Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Châu Âu quyết tâm áp dụng thuế tài chính TTF

Đăng ngày:

Pháp đang chuẩn bị áp dụng thuế TTF đánh vào các dịch vụ mua bán cổ phần. Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật về thuế tài chính nhằm giới hạn các hoạt động đầu cơ và đem lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho ngân sách của các nước thành viên.

Thuế tài chính TTF hứa hẹn đem lại 55 tỷ euro cho châu Âu
Thuế tài chính TTF hứa hẹn đem lại 55 tỷ euro cho châu Âu Reuters /Dado Ruvic
Quảng cáo

Theo quan điểm của Bruxelles, TTF là một trong những biện pháp đưa châu Âu thoát khỏi khủng hoảng. Trước mắt, tất cả các thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu chưa đồng ý nhất loạt áp dụng loại thuế này. Ngoài phạm vi châu Âu, nhiều nước trong khối G20 cũng không tán đồng việc đánh thuế lên các dịch vụ tài chính. Thuế TTF là gì và đâu là những ích lợi của nó ?

Ngày 23/05/2012 Nghị viện châu Âu đã thông qua dự luật đánh thuế vào các dịch vụ tài chính gọi tắt là thuế TTF. Văn bản đó quy định : đánh thuế 0,1 % vào cổ phiếu và công trái phiếu và mức thuế sẽ là 0,01 % vào những sản phẩm tài chính phụ chủ yếu là để đầu cơ. 

Cụ thể là bất kể một cơ quan tài chính nào ở trong hay ngoài Liên Hiệp Châu Âu khi mua bán cổ phần của một tập đoàn châu Âu đều sẽ bị đánh thuế TTF. Như vậy sắc thuế mới này sẽ nhắm vào 85 % các nghiệp vụ tài chính của châu Âu.

Trên nguyên tắc một khi được toàn thể 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu áp dụng kể từ ngày 01/01/2014, thuế TTF sẽ đem về 55 tỷ euro hàng năm cho toàn khối. Đây sẽ là một khoản tiền không nhỏ giúp châu Âu giải quyết khủng hoảng đã kéo dài. Kế hoạch đó đã chạm phải một thực tế phũ phàng : thuế TTF hiện tại chưa được toàn thể các nước thành viên Liên Hiệp thông qua. Mới chỉ có 6 nước đã thông báo lập trường rõ ràng để thi hành sắc thuế mới đó.

Sáu nước đó gồm Đức, Áo, Bỉ, Pháp, Bồ Đào Nha và Slovénia. Như vậy là thuế tài chính đã được hai nền kinh tế nặng ký nhất của châu Âu là Đức và Pháp ủng hộ. Pháp đặc biệt muốn tiên phong trong lĩnh vực này.

Một số khác như là Tây Ban Nha, Hy Lạp hay Slovakia, Estonia cần có thêm thời gian để « suy nghĩ ». Phần Lan và Ý tuy đã ủng hộ kế hoạch nói trên ban đầu, nhưng nay đang tỏ ra do dự. Riêng Anh Quốc, Hà Lan và Ai Len thì dứt khoát chống đối việc đánh thuế vào các dịch vụ tài chính.

Sự thận trọng và hoài nghi của một số nước vừa nêu bắt nguồn từ lo ngại khi áp dụng TTF một nền kinh tế có thể đẩy các nhà đầu tư vào tay những « thiên đường trốn thuế ».

Nguyên thủy thuế đánh vào các dịch vụ tài chính đã được cặp bài trùng Pháp – Đức thảo luận riêng với nhau trước khi đưa vào chương trình nghị sự của thượng đỉnh G20 vào tháng 11/2011 tại thành phố Cannes, miền nam nước Pháp. Hoa Kỳ và Trung Quốc đã chống đối mạnh mẽ nhất.

Sự chống đối của nhiều đối tác trong G20 và kể cả của một vài thành viên Liên Hiệp Châu Âu, vẫn không làm Bruxelles nản lòng. Vừa qua tại thượng đỉnh Los Cabos (Mêhicô), bản tuyên bố chung kết thúc hội nghị G20 không hề đả động đến thuế TTF.

Trả lời đài RFI chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ không ngạc nhiên về bất đồng liên quan đến thuế TTF trong nội bộ G20 :

« Chúng ta có thấy ra sự khác biệt về ưu tiên giữa các nước của khối G-20 với các nước Âu châu và trong khối Âu châu, còn có sự khác biệt giữa lãnh đạo Pháp hay Đức và nguyên thủ của một số quốc gia khác, kể cả Anh, Hoà Lan hay Thụy Điển về sắc thuế này.

Tại thượng đỉnh của khối G-20, trong hai ngày 18 và 19/06/2012, chuyện đó bị gạt qua một bên vì các nước cần thảo luận về nhiều đề mục then chốt hơn. Dù vậy, ông François Hollande và cả giới lãnh đạo Liên Âu vẫn khẳng định rằng qua năm 2013, Pháp và một số bảy tám nước Âu châu sẽ áp dụng loại thuế này. Thủ tướng Đức ủng hộ đề nghị đó vì bà cần hậu thuẫn của đối lập trên các đề mục ngân sách quan trọng hơn. Nói cho gọn thì chuyện đánh thuế trên các nghiệp vụ tài chính hết là ưu tiên được tất cả 17 nước trong khối Euro hay 27 nước trong Liên Âu đồng ý và càng không được cả khối G-20 hậu thuẫn. Vì sao lại như vậy là một câu hỏi khá lý thú?

Tổng thống Pháp và đảng Xã hội đã thắng lớn tại cả hai viện Quốc hội và có cái thế rất mạnh tại Pháp để đưa ra hàng loạt đề nghị tăng thuế, trên các tập đoàn năng lượng hay tài chính, trên những ai có lợi tức cao hơn một triệu euro một năm. Nhưng may lắm thì còn Đức chứ Paris khó huy động nhiều xứ khác tham gia vào dự án đánh thuế trên một số nghiệp vụ tài chính khi kinh tế chung đang trì trệ và công chi của Pháp đã lên tới kỷ lục là 56% GDP. Hoa Kỳ là một nước đã từng ủng hộ sắc thuế này giờ đây cũng tránh qua một bên ».

Tổng thống Hollande quyết tâm áp dụng thuế TTF
Tổng thống Hollande quyết tâm áp dụng thuế TTF Reuters

Thế tiên phong của Pháp

Dù vậy tại Los Cabos, tân tổng thống Pháp François Hollande vẫn khẳng định rằng thuế này sẽ được áp dụng ở cấp châu Âu kể từ năm 2013. Riêng Paris, từ đầu tháng 8/2012, Pháp bắt đầu thuế đánh các dịch vụ tài chính. Cả tổng thống Sarkozy trước đây lẫn François Hollande cùng muốn Pháp tiên phong trong việc áp dụng thuế TTF.

Vào giữa tháng 2/2012, Quốc hội đã thông qua bộ luật về sắc thuế nói trên. Dự thảo sửa đổi ngân sách 2012 quy định : thứ nhất nhà nước đánh thuế 0,1 % vào các dịch vụ mua bán cổ phần của các tập đoàn có trị giá chứng khoán trên 1 tỷ euro và các tập đoàn đó phải có trụ sở tại Pháp. Xin nói thêm là thuế tài chính mới nói trên chỉ liên quan đến các khoản mua bán cổ phiếu. Công phiếu thì được miễn. Đây là điểm khác biệt với đề nghị của châu Âu.

Thứ nhì là khoản thuế 0,01 % nhắm vào các sản phẩm tài chính phụ hay các dịch vụ bị coi là có tính chất đầu cơ. Theo thẩm định của bộ Tài chính, sắc thuế mới đó năm nay sẽ đem về 1 tỷ euro cho ngân sách nhà nước. Và khoản tiền 1 tỷ euro đó, trong ý tưởng của cựu tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy là nhằm để hỗ trợ người nghèo, nhưng tới nay, thì nó sẽ được sử dụng để giảm bớt bội chi ngân sách nhà nước.

Trong chương trình vận động tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai, ông Nicolas Sarkozy đã chủ trương là nước Pháp phải tiên phong trong lĩnh vực này và ông đã nỗ lực thuyết phục các đối tác trong Liên Hiệp Châu Âu. Về phần mình ứng cử viên đảng Xã hội, François Hollande đã coi đây là một ưu tiên hàng đầu trong chương trình vận động tranh cử.

Bên cạnh những ý đồ chính trị, câu hỏi đặt ra là liệu thuế TTF sẽ có những tác động như thế nào và có hiệu quả hay không trong mục tiêu giới hạn các hoạt động đầu cơ, có thể đe dọa đến ổn định của tài chính thế giới. Trước khi đi xa hơn, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhắc lại thuế TTF ngày nay là hậu thân của thuế mang tên học giả người Mỹ James Tobin của 40 năm về trước :

« Cơ sự khởi đầu từ Mỹ, vào ngày 15/08/1971 khi Tổng thống Richard Nixon đơn phương quyết định thả nổi đồng đô la chứ hết cam kết giàng giá vào vàng theo hối suất 35 đô la ăn một ounce là hơn 31 gram vàng. Cụ thể là Mỹ ‘quịt nợ’ và phá vỡ hệ thống tài chính quốc tế dựng lên từ sau Thế chiến Hai. Từ đó, các thị trường giao dịch ngoại tệ như bị đứt neo và biến động mạnh và nhiều nước bị khủng hoảng ngoại hối khi cả trăm tỷ đô la cứ chuyền tay từ xứ này qua xứ khác nội trong một ngày.

Năm 1972, một kinh tế gia sau này được giải Nobel về kinh tế mới đề nghị sắc thuế đánh trên các nghiệp vụ hối đoái nhằm giảm thiểu động lực đầu cơ ngắn hạn và tạo ra sự ổn định trên các thị trường giao dịch ngoại tệ. Do cái tên của người đề xướng, là James Tobin, sắc thuế này cũng có tên là "thuế Tobin". Thế rồi sáng kiến đó được chú ý, gây tranh luận, được cải tiến rồi mở rộng thành loại thuế đánh trên một số nghiệp vụ tài chính.

Mục tiêu ban đầu là ổn định thị trường cũng mở ra mục tiêu thu nhập ngân sách vì ngày nay, mỗi ngày 24 tiếng liên tục, các nước trên thế giới trao đổi một lượng ngoại tệ trị giá tương đương với gần bốn ngàn tỷ đô la. Năm 2009, các nước Liên Âu từng đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế áp dụng loại thuế này trong mục tiêu nâng cao số thu ngân sách.

Sau nhiều xứ khác, nước Pháp cũng đề xuất việc ấy nhưng với mục tiêu cao cả hơn nữa, đó là tìm nguồn tài trợ công cuộc phát triển của các nước nghèo. Đó là điều mà ông Nicolas Sarkozy yêu cầu năm ngoái. Song song, vì đây là sắc thuế đánh trên giới đầu tư tài chính là kẻ có tiền, với mục đích lý tưởng là cứu giúp dân nghèo, người ta còn gọi loại thuế này là "Thuế Robin des Bois" hay thuế đánh trên nhà giàu để cứu dân nghèo ».

Nhưng ở Mỹ, thuế Tobin chưa từng được áp dụng vì lý tưởng và lý thuyết thường xa vời với thực tế. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa giải thích thêm :

« Thứ nhất là làm sao tính ra thuế suất thích hợp, thí dụ như 0,1, hay 1% trên ngạch số ngoại tệ hoặc tiền tệ giao dịch ? Thứ hai, làm sao xác minh ngạch số đó khi thị trường có nhiều kỹ thuật tránh thuế, như cựu Tổng giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là ông Dominique Strauss-Kahn công nhận từ cuối năm 2009. Ông DSK thuộc đảng Xã hội Pháp như ông Hollande chứ chẳng là người xa lạ, mà lại giàu kinh nghiệm về tài chính quốc tế hơn đương kim tổng thống Pháp.

Thứ ba, khi có thể bị đánh thuế như vậy, giới đầu tư càng muốn chuyển ngân vào loại hầm trốn thuế ở xứ khác mà điều này đi ngược với ước muốn của nhiều quốc gia, kể cả nước Pháp, hiện đang ngại là dân nhà giàu sẽ di tản tài sản qua nước khác, như vụ tranh luận vừa xảy ra với Thủ tướng Anh. Sau cùng, sự đời nó khá phũ phàng, tới 80% số giao dịch ngoại tệ lại thanh thỏa qua mấy trung tâm tài chính, như New York, Londres, Tokyo, Singapore nên chắc gì các nước đã lãnh vai trò thu thuế cho thiên hạ vì sẽ mất khách, thí dụ là Anh, Mỹ, Nhật hay Singapore. Nhiều kinh tế gia Mỹ có quan điểm thiên tả rất gần với Chính quyền Barack Obama nay cũng không còn sốt sắng gì với đề nghị này. Đòi tăng thuế giữa cơn suy trầm thì khó ai muốn theo.

Nói chung xu hướng thiên tả trên thế giới thường mơ ước can thiệp hay phối hợp quốc tế để đạt mục tiêu lý tưởng, nhưng trong hoàn cảnh bất trắc hiện nay, loại đề nghị cao thượng ấy khó được các nước chấp thuận để được áp dụng trên toàn cầu.

Thật ra, nếu muốn giúp các nước nghèo thì các nước công nghiệp hóa nên tôn trọng cam kết là trích ra 1% tổng sản lượng của mình cho các nước nghèo và nên viện trợ trực tiếp đến dân nghèo chứ không qua nhiều chính quyền khá tham ô. Còn lại, nếu cần sắc thuế ổn định giao dịch tài chính và tránh nạn đầu cơ, là động lực chính đáng sau khi ta đã thấy những biến động ngoại hối tại Mexico, Argentina, Đông Á và Liên bang Nga trong thập niên 90, có lẽ người ta nên khai triển sáng kiến này cho tinh vi hơn và để một định chế quốc tế thi hành. Chứ một khuôn khổ thuế khóa hạn chế giữa bảy tám nước trong 27 nước Âu châu chưa chắc đã công hiệu. Và quá nhiều biến động tài chính đang xảy ra tại Âu châu cho thấy khả năng cưỡng hành rất kém của cơ chế Âu châu khi chính nhiều nước trong khu vực này lại không đồng ý và sẵn sàng xé rào ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.