Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - SYRIA

Ankara tố cáo Syria bắn rơi máy bay Thổ Nhĩ Kỳ trên không phận quốc tế

Hôm nay 24/06/2012, theo AFP, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Syria đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của nước này trên không phận quốc tế, và yêu cầu NATO họp bàn về vụ việc. Tuy nhiên, Ankara ưu tiên các biện pháp ngoại giao để giải quyết sự cố nghiêm trọng này.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trên truyền hình TRT, Ankara, 24/06/2012.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trên truyền hình TRT, Ankara, 24/06/2012. REUTERS
Quảng cáo

Tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia TRT, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu khẳng định, chiếc máy bay đã bị bắn rơi trên không phận quốc tế, cách Syria 13 hải lý. Ngoại trưởng Davutoglu cho biết, phi cơ F-4 Phantom cất cánh vào ngày thứ Sáu 22/06, không có nhiệm vụ thu thập tin tình báo, không mang theo vũ khí, mà chỉ thực hiện một chuyến bay tập và trắc nghiệm một hệ thống radar tại Địa Trung Hải. Chính quyền Ankara cũng thừa nhận là chiếc máy bay đã lướt qua không phận của Syria, nhưng nhanh chóng trở lại không phận quốc tế. Chiếc máy bay đã bị bắn hạ 15 phút sau khi rời khỏi không phận Syria và rơi xuống vùng biển thuộc chủ quyền Syria.

Tối thứ Sáu, Damas tuyên bố đã bắn rơi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ, vì xâm phạm không phận Syria.

Theo các kênh truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ, xác của chiếc máy bay vừa được nhận diện hôm nay, trong vùng biển của Syria, dưới độ sâu 1.300 mét. Các đơn vị cứu nạn đang tích cực tìm kiếm hai phi công mất tích. Phía Syria cũng tham gia vào cuộc tìm kiếm.

Trả lời AFP, một giới chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, Ankara yêu cầu các đồng minh NATO họp khẩn cấp vào thứ Ba 26/06, thể theo điều 4 của Hiệp ước thành lập NATO, khi chủ quyền hay an ninh của một quốc gia thành viên bị đe dọa. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỹ nhấn mạnh « sẽ có phản ứng kiềm chế, nhưng cương quyết ». Người phát ngôn của khối NATO Oana Lungescu khẳng định, vào thứ Ba tới, 27 thành viên của NATO sẽ họp tại Bruxelles theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, ngày thứ Bảy, Ngoại trưởng Davutoglu đã điện đàm để trao đổi về vụ việc, với các đồng nhiệm của khoảng 10 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ và các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an, cũng như với các đồng nhiệm Đức và Iran.

Sự cố máy bay chiến đấu bị Syria bắn rơi làm cho quan hệ song phương Ankara – Damas càng trở nên căng thẳng. Xin nhắc lại, hai nước láng giềng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn là đồng minh, cho đến trước khi phong trào phản kháng bùng nổ tại Syria vào tháng 3/2011. Kể từ đó, Ankara thường xuyên lên án mạnh mẽ chính quyền Damas đàn áp đẫm máu phong trào nổi dậy, và cùng với nhiều nước khác, kêu gọi Tổng thống Bachar Al Assad từ chức.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận khoảng 32.500 người tị nạn Syria, các nhà đối lập, cũng như lãnh đạo Quân đội Syria tự do - lực lượng vũ trang của phe nổi dậy. Damas cáo buộc Ankara ủng hộ đối lập và cho phép quân nổi dậy tiến hành các cuộc tấn công sang Syria từ lãnh thổ nước này. Sau vụ quân đội Syria bắn phá một trại tị nạn vào hồi tháng Tư, Ankara đã cảnh báo sẽ không tha thứ cho bất cứ hành động xâm phạm nào của nước này và sẽ yêu cầu NATO can thiệp - thể theo điều 5 của Hiệp ước thành lập, cho phép khối quân sự Bắc Đại Tây Dương can thiệp quân sự, nếu một trong các quốc gia thành viên bị tấn công.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.