Vào nội dung chính
CHÂU ÂU

Thủ tướng Ý nỗ lực thuyết phục Đức chấp nhận mục tiêu tăng trưởng cho khối euro

Cuộc họp 4 bên tại Roma ngày 22/06/2012 mang tính quyết định cho thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles vào hai ngày 28 và 29/06/2012. Thủ tướng Ý với cương vị từng là một thành viên Ủy ban châu Âu để thuyết phục Đức chú trọng nhiều hơn đến mục tiêu tăng trưởng hòng củng cố uy tín và sự tồn tại của đồng euro.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng nhiệm Ý Mario Monti (Reuters)
Thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng nhiệm Ý Mario Monti (Reuters)
Quảng cáo

08:55

Thông tín viên Huê Đăng, Roma

Số phận của đồng Euro chắc chắn sẽ được quyết định trong kỳ họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu vào hai ngày 28 và 29/06 sắp tới tại Bruxells, và trong thời gian chờ đợi, ngày 22/06/2012, tương lai của đồng Euro cũng đã được “cân đo kỹ lưỡng” trong cuộc gặp gỡ của bộ Tứ do chính Thủ tướng Ý Mario Monti tổ chức tại Roma với sự hiện diện của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. 

Cho đến nay, trước bao nhiêu tuyên bố “phấn khởi và động viên” của các quan chức trong guồng máy kinh tế tài chánh của Ủy Ban Châu Âu, của Ngân hàng trung ương Châu Âu, của Quỹ Tiền tệ Thế giới, trước những sự kiện thay đổi chính trị quan trọng như bầu cử Tổng Thống ở Pháp, bầu cử Quốc hội ở Hy Lạp, với gần 500 tỉ Euro được dùng như những cái phao cứu cấp, tình hình kinh tế tài chánh của Châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu khả quan nào cả, những cơn bệnh trầm kha từ lâu nay vẫn tiếp tục hành hạ “bệnh nhân Châu Âu” : trừ nước Đức ra, sản xuất kinh tế khắp nơi vẫn tiếp tục xuống dốc, thất nghiệp vẫn tiếp tục gia tăng, hệ thống tín dụng của các ngân hàng ngày càng thêm cạn kiệt .... và những hệ lụy lên đời sống xã hội chính trị ngày càng thêm báo động. 

Đó là nói về tình hình chung ở đa số các quốc gia Châu Âu. Đặc biệt riêng tình hình nước Ý thì lại có thêm khó khăn chính trị của chính phủ của Mario Monti. Vào tháng 11 năm 2011, trước “nguy cơ vỡ nợ nhà nước” và tình hình kinh tế tài chánh khó khăn nghiêm trọng của nước Ý, và nhất là dưới áp lực của Châu Âu, đặc biệt là của Pháp (Tổng thống lúc đó là Sarkozy) và Đức, Thủ tướng Silvio Berlusconi đã phải từ chức, và trước khủng hoảng chính trị của tất cả các đảng phái trong Quốc hội, chính phủ “kỹ trị” của Mario Monti ra đời, với mục tiêu là tìm cách “giải cứu” nước Ý trong cảnh dầu sôi lửa bỏng.

Dưới mô hình “cứu quốc”, chính phủ “kỹ trị” của Mario Monti đã có được một “đa số bất thường” trong Quốc hội bao gồm cả hai lực lượng chính trị đối thủ với nhau trước đây : đó là đảng Tự do của Silvio Berlusconi và đảng Dân Chủ của Bersani (vốn là đối lập trước đây với chính phủ của Berlusconi). Chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt xén ngân sách, giảm chi tiêu phúc lợi xã hội, tăng áp lực thuế má, thay đổi luật hưu trí (tăng tuổi về hưu), thay đổi quy chế lao động .... là những chính sách mà chính phủ Mario Monti đã đeo đuổi trong suốt 7 tháng từ khi nhậm chức với mục tiêu là chấn chỉnh ngân sách nhà nước và giảm nợ theo đúng như tiêu chuẩn mà Châu Âu đã đề ra trong chiến lược “khắc khổ” do chính Chính phủ Đức đề xướng. Hiện nay, nợ nhà nước Ý đã lên đến 160% trên tổng sản lượng nhà nước. 

Nhưng những chính sách “khắc khổ” áp dụng liên tục trong suốt mấy tháng vừa qua đã dẫn đến một hệ lụy kinh tế báo động: những cắt xén ngân sách và giảm chi tiêu nhà nước đã khiến nền kinh tế sản xuất của Ý rơi vào cơn “hôn mê” suy thoái : sức mua của người dân giảm sút, các cơ sở sản xuất không có tín dụng để đầu tư, hãng xưởng phá sản, tạo thêm mất công ăn việc làm, thậm chí đã xẩy ra hiện tượng “tự vận” của người lao động mất công ăn việc làm hoặc của các chủ xí nghiệp bị phá sản. Tất cả các tác động nói trên đã khiến các lực lượng chính trị trong Quốc hội, kể luôn cả các lực lượng phe đa số của chính phủ, cũng đã phải lên tiếng báo động. 

Do đó trong thời gian gần đây, Thủ tướng Mario Monti, với sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Obama, đã lên tiếng kêu gọi cần phải có một chiến lược “bơm tiền” để kích cầu tăng trưởng kinh tế song song với chính sách “khắc khổ” trước đây ... để tránh Châu Âu đi đến tình trạng “kiệt sức”, cũng giống như một con bệnh trong cơn thập tử nhất sinh mấy tháng nay đã phải uống liên tục thuốc trụ sinh ... nên đang dần dần mất sức, cần phải cho thuốc tẩm bổ để lấy lại sinh lực, nếu không thì bệnh nhân có thể “đứt bóng” trước khi những liều thuốc trụ sinh bắt đầu có tác dụng trị bệnh.

Tân tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã lên tiếng hưởng ứng đề nghị “kích cầu tăng trưởng” của Mario Monti. Nhưng cho đến nay, chính sách “khắc khổ” của chính phủ Merkel vẫn đang ở thế “thượng phong”, chính phủ Đức vẫn cương quyết từ chối mọi đề nghị theo chiều hướng “kích cầu tăng trưởng”, và vẫn tiếp áp lực với các chính phủ của các quốc gia có vấn đề ngân sách phải “dọn dẹp sạch sẽ” ngân sách nhà nước trước khi nói đến “giúp đỡ” hay “viện trợ”. 

Nhưng cái lo sợ hàng đầu hiện nay của chính phủ Mario Monti là nếu trong kỳ họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu sắp tới, chính phủ Đức vẫn khăng khăng theo con đường “khắc khổ” thì chính ngay phe đa số bất thường của chính phủ Mario Monti sẽ bắt đầu rạn nứt, chính phủ Mario Monti có thể sẽ bị ngã, và như thế là nước Ý sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị, và trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế tài chánh toàn cầu hiện nay nước Ý chắc chắn sẽ trở thành mục tiêu hàng đầu cho mọi áp lực của những thế lực tài chánh quốc tế muốn đầu cơ vào sự phá sản của nước Ý. Trong viễn tượng xấu xa như thế, với tầm vóc lớn như nước Ý, thì có thể nói là chính cơ chế của đồng tiền Euro cũng sẽ không còn đứng vững. 

Đó chính là mục tiêu đã thúc đẩy chính phủ Ý tổ chức ngày 22/06/2012 một cuộc gặp gỡ 4 bên. Trong hàng ngũ lãnh đạo chính phủ của các quốc gia Châu Âu hiện nay thì Mario Monti là một nhân vật rất đặc biệt: ông xuất thân từ giới “hàn lâm kinh tế”, đã từng là thành viên của Ủy Ban Châu Âu, người đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và hiểu biết về các phương pháp hoạt động của các tổ chức của Liên Hiệp Châu Âu cũng như của nhiều tổ chức quốc tế khác, có trong tay rất nhiều quan hệ chặc chẽ với nhiều nhân vật trọng yếu của Hội đồng Châu Âu, của Ngân hàng trung ương Châu Âu, của Quỹ Tiền tệ thế giới.

Do đó, trong cương vị Thủ tướng Ý, và trong những buổi gặp gỡ họp mặt của các tổ chức Châu Âu, những kinh nghiệm và quan hệ tích lũy từ trước trong cương vị thành viên của Ủy Ban Châu Âu cũng đã là một công cụ sắc bén và hữu ích mà không phải bất cứ một thành viên chính phủ nào cũng có thể có. Chính Thủ tướng Mario Monti cũng đã có những buổi phỏng vấn với một số báo chí Đức, trong đó Mario Monti đã cố gắng trình bày cặn kẽ những lý do vì sao phải tìm cách giải cứu đồng tiền Euro, và nhất là qua các cuộc phỏng vấn, Mario Monti muốn đánh tan những “nghi kỵ” mà phần lớn cử tri Đức vẫn hay có đối với những quốc gia ở khu vực quanh miền biển Địa Trung Hải, vốn thường bị công luận Đức xem như là những quốc gia tương đối có thói quen tiêu xài nhiều hơn khả năng thu nhập ... và do đó cử tri Đức rất lo ngại phải hứng lấy lên vai tất cả những bất cập kinh tế tài chánh của các quốc gia này. 

Theo tin báo chí, cuộc họp 4 bên hôm qua ở Roma đã có trọng tâm là chuẩn bị hướng đi cho kỳ họp thượng đỉnh Châu Âu sắp tới. Nội dung lớn nhất là Thủ Tướng Mario Monti, với sự ủng hộ của Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, đã tìm cách thuyết phục Thủ tướng Đức Angela Merkel áp dụng song song với chính sách “khắc khổ” một kế hoạch nhằm kích cầu tăng trưởng kinh tế Châu Âu.

Trước mắt là cuộc họp 4 bên đã đồng ý là đưa vào chương trình thượng đỉnh đề nghị 130 tỉ Euro, tức là bằng 1% tổng sản lượng GDP của cả Châu Âu, dành để kích cầu tăng trưởng Châu Âu. Cuộc họp 4 bên cũng đã thảo luận về khả năng đánh thuế lên các “giao dịch ngân hàng”, còn được mệnh danh là “Tobin Tax”. Sau buổi họp Bà Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rằng không thể nào “đảo ngược lại đồng Euro”, và nước Đức sẽ tiếp tục “đấu tranh” để đưa các quốc gia Châu Âu tăng trưởng kinh tế. 

Theo tin báo chí tường thuật, trong buổi họp măt 4 bên hôm qua, thời điểm “gay cấn” nhất là lúc Thủ tướng Đức Angela Merkel từ chối đề nghị của Thủ tướng Ý Mario Monti về việc xử dụng quỹ “European Financial Stability Facility (EFSF)”, thường được báo chí gọi tắt là “Quỹ giải cứu” như một thứ lá chắn để nhằm làm giảm tỉ lệ cách biệt giữa công trái nhà nước Đức với công trái nhà nước của các nước Châu Âu đang gặp khó khăn như Ý hay Tây Ban Nha.

“Làm sao tôi có thể thuyết phục được cử tri Đức mua công trái nợ nhà nước của quý vị trong khi chúng tôi không có trong tay bất kỳ một công cụ nào để kiểm soát nó”. Thủ tướng Đức đã tuyên bố như thế trong buổi họp mặt và cũng khẳng định rằng cần phải luôn luôn áp dụng những luật lệ ngân sách rõ ràng : “Hễ đã nói đến những yêu cầu đoàn kết để cứu giúp lẫn nhau, thì cũng cần phải có những biện pháp để kiểm soát song song. Trong quá khứ các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã từng ký kết “hiệp ước ổn định” (kinh tế) nhưng rồi hiệp ước ấy đã không được tôn trọng”. 

Chắc chắn từ đây cho đến ngày khai mạc thượng đỉnh Châu Âu sắp tới, Thủ tướng Mario Monti và Tổng thống Pháp Fancois Hollande sẽ tiếp tục “áp lực” lên Thủ tướng Đức Angela Merkel để mở đường cho một chiến lược “kích cầu tăng tưởng” trong Châu Âu. Vì đấy cũng là “con đường huyết mạch” cho sự sống còn của Chính phủ Ý hiện nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.