Vào nội dung chính
SYRIA

WikiLeaks tiết lộ hơn 2 triệu thư điện tử về Syria

WikiLeaks tiếp tục tiết lộ những thư điện tử gây phiền phức, lần này liên quan đến Syria. Hôm qua 5/7, trang web này đã công bố khoảng 2,5 triệu bức thư điện tử, phơi bày hoạt động của các tập đoàn phương Tây vẫn tiếp tục hợp tác với chính quyền Damas ngay sau khi tung ra chiến dịch đàn áp phong trào phản kháng.

RFI
Quảng cáo

Con số 2.484.899 bức thư đã được gởi đi trong khoảng thời gian từ tháng 8/2006 đến tháng 3/2012, bằng tiếng Ả Rập, tiếng Nga, và tiếng Anh.

Trong cuộc họp báo ở Luân Đôn, phát ngôn viên của WikiLeaks, bà Sarah Harrison giải thích là những bức thư điện tử này đến từ các “chính khách Syria, những cơ quan cấp bộ và các tập đoàn công nghiệp”, và cho thấy rằng phương Tây nói một đằng nhưng làm một nẻo.

WiliLeaks khẳng định chẳng hạn là tập đoàn quốc phòng Ý Finmeccanica, do Nhà nước Ý kiểm soát, đã tiếp tục cung cấp cho Damas một hệ thống liên lạc viễn thông vô cùng hiện đại qua chi nhánh Selex Elsag, ngay sau khi nổ ra cuộc nổi dậy, khởi xướng vào tháng 3/2011.

Thông tin trên đã được tạp chí Ý L’Espresso, trích dẫn lại hôm qua trong bài báo tựa đề “Finmeccanica đã giúp đỡ kẻ độc tài”. Tạp chí trích lại một bức thư ngày 7/05/2011 mà WikiLeaks có được, và do tập đoàn Intracom Syria gởi đi, yêu cầu cung cấp 500 máy điện đàm của Selex cho “cơ sở cảnh sát Muadamia”, nơi diễn ra vụ đàn áp biểu tình những ngày trước đó.

L’Espresso còn trích một bức thư điện tử khác phiền phức hơn nữa, “thông báo việc kỹ sư của Selex đến Damas để hướng dẫn việc sử dụng hệ thống viễn thông của mình và cách sử dụng thiết bị này trên máy bay trực thăng”. Bức thư đề tháng 2/2012, tức vào lúc tình hình Syria nổ bùng, trở thành mối quan tâm của cả thế giới.

Để công bố những tài liệu kể trên, WikiLeaks đã hợp tác với nhiều phương tiện truyền thông lớn, nhất là ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Liban...

Tại Liban, nhật báo Al-Akhbar, thân Damas, cho biết đang chọn lọc và kiểm chứng các bức thư điện tử. Tổng biên tập Ibrahim al Amine, giải thích là Syria đang trải qua một giai đoạn rất “nhạy cảm, phải phân biệt những gì là thật và những gì được dàn dựng”. Nhưng theo ông, điều rõ ràng là "thái độ giả dối của các chính sách quốc tế đã đi rất xa trong hồ sơ Syria”.

Julian Assange, sáng lập viên của WikiLeaks đang ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador tại Luân Đôn, đánh giá những tài liệu được tiết lộ không chỉ rất phiền phức đối với Syria mà cũng rất phiền phức đối với những người chống đối bên ngoài Syria.

Bà Sarah Harrisson, phát ngôn viên WikiLeaks, đánh giá là nội dung các "hồ sơ về Syria" là một cơ sở dữ liệu rất quan trọng, phải mất nhiều thời gian để cho thực tế được phơi bày. Tuy nhiên bà từ chối không cho biết làm sao WikiLeaks có được những tài liệu đó.

Điểm mà giới quan sát ghi nhận là các tài liệu phiền phức, mà một số theo WikiLeaks đến từ Bộ Ngoại giao và Phủ Tổng thống Syria lại được công bố ngay trước hội nghị Những người bạn của nhân dân Syria tổ chức tại Paris hôm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.