Anh và Thụy Điển trước khi có quyết định cuối cùng.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết, ông Julian đã ở lại trong đại sứ quán Ecuador nên cảnh sát không can thiệp được, thế nhưng, Anh sẽ làm việc với phía Ecuador để có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề.

Hồi tháng 8/2010, Assange đã bị thẩm vấn tại Thụy Điển vì bị tố cáo sách nhiễu tình dục và cưỡng hiếp. Ngày 20/11/2010, Julian bị cảnh sát Thụy Điển phát lệnh truy nã quốc tế. Mười ngày sau đó, Cơ quan Cảnh sát quốc tế (Interpol) đã đưa Assange vào danh sách những đối tượng bị truy nã toàn cầu.

Tháng 12/2010, Julian Assange bị bắt tại Anh. Sau đó, ông được trả tự do với điều kiện phải đeo chíp theo dõi điện tử, bị hạn chế giờ đi lại và phải đến trình diện cảnh sát đều đặn. Tháng 2/2011 tòa án Anh đã ra phán quyết dẫn độ Julian đến Thụy Điển. Julian đã nhiều lần kháng án.

Ngày 30/05 vừa qua, Tòa án Tối cao Anh đã bác đơn kháng cáo của Julian và giữ nguyên quyết định dẫn độ. Julian Assange đã đệ đơn xin xem xét lại lần cuối cùng. Hôm 14 tháng 6 này, Tòa án Tối cao Anh đã bác yêu cầu của ông. Bước đường cùng, ông phải chạy đến đại sứ quán Ecuador ở Luân Đôn để xin tị nạn chính trị.

Cuối năm 2011, thứ trưởng Ngoại giao Ecuador cũng đã nhân danh cá nhân đề nghị cấp quyền tị nạn chính trị cho Julian, nhưng ngay sau đó tổng thống Ecuador ông Rafael Correa không chấp nhận. Mới tháng 4 này, Assange từng phỏng vấn Tổng thống Rafael Correa trên Internet trong một chương trình trên kênh truyền hình quốc tế Nga RT .

Hôm qua, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Los Cabos-Mêhicô, thủ tướng Úc Gillard đã tuyên bố với báo chí rằng, lập trường của chính phủ Úc là phản đối lệnh dẫn độ của Anh, Úc sẽ giúp đỡ cho Julian như với bất kỳ công dân Úc nào gặp khó khăn ở nước ngoài. Rắc rối liên tiếp ập đến với Julian kể từ sau vụ trang mạng Wikileaks đăng tải một phần trong hơn 250.000 tài liệu ngoại giao mật của Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.