Vào nội dung chính
ANH QUỐC - TÀI CHÍNH

Vụ Barclays thao túng lãi suất liên ngân hàng đe dọa uy tín nền tài chính Anh

Theo AFP 29/06/2012, ngân hàng Barclays, một trong bốn nhà băng lớn nhất nước Anh, vừa bị buộc phải nộp các khoản phạt lớn tại Anh và Hoa Kỳ, tổng cộng lên tới khoảng 362 triệu euros, vì thao túng tỷ giá lãi suất liên ngân hàng Libor và Euribor. Vụ gian lận tài chính kể trên có ảnh hưởng rất lớn, vượt ra ngoài biên giới nước Anh. Bê bối tại Barclays chỉ là một biểu hiện của cuộc khủng hoảng tài chính-chính trị Anh Quốc.

Ông Bob Diamond, tổng giám đốc ngân hàng Barclays, 07/09/2010
Ông Bob Diamond, tổng giám đốc ngân hàng Barclays, 07/09/2010 REUTERS/Dylan Martinez
Quảng cáo

Thông tín viên Lê Hải tường trình từ Luân Đôn.

Diễn biến vụ thao túng lãi suất của các ngân hàng Anh

Trong diễn biến mới nhất sau án phạt khoảng 290 triệu bảng Anh (khoảng 360 triệu euro) chủ tịch ngân hàng Barclays đã phải từ chức. Động thái này của ông Marcus Agius được bình luận là nhằm để giảm bớt áp lực đòi luôn tổng giám đốc Bob Diamond cũng phải từ chức trong vụ thỏa thuận ngầm để ấn định lãi suất cho vay giữa các ngân hàng với nhau. Căng thẳng đang tiếp tục gia tăng trong những ngày cuối tuần trước và có nhiều nguy cơ sẽ còn diễn biến nghiêm trọng hơn trong những ngày sắp tới đến phiên điều trần trước quốc hội vào thứ Tư này (04/07).

Trước hết, vấn đề đang được nhắc đến chính là khoản tiền lãi áp lên số tiền mà các ngân hàng trung chuyển qua lại, gọi là interest rate, mà ở Luân Đôn dùng thuật ngữ chuyên môn là Libor (London interbank offered rate), còn trên toàn châu Âu là Euribor. Dựa trên chỉ số này mà các ngân hàng sau đó sẽ định ra các mức lãi suất cho vay đối với khách hàng, từ tiền lãi mua nhà trả góp cho đến lãi suất trên thẻ tín dụng...

Giới chuyên gia tín dụng ước tính là chừng 200.000 hợp đồng vay mua nhà cho thuê có liên quan trong vụ này. Bốn ngân hàng lớn của Anh là Barclays, RBS, Lloyds và HSBC đồng ý có thể sẽ trả tiền đền bù cho các khách hàng bị thiệt hại từ cách tính lãi suất gian lận đó.

Ngoài ra điều rất quan trọng là, chỉ số Libor còn được nhiều ngân hàng trên thế giới dùng làm chuẩn mực để tham chiếu trong các hợp đồng vay mượn, với tổng trị giá mà người ta ước tính là có thể lên đến 360.000 tỷ USD.

Câu hỏi lớn hơn được đặt ra ở đây là về đạo đức của những người kinh doanh tiền tệ trong hệ thống ngân hàng nước Anh, vốn đã bê bối từ nhiều năm nay, liên tục khiến dân chúng bực tức.

Ngân hàng trung ương Anh quốc đã ngay lập tức phải trấn an dư luận bằng cách ra thông cáo bác bỏ hoàn toàn liên quan và khẳng định không biết gì về các thỏa thuận ngầm định giá giữa các ngân hàng với nhau.

Hiện nay, ngoài Barclays bị phạt vì đã vi phạm đạo đức kinh doanh, còn một số ngân hàng quốc tế đang tiếp tục bị điều tra các hợp đồng tài chính. Có tin nói là từ tháng 10 năm ngoái đến giờ một ngân hàng khác là RBS đã cho nghỉ việc 4 nhân viên có liên quan và có thể sẽ bị phạt 150 triệu bảng, nhưng hiện tại phòng báo chí của ngân hàng từ chối bình luận. Trước mắt mới chỉ có Barclays bị cơ quan quản lý tài chính Luân Đôn phạt gần 60 triệu bảng Anh và tệ hại hơn là bị cơ quan ngang cấp của Mỹ phạt khoảng 230 triệu bảng nữa.

Theo tờ báo kinh tế Pháp La Tribune hôm qua 01/07, vụ thao túng lãi suất liên ngân hàng Libor, lãi suất liên ngân hàng được đánh giá là quan trọng nhất thế giới, bởi hai ngân hàng Barclays và RBS, có thể bùng nổ thành « một vụ xì căng đan chính trị lớn chưa từng thấy tại Anh » và trung tâm tài chính City sẽ bị mất uy tín.

Phản ứng của giới chính trị Anh

Lần này có vẻ như không còn chính trị gia nào của nước Anh dám bênh vực cho hệ thống ngân hàng. Bộ trưởng doanh nghiệp Vince Cable có bài viết quyết liệt trên tạp chí Observer vào cuối tuần đòi thanh lọc hệ thống tài chính, loại bỏ các lãnh đạo tham nhũng trong một bối cảnh mà ông mô tả là "nạn lạm dụng có hệ thống đang bắt rễ trong các ngân hàng nước Anh". Tuy nhiên ông lại cho rằng trách nhiệm phải có biện pháp mạnh không nằm ở phía cơ quan quản lý thuộc chính phủ, vì họ không có quyền lực như các cổ đông. Một trong số các mô hình mà ông cho rằng nên áp dụng trong tương lai là động tác của Hợp tác xã tín dụng (Co-operative Bank - kinh doanh không thiên về lợi nhuận) mua lại nhiều cổ phần của Lloyds Bank.

Trước mắt thì bộ trưởng Cable yêu cầu điều tra hình sự vụ việc này. Lãnh đạo bên phía đối lập là lãnh đạo Ed Miliband của đảng Lao Động thì đòi phải có cuộc điều tra công khai về điều mà ông gọi là "tham nhũng được cơ chế hóa trong ngành ngân hàng" tiếp theo sau một loạt các vụ bê bối liên tục ở Anh. Bị áp lực từ lời kêu gọi này, chính phủ cầm quyền của liên đảng Bảo thủ và Dân chủ tự do buộc phải thông báo sẽ rà soát lại các hợp đồng vay trung chuyển giữa các ngân hàng Luân Đôn.

Sáng hôm nay, tức là thứ Hai đầu tuần, tất cả các tờ báo ở Luân Đôn đều chạy hàng tin chính liên quan đến sự vụ này và chắc chắn các diễn biến có liên quan sẽ tiếp tục chiếm trang nhất đến tận thứ Tư là ngày quốc hội nước Anh thường có phiên họp quan trọng.

Thủ tướng David Cameron nói tổng giám đốc Barclays Bob Diamond sẽ phải trả lời những câu hỏi mà ông mô tả là "nghiêm trọng". Tuy nhiên ông cho rằng thói xấu gian dối trong ngành ngân hàng được dung dưỡng từ thời chính phủ trước. Tương tự vậy, bộ trưởng tài chính George Osborne nói ông bị bất ngờ khi nhận được báo cáo từ FSA (Financial Services Authority - cơ quan quản lý dịch vụ tài chính Anh Quốc), và mọi chuyện diễn ra từ trước cuộc bầu cử năm 2010, thời điểm mà đảng Bảo Thủ chiếm lại quyền lực. Thị trưởng Luân Đôn Boris Johnson đòi mở cuộc điều tra hình sự nhắm vào hoạt động vay mượn trung chuyển giữa các ngân hàng Luân Đôn.

Phản ứng của xã hội Anh

Bất kể có thêm ai mất chức hay từ chức, hay giới chính trị nói gì, thì người dân Anh vẫn tiếp tục bất mãn vì những khoản tiền thưởng cực lớn cho giới chủ ngân hàng trong lúc doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ, như tổng giám đốc Bob Diamond năm ngoái nhét túi sơ sơ có 2,7 triệu bảng Anh. Trong khi đó, người dân không những phải gánh chịu những khoản thua lỗ trong đó có cả tiền phạt của các ngân hàng, và thiệt hại trong cuộc chơi hợp đồng không công bằng, lại còn thường xuyên bị chèn ép vì các khoản lệ phí phụ trội mà ngân hàng tùy tiện đặt ra.

Trước mắt có lẽ các cổ đông của Barclays là những người đang tức giận nhất, vì có thể họ đã căn cứ vào chỉ số Libor bị dàn xếp để hạ thấp, mà tin tưởng vào thể trạng của ngân hàng và quyết định bỏ tiền đầu tư. Họ đã biểu quyết cắt giảm tiền thưởng của các lãnh đạo ngân hàng trong năm nay và đang còn đòi tổng giám đốc Bob Diamond phải từ chức.

Báo chí bóng gió nhắc đến một cuộc nổi dậy lật đổ tương tự như Mùa Xuân Ả Rập ở Trung Đông, do các cổ đông Anh thực hiện, mong muốn có thay đổi gốc rễ trong hệ thống tài chính thế giới, mà xưa nay Anh quốc vẫn luôn là một trung tâm quyền lực, nhất là ở châu Âu. Có thể nói, vụ bê bối đạo đức kinh doanh kể trên là một cơn khủng hoảng lớn về lòng tin đối với hệ thống ngân hàng Anh quốc, nơi chỉ số lòng tin (credibility) còn quan trọng hơn là số vốn (capital) đang có.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.