Vào nội dung chính
VĂN HÓA

Công nhận nhà thờ Chúa Giáng sinh là di sản thế giới của UNESCO gây tranh cãi

Hôm qua, 29/06/2012, UNESCO chính thức công nhận nhà thờ Chúa Giáng sinh tại Bethlehem, vùng Cisjordanie, là di sản thế giới theo thủ tục khẩn cấp. Sự kiện này gây nhiều phản ứng trái ngược. Trong khi phía Palestine rất vui mừng với quyết định này, thì Israel và Hoa Kỳ chỉ trích dữ dội.

Thánh giá trên nóc Nhà thờ Chúa Giáng Sinh Bethlehem - Cisjordanie
Thánh giá trên nóc Nhà thờ Chúa Giáng Sinh Bethlehem - Cisjordanie REUTERS
Quảng cáo

Trong một phiên họp tại thành phố St-Petersbourg, Nga, Tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên Hiệp Quốc - UNESCO - đã bỏ phiếu thông qua đề nghị của chính quyền Palestine, xếp nhà thờ Bethlehem, tương truyền là nơi giáng sinh của Chúa Giê Su, là di sản thế giới. Trong số 21 thành viên của Ủy ban di sản UNESCO, 13 người bỏ phiếu thuận, 6 chống và 2 vắng mặt. Sự kiện này khá bất ngờ, vì trước đó, đề nghị của Palestine bị nhiều chỉ trích.

Trả lời phỏng vấn AFP, người phát ngôn của tổng thống Palestine cho biết, việc nhà thờ Chúa Giáng sinh được công nhận là di sản thế giới là « một chiến thắng đối với người Palestine và đối với công lý ».

Nhà thờ Chúa Giáng sinh là di tích đầu tiên của Palestine được công nhận, kể từ khi Palestine được chấp nhận là thành viên của UNESCO. Đây cũng là tổ chức quốc tế đầu tiên công nhận Palestine là thành viên đầy đủ.

Để được UNESCO công nhận di tích kể trên, chính quyền Palestine đã tiến hành một chiến dịch ngoại giao quyết liệt với việc đệ trình yêu cầu theo thể thức khẩn cấp. Thoạt tiên, nhóm các chuyên gia của UNESCO đã không ủng hộ yêu cầu này, vì thể thức khẩn cấp thông thường chỉ liên quan đến các di sản sắp bị hủy hoại.

Việc nhà thờ Giáng sinh được công nhận theo thể thức khẩn cấp khiến Israel giận dữ. Bản thân nhà nước Do Thái không phản đối việc công nhận nhà thờ Chúa Giáng sinh, nhưng việc công nhận theo thể thức như trên có nghĩa là cho đến giờ, chính quyền Israel đã không bảo vệ tốt di tích này. Do vậy, Israel kiên quyết phản đối.

Về phần mình, đại sứ Hoa Kỳ tại UNESCO David Killon đã bày tỏ « sự thất vọng sâu sắc » trước quyết định này. Theo ông David Killon, bản thân di tích này vốn đã « là thiêng liêng đối với tất cả mọi tín đồ Thiên Chúa giáo » và « UNESCO lẽ ra không nên để bị chính trị hóa ».

Việc nhà thờ Chúa Giáng sinh được công nhận sẽ mang lại nhiều lợi thế cho Palestine. Di tích này sẽ được quốc tế tài trợ, cũng như sẽ được quảng bá rộng rãi hơn trên phương diện du lịch. Tiếp theo nhà thờ Chúa Giáng sinh, Palestine còn tiếp tục đề trình yêu cầu công nhận khoảng 20 di tích khác.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.