Vào nội dung chính
NGA

Chính quyền địa phương Nga bị nghi ngờ đã gây ra lũ lụt

Liên quan đến trận lũ lụt kinh hoàng, đột ngột xảy ra đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy vừa qua tại vùng Krasnodar, miền Tây Nam nước Nga, bên bờ Hắc Hải, nhật báo Le Monde có bài viết : « Tranh cãi sau trận đại hồng thủy tại Nga », đã khiến hơn 170 người thiệt mạng.

Trận lũ tại Krymsk, vùng Krasnodar , na Rússia. (REUTERS)
Trận lũ tại Krymsk, vùng Krasnodar , na Rússia. (REUTERS)
Quảng cáo

Theo Le Monde, cơn lũ đã đổ ập đến vào lúc đêm khuya khi mọi người còn đang yên giấc, nước dâng cao đến 7 mét, làm hơn 170 người chết, trong đó chỉ riêng thành phố Krymsk có đến khoảng 160 người, tổng cộng có gần 3 300 người bị mất nhà cửa. Báo đài Nga liên tục đưa tin về thảm họa. Ủy ban điều tra liên bang về trận lũ cũng được thành lập. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập tức đến hiện trường.

Tờ báo cho biết, cặp mắt giận dữ của người dân đang đổ dồn về chính quyền địa phương, nhất là ông Alexandre Tkatchev, thống đốc vùng Krasnodar, một vùng theo tờ báo là nổi tiếng tham nhũng. Giải thích trên truyền hình, ông Tkatchev cho rằng, nguyên nhân là do thời tiết bất thường. Đồng thời ông cũng hứa hẹn nhiều khoản đền bù cho người bị lũ gây thiệt hại. Thế nhưng, người dân không đồng tình với cách giải thích đó, họ thắc mắc : Vì sao chính quyền lại không cảnh báo kịp thời cho dân chúng ?

Một vấn đề then chốt : đó là người dân nghi ngờ chính quyền đã quyết định xả một hồ chứa nước nhân tạo phía thượng lưu của thành phố Krymsk để bảo vệ cảng Novorossiisk và thành phố Gelendjik. Chính quyền đã bác bỏ cáo buộc này, và khẳng định không hề có việc tháo nước quá quy định. Về phần mình, các nhà bảo vệ môi trường quy trách nhiệm cho những kẻ phá rừng, cho rằng, chính họ đã cướp mất của các bờ biển trong vùng một hàng rào bảo vệ vững chắc.

Về phần mình, báo Le Figaro chạy tựa : « Sau cơn lũ, người Nga bắt đầu tìm thủ phạm ». Tờ báo chia xẻ quan điểm của Le Monde cho rằng, Krasnodar là một vùng nỗi tiếng tiêu cực. Tờ báo cho biết, hồ chứa nước trên thượng lưu mà người dân thành phố Krymsk cho là thủ phạm, được điều hành bởi hai nhân vật có tiếng : một người nguyên là thứ trưởng bộ Năng Lượng, một người hiện là phó lãnh đạo ngân hàng quốc gia VEB, một ngân hàng đầu tư mạnh cho hồ chứa nước này. Thời gian gần đây, hai người này đã bị điều tra về tội gian lận.

Còn đối với ông Tkatchev, thống đốc vùng Krasnodar, tờ báo cho biết, ông hiện sở hữu nhiều đất đai nông nghiệp trong vùng. Con rể ông là một dân biểu quốc hội thuộc Đảng Nước Nga Thống Nhất cầm quyền, người này cũng đang điều hành nhiều Quỹ nông nghiệp và một công ty dầu khí. Vợ ông nằm trong danh sách 10 phu nhân thống đốc giàu nhất nước Nga.

Ông Tkatchev hiện đang bị phe đối lập chỉ trích là thất trách vì đã không cảnh báo dân chúng kịp thời. Ông này hôm chủ nhật buộc phải cách chức lãnh đạo một huyện trong vùng. Tuy nhiên, chiếc ghế của ông Tkatchev vẫn chưa lung lay vì theo giải thích của một nghị sĩ đảng Cộng sản Nga : « Trong mỗi cuộc bầu cử, ông Tkatchev mang đến cho Đảng Nước Nga Thống Nhất của ông Putin một số phiếu đáng kể, cho nên ông là người bất khả xâm phạm ».

Hải tặc Ấn Độ Dương đang dần thúc thủ

Hồi tháng 12/2008, lần đầu tiên trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU), hải quân các nước thành viên đưa một lực lượng chống hải tặc vào Ấn Độ Dương và vịnh Aden để bảo vệ thương thuyền qua lại trong khu vực. Chiến dịch ngày càng thu được nhiều kết quả, khiến cho hải tặc phải chùn bước. Nhật báo Le Figaro hôm nay đăng bài viết : « Ấn Độ Dương : hải tặc rơi vào thế thủ ».

Chiến dịch mang tên Atalante với sự tham gia của ít nhất 8 nước gồm Anh Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Hà Lan và Thụy Điển. Chiến thuyền của Atalante được luân chuyển mỗi bốn tháng, có ba nhiệm vụ chính do Liên Hiệp Quốc ủy nhiệm: Một là ngăn chặn hải tặc Somalia tấn công các thương thuyền qua lại trong vùng biển đông châu Phi và vịnh Aden - một trong những tuyến đường huyết mạch cho việc vận chuyển hàng hóa và dầu hỏa trên thế giới; hai là bảo vệ tàu chở thực phẩm cứu đói cho Somalia ; cuối cùng là phối hợp với ba máy bay do thám xuất phát từ Djibouti, tuần tra kiểm soát khu vực.

Tờ báo cho biết, hiện tại lực lượng liên quân chống hải tặc này được đặt dưới sự chỉ huy của chuẩn đô đốc Pháp Jean-Baptiste Dupuis. Gần đây, liên quân đã bắt đầu chiến dịch tấn công phá hủy các khu dự trữ hậu cần của hải tặc, với sự đồng ý của chính phủ lâm thời Somalia. Phương pháp này đã gây nhiều tổn thất cho hải tặc.
Kết quả sau mấy năm của Atalante có vẻ khả quan.

Chuẩn đô đốc Dupuis hoan hỉ: « Hoạt động của bọn hải tặc đang giảm xuống ». Và đây là những con số cụ thể để minh chứng cho thắng lợi của liên quân : Năm 2010 có đến 47 tàu bị hải tặc bắt giữ, nhưng năm 2011 con số này chỉ còn 25, và từ đầu năm đến giờ chỉ có 5. Số lần hải tặc tấn công tàu cũng giảm : 176 vào năm 2011, 32 từ đầu năm đến nay. Ngay cả phía hải tặc cũng xác nhận sự việc. Các hải tặc đã than vãn trên một trang mạng của chúng rằng, do đánh cướp được ít hơn, nên số tiền chuộc cũng giảm, tiền ít, nên những lần « ra khơi » cũng ít đi.

Giải thích nguyên nhân của thắng lợi, chỉ huy trưởng của Atalante cho rằng, do sự phối hợp của các lực lượng trong liên quân ngày càng chặt chẻ nên hoạt động tác chiến ngày càng có hiệu quả, hải tặc ngày càng e ngại ; do các tàu thương mại qua lại trên vùng Ấn Độ Dương ngày càng biết tuân thủ những khuyến nghị đảm bảo an toàn : như có hàng rào kẻm bảo vệ trên tàu, có 30% các tàu luôn có lực lượng cảnh vệ riêng. Tuy vậy, con đường của Atalante có vẻ còn dài, bởi việc chuyển giao công tác chống hải tặc cho Somalia còn gặp nhiều trở ngại, nhất là sự thiếu hợp tác của các cường quốc trong vùng.

Chẳng hạn như Các tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất vừa thông báo ngừng viện trợ cho lực lượng tuần dương của khu vực bán tự trị Puntland, vùng được xem là một trong những điểm xuất phát chính của bọn cướp biển. Lực lượng này có khoảng 1 000 thành viên, đã từng đánh hạ thành công vài căn cứ hải tặc. Như vậy, Atalante không thể "ngủ quên trên vòng nguyệt quế". Chỉ huy trưởng của Alatante cảnh báo : Tình hình có thể bị đảo ngược nếu lơ là.

Pháp : kinh tế đang bên bờ suy thoái ?

Trong bối cảnh tân chính phủ Pháp đang tiến hành hai ngày thương nghị với các tổ chức nghiệp đoàn về những chính sách xã hội nhạy cảm nhất, nhật báo La Croix hôm nay có bài cảnh báo: « Pháp đang bên bờ suy thoái ».
Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp (Insee) đã dự phóng tăng trưởng kinh tế Pháp cho cả năm 2012 là 0,4%, nhưng vào ngày 03/07 này, thủ tướng Jean-Marc Ayrault thông báo hạ xuống còn 0,3%.

Hôm qua, đến lượt mình, Ngân hàng Trung ương Pháp cũng cho biết, tăng trưởng kinh tế Pháp trong quí hai có thể sẽ giảm đi 0,1%. Trong khi đó, giai đoạn tháng 1 đến tháng 3, kinh tế Pháp dường như không tăng trưởng. Chuyên gia kinh tế Jean-Christophe Caffet thuộc ngân hàng Nantixis nhận định: “Pháp đang bên bờ suy thoái », do hai quí liền suy giảm tăng trưởng. Ông cảnh báo : « Sự trì trệ sẽ còn kéo dài ». Theo ông, Pháp đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất, từ mùa xuân năm 2012 đến tháng 3 năm 2013, sẽ có khoảng 200 000 người bị mất việc làm do các chính sách xã hội.

Trong bối cảnh đó, hôm qua, cơ quan hổ trợ đầu tư doanh nghiệp Pháp đã công bố điều tra cho biết, từ cuối năm 2011, hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như giậm chân tại chỗ, với doanh số ước tính tăng chỉ có 0,5%, trong khi con số cho toàn năm rồi là 4,7%. Các công ty có ý định đầu tư cũng giảm đi, chiếm 47%, trong khi năm ngoái là 49%.

Chuyên gia Caffet cảnh báo : trong giai đoạn từ đây đến hết năm 2013, Pháp khó có thể giảm mức thâm hụt ngân sách xuống mức 3% như đã cam kết. Các tin tức này từ phía Pháp đến trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại, nhất là ở những nước phát triển.

Trung Quốc : Cấm quan chức ăn vi cá !

Đến với lĩnh vực bảo vệ môi trường, Le Monde có bài chạy tít : « Trung Quốc có động thái nhỏ dành cho cá mập ». Tờ báo cho biết, hồi đầu tháng này, Trung Quốc cho biết sẽ cấm các quan chức trong đảng và trong chính quyền tiếp khách bằng món …vi cá mập. Lịch trình đưa ra là trong vòng ba năm tới. Lãnh đạo của một tổ chức bảo vệ môi trường lập tức lên tiếng ủng hộ, cho rằng Trung Quốc đã trở thành nước tiên phong trong việc « bảo vệ cá mập ». Tuy nhiên, người này kêu gọi Trung Quốc nên ra lệnh cấm nhập khẩu loại thực phẩm này.

Tuy nhiên, người dân yêu môi trường có vẻ chưa hài lòng vì phải mất đến 3 năm nữa quyết trịnh trên mới có hiệu lực. Tờ báo nhận định, nghệ thuật ẩm thực và y học cổ truyền Trung Quốc, cũng như sự phát triển của tầng lớp trung lưu… tất cả đã khiến cho Trung Quốc trở thành một trong những nước tiêu thụ mạnh nhất loài vật có nhiều nguy cơ tiệt chủng này.

Chó có thể giúp trẻ em tăng sức đề kháng

Trong lĩnh vực ý tế, Le Figaro có bài thông tin : « Các bé tiếp xúc với chó ít bị nhiễm bệnh». Sống trong một môi trường quá sạch sẻ liệu có tốt cho sức khỏe của bé hay không ? Theo kết quả nghiên cứu vừa được một nhóm chuyên gia Phần Lan công bố, thì cách nuôi con như thế là : không tốt ! Nghiên cứu cho biết, để các bé tiếp xúc thường xuyên với chó, thậm chí là mèo, sẽ giúp bé ít mắc bệnh hơn.

Nghiên cứu được thực hiện trên 400 bé dưới 1 tuổi. Trong suốt một năm, bố mẹ các bé theo dõi tỉ mỉ tình trạng sức khỏe của các bé. Kết quả là, những bé tiếp xúc với chó, mèo có ít hơn 30% nguy cơ bị ho, khò kè, viêm mũi, và ít hơn 50% nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm ở tai. Đồng thời, qua việc tiếp xúc này, các bé ít cần phải dùng thuốc kháng sinh hơn so với bình thường. Nghiên cứu cũng cho biết, sẽ có kết quả tối ưu nếu để chó trong nhà ít nhất 6 giờ mỗi ngày.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.