Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

LHQ thương thuyết về Hiệp ước chế tài buôn bán vũ khí

Hôm qua 02/07/2012, theo dự trù, các thành viên Liên Hiệp Quốc bắt đầu đàm phán về một hiệp ước quy định việc buôn bán các vũ khí quy ước (TCA). Đây là hiệp ước quốc tế đầu tiên cản trở việc bán các vũ khí, có thể được dùng để chống lại dân thường hay trong các xung đột đang diễn ra.Sự ra đời của một hiệp ước như vậy càng trở nên khẩn thiết với các xung đột hiện nay tại Syria hay nhiều khu vực ở Châu Phi.

Những người đấu tranh của Liên minh ủng hộ kiểm soát vũ khí biểu tình trước trụ sở  LHQ ngày  2/7/ 2012 tại  New York.
Những người đấu tranh của Liên minh ủng hộ kiểm soát vũ khí biểu tình trước trụ sở LHQ ngày 2/7/ 2012 tại New York. REUTERS/Control Arms Coalition/Andrew Kelly/Handout
Quảng cáo

Phiên khai mạc bị hoãn lại một ngày, vì bất đồng xung quanh khả năng tham gia của Palestine.Theo AFP ngày hôm qua 02/07, phát biểu trước báo giới, sau cuộc gặp với một số quốc gia chủ trương Hiệp ước TCA (bao gồm Phần Lan, Úc, Anh, Nhật Bản, Costa Rica, Kenya, Arhentina), ngoại trưởng Phần Lan Erkki Tuomioja tuyên bố, việc ra đời Hiệp ước quốc tế chế tài buôn bán vũ khí quy ước là rất khẩn cấp, vì hiện tại ở nhiều khu vực trên thế giới, các vũ khí hạng nhẹ vốn được buôn bán hợp pháp, sau đó đã rơi vào tay các băng nhóm tội phạm, khủng bố, hay các lực lượng khác, để rồi bị sử dụng một cách mù quáng. Còn ngoại trưởng Úc Bob Carr đưa ra con số, mỗi ngày có khoảng 2.000 người thiệt mạng trên thế giới, là nạn nhân của các vũ khí hạng nhẹ được chuyển giao bất hợp pháp.

Theo nhận định của AFP, nếu như phần lớn các nước đều công nhận phải chế tài thị trường vũ khí 70 tỷ đô la/năm này, thì hiện tại vẫn chưa có thỏa thuận chính thức nào về mục tiêu ưu tiên (về chống buôn bán vũ khí hay xây dựng một cơ sở đạo lý cho việc buôn bán vũ khí hợp pháp) hay về quy mô của hiệp ước, cũng như về các quy định cho phép hay bác bỏ một hợp đồng mua bán vũ khí. Các đàm phán phải hoàn tất trước ngày 27/07. Lập trường của các nước tham gia đàm phán còn rất nhiều khác biệt.

Từ New York, thông tín viên Karim Lebhour cho biết thêm chi tiết :

Nằm dài trước trụ sở Liên Hiệp Quốc trong những tấm vải liệm màu đen, tượng trưng cho các nạn nhân của nạn buôn bán vũ khí, các đại diện của nhiều tổ chức phi chính phủ đòi hỏi một hiệp ước chặt chẽ nhất có thể được trong lĩnh vực này.

Ông Louis Belanger, một lãnh đạo của Liên hiệp hội Oxfam - tổ chức chống nghèo đói và bất công có mặt tại hơn 90 quốc gia - bày tỏ mong muốn việc bán vũ khí sẽ bị cấm, nếu như vũ khí được sử dụng để chống lại thường dân.

Một trong các điểm bất đồng giữa các bên thương lượng là, có đưa vào trong hiệp định này các vũ khí cỡ nhỏ hay không. Các nước Châu Âu ủng hộ chủ trương này, nhưng một số nước khác như Trung Quốc thì phản đối. Vấn đề vũ khí hạng nhẹ rất hệ trọng đối với Châu Phi.

Ông Baffour Amoa, thuộc Mạng lưới hành động liên quan đến các vũ khí hạng nhẹ tại Tây Phi, mong muốn hiệp định này quy định cả các vũ khí hạng nhẹ, vì trong tất cả các xung đột tại Châu Phi, đây chính là loại vũ khí được sử dụng nhiều.

Khác với chuối, bông hay nước chai, cho đến nay thị trường buôn bán vũ khí không hề chịu một sự kiểm soát quốc tế nào. Những người tham gia thương thuyết có một tháng để thay đổi tình trạng này.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.