Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

CIA dự phóng : Phương Tây suy yếu, châu Á đi lên

Tương lai của thế giới trong hai thập niên nữa, tức là vào năm 2030, có vẻ rất đen tối. Tuy nhiên, nếu có sự hợp tác giữa các cường quốc với nhau, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhất là trên lãnh vực công nghệ cũng có thể sẽ mở ra một kỷ nguyên vàng son mới, cho các mối quan hệ quốc tế. Đây chính là những dự báo do Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ sẽ đưa ra sau đợt bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay.

Quảng cáo

Bài viết đề tựa « CIA dự báo viễn cảnh thế giới hậu Hoa Kỳ » của hai tác giả Rémy Dupuis và Corine Lesnes đăng trên nhật báo Le Monde số ra hôm nay. Dự báo tương lai : chính là tham vọng của Hội đồng Tình báo Quốc gia (NIC), một chi nhánh thuộc CIA.

Trên thực tế, cứ mỗi năm năm, CIA có trách nhiệm suy ngẫm đến hiện trạng tương lai của thế giới trong vòng hai thập niên. Lần này, bản thảo « Xu hướng toàn cầu vào năm 2030 », sẽ được công bố chính thức ngay sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ, dự báo trước các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Theo đó, chúng có nguy cơ làm biến đổi các mối quan hệ quốc tế, từ việc phổ biến hóa các sinh vật biến đổi gen (GMO) cho đến máy in 3D trong tương lai, đi qua việc cải thiện hiệu năng bộ não con người hay nhân bản con người. 

Cơ quan NIC xác định rõ những xu hướng sau đây, gần như là chắc chắn sẽ kiến tạo nên hệ thống thế giới vào năm 2030 : sự giải phóng cá nhân, dân số, sự phân tán quyền lực, các vấn đề về năng lượng, nước và lương thực. Tác động của một trong những xu hướng trên biến đổi theo các biến số chính, bao gồm kinh tế và cách điều hành thế giới, các xung đột vũ trang, công nghệ và vai trò quyết định của Mỹ.

Trong bối cảnh này, NIC dự báo ba tình huống có thể xảy ra vào năm 2030 : « trở lại như trước »,  « hỗn hợp » và « phân rã ». Theo quan điểm của các tác giả bản thảo, kịch bản cuối cùng tức là phân rã, có nhiều khả năng xảy ra nhất. Tăng trưởng kinh tế bất bình đẳng sẽ tái phân bổ lại bản đồ quyền lực.

Phương Tây trở nên suy yếu trước sự đi lên của châu Á, vào lúc mà sự biến động của các thị trường và sự biến đổi khí hậu đang đe dọa sự ổn định của thế giới. Trong thế giới « bị phân rã » này, sự thiếu vắng ý chí chính trị chung để giải quyết các vấn đề toàn cầu sẽ gạt ra ngoài các tổ chức đa phương và làm tăng nguy cơ xung đột liên chính phủ. Nếu như nhiều vụ xung đột quân sự lớn – chẳng hạn như giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ - có thể né tránh được, thế giới vẫn luôn luôn nằm kề bên bờ vực thẳm. 

Trong khi đó, kịch bản « trở lại như trước» tiên đoán một sự quay ngược trở lại của thế giới ở giai đoạn « tiền Hoa Kỳ », nghĩa là tình hình bất ổn của thế giới hồi đầu nửa thế kỷ 20. Các tác giả cho rằng kịch bản này cũng không mấy khách quan. Bị kìm hãm ngay trong chính vấn đề ngân sách của mình, Mỹ không còn khả năng để dấn thân trên trường quốc tế nữa. Đang được các nước mới trỗi dậy đón tiếp nồng nhiệt, sự thoái lui này nhanh chóng trở thành nguồn gốc của sự mất cân đối. Các căng thẳng sắc tộc và địa-chính trị tại châu Á và Trung Đông sẽ nhanh chóng biến thành các xung đột rộng lớn, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đình trệ.

Tương lai thế giới vào năm 2030 hầu như đen tối. Kịch bản duy nhất trong ba viễn ảnh của bản dự thảo đầu tiên về « Xu hướng toàn cầu năm 2030 » vẫn còn cho thấy chút hy vọng. Kịch bản « hợp tác » cho thấy sự nảy sinh của một thế giới hữu nghị, theo đó sự cộng tác trên phương diện công nghệ có lẽ sẽ khởi động một kỷ nguyên vàng son mới cho quan hệ quốc tế. Tuy nhiên cũng phải chờ xem sao. 

Trung Quốc, tăng trưởng thấp nhất từ ba năm nay

Le Monde và Le Figaro cùng quan tâm đến sự kiện này. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý II chỉ đạt ở mức 7,6%, trong khi đó, ngưỡng quy định phải đạt là 8%, nhằm đảm bảo cho sự ổn định và việc làm cho đất nước. Theo các báo, nguyên nhân chủ yếu là do « môi trường kinh tế toàn cầu xấu, ảnh hưởng đến ngành xuất nhập khẩu ». Mặt khác, mức tăng nhập khẩu chậm là do nhu cầu tiêu thụ nội địa trong nước cũng giảm.

Tuy nhiên, để vực dậy nền kinh tế, Trung Quốc chú trọng nhiều vào đầu tư. Nếu như, vốn đầu tư cố định tiến đều đến mức 20,4% vào tháng rồi, thì các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chấn chỉnh thị trường bất động sản lại đè nặng lên tăng trưởng, bên cạnh hoạt động đầu tư cũng như là tiêu thụ, điển hình là lượng bán các sản phẩm đồ điện gia dụng đang chậm lại. Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra khá khả quan, cho rằng « kinh tế có lẽ sẽ hồi phục lại trong quý III ».

Bắc Kinh dùng tiền mua chuộc sự im lặng của các nạn nhân của sự bất công

Cũng tại Trung Quốc, nhưng đề tài xã hội lại là mối bận tâm của tờ Libération. Vụ cưỡng chế phá thai hai phụ nữ đã mang thai đến tháng thứ 7 và thứ 8 hay như vụ một nhà đối lập bị sát hại trong thời gian vừa qua đang làm dấy lên sự bất bình trong dân chúng. Để bịt miệng người dân, báo Libération cho biết chính quyền Bắc Kinh ưu tiên giải pháp « hỗ trợ tài chính » để mua chuộc sự im lặng. 

« Bắc Kinh dùng cây gậy và củ cà rốt » là tựa đề của bài viết. Theo thông tín viên Philippe Grangereau tại Bắc Kinh, « bất kể là họ đúng hay sai, thì những kẻ cứng đầu nhất thường kết thúc bằng việc rơi vào tay công an. Nhưng khi nạn nhân của sự bất công, những người đi kiện chính quyền, chấp nhận hòa giải, thì Bắc Kinh thích dùng tiền để mua chuộc sự im lặng ».

Điển hình là vụ cô Phùng Giản Mỹ, bị cưỡng chế phá thai ở tháng thứ 7. Vụ việc gây nổi đình nổi đám tại Trung Quốc. Thế nhưng, vụ việc đã được dàn xếp êm đẹp sau khi vợ chồng cô nhận được một cái séc trị giá 70 600 nhân dân tệ (tương đương với 8 825 euro). Vấn đề là số tiền này không được nhận dưới hình thức tiền bồi thường thiệt hại mà là dưới dạng tiền « trợ cấp ». Gia đình nạn nhân ký một hợp đồng có ghi rõ không được tiếp xúc giới báo chí.

Trên thực tế, cưỡng chế phá thai được quy định rõ trong luật pháp và được áp dụng rất rộng rãi tại Trung Quốc. Bị đe dọa, vợ chồng cô Phùng Giản Mỹ đã tìm cách liên hệ được với một luật sư tại Bắc Kinh để kiện chính quyền địa phương. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, các tòa án tại Trung Quốc vốn không độc lập và đơn kiện của họ đã bị tòa án Trấn Giang từ chối. Do đó, chỉ còn một giải pháp duy nhất là phải chấp nhận tiền « trợ cấp » để đổi lấy sự im lặng.

Theo luật sư Trương Khải, « nhìn chung, các nạn nhân không hiểu rõ quyền lợi của mình. Họ chỉ nghĩ đến chuyện làm sao xin được ít tiền bù lại từ chính phủ ». Một lý do nữa là, nếu tòa án chấp nhận đưa ra một phán quyết có lợi cho phía nạn nhân, thì điều này có khả năng châm ngòi cho một làn sóng hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu đơn kiện khác. Một cơn ác mộng cho Bắc Kinh. Trong trường hợp này, chính quyền ưu tiên cho giải pháp mở rộng hầu bao.

Trong các trường hợp hiếm hoi, đảng Cộng sản Trung Quốc cho tiền rất hậu hĩnh. Tác giả nhắc lại vụ dân làng Vũ Hán, thuộc tỉnh Quảng Đông. Vào năm 2011, 13 ngàn dân làng đã nổi dậy chống lại chính quyền địa phương tham nhũng, muốn chiếm đoạt đất đai. Các quan chức địa phương đã bị dân tống cổ ra khỏi làng. Và trong nhiều tuần liền, người dân đối đầu chống lực lượng an ninh dưới sự chứng kiến của các nhà báo. Sau đó, người đứng đầu làn sóng bạo động, ông Tuyết Tân Ba đã bị công an bắt giữ và chết ngay tại đồn công an do bị đánh đập.

Nhằm đối phó với việc loan tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, cuối cùng chính quyền Trung Quốc cũng chấp nhận một cuộc bầu cử « dân chủ », đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Đồng thời, chấp nhận bồi thường cho gia đình ông Tuyết Tân Ba một số tiền lớn chưa từng có : 3,8 triệu nhân dân tệ, với điều kiện con gái ông Tuyết Tân Ba không ra tranh cử, không kiện những viên công an đã đánh chết cha cô, cũng như việc thi thể ông Tuyết Tân Ba không được chôn cất trong làng, do e sợ mộ phần của ông sẽ biến thành điểm tụ tập.

Một điểm kỳ lạ là bản hợp đồng mà Liberation có dịp được xem qua đã không ghi rõ nguyên nhân gây tử vong, ngoài thông báo chính thức là bị đột quỵ và cũng không có một dòng xin lỗi. Tác giả bài viết nhận xét rằng, đối với chính quyền, những kẻ đi mua công lý, thì coi như sĩ diện đã được cứu vãn. 

Trang nhất các báo Pháp

Đề tài trên trang nhất các báo Pháp hôm nay khá đa dạng. Le Monde số ra cho thứ bảy 14- chủ nhật 15 – thứ hai 16, đề cập đến giáo dục với hàng tít « Mục tiêu đạt được : 85% một thế hệ có mức học vấn ở cấp trung học ».

Nhật báo công giáo la Croix điểm qua các địa điểm du lịch mùa hè trong hàng tựa « Biển ở chân trời ». Trong suốt mùa hè này, mỗi cuối tuần, La Croix sẽ giới thiệu đến quý độc giả các nhà thờ của từng địa phận, đã bị phá hủy sau cuộc Cách mạng. Lần này, tờ báo giới thiệu nhà thờ « Saint-Pol-de-Léon », nằm ở phía Tây Bắc của nước Pháp, nơi được xem là « vùng đất cũ của các vị linh mục ».

Ngược lại, đề tài « Quốc khánh nước Pháp » lại chủ đề chính trên trang nhất hai tờ báo Libération và Le Figaro. Theo thông lệ, Pháp sẽ tổ chức một lễ duyệt binh hùng hậu trên đại lộ Champs-Elysée tráng lệ. Buổi lẽ sẽ kết thúc bằng cuộc nói chuyện trên truyền hình của tổng thống Pháp François Hollande.

Đối với Libération, lễ Quốc Khánh năm nay diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và những thay đổi lớn về địa-chính trị, đã làm nổi lên một tranh luận, từ lâu được xem là là điều cấm kỵ Đó chính là sự hữu ích của hoạt động can thiệp quân sự. Đề tài này được tờ báo phản ảnh rõ qua hàng tít lớn trên trang nhất « Hạt nhân : Và giả như ta thả bom thì sao ? »

Theo bài xã luận của tờ báo, rõ ràng là từ lâu, việc đụng chạm đến các lực lượng chiến đấu của Pháp là điều cấm kỵ. Ông Michel Rocard, cựu thủ tướng Pháp thời tổng thống François Mitterand,đã có một nhận xét hóm hỉnh « giống như chuyện cô Jeanne d’Arc là người Pháp, nó không thể nào đem ra bàn cãi cũng như thương thảo được ».

Tác giả tự hỏi « tại sao ta không thể nào đem ra tranh luận về giáo lý của thế kỷ trước, dù rằng kẻ thù ngày hôm qua giờ đã trở thành những đối tác, dù rằng học thuyết về chiến tranh hạt nhân và vũ khí can thiệp rõ ràng đã quá lỗi thời ? ».

Bài xã luận cho rằng, ngoài việc tổng thống Pháp hiện nay đang mở các buổi họp tranh luận trên mọi lãnh vực ngay cả trên hồ sơ hạt nhân quân sự để tiết kiệm ngân sách, nước Pháp cũng cần phải xác định lại vị trí của mình trên thế giới và các nguyên tắc dấn thân bên ngoài lãnh thổ. Một nền dân chủ không nên là con tin của một bè lũ công nghiệp-quân sự. Những kẻ chỉ lắng nghe một chân lý mạc khải. 

Về phần nhật báo Le Figaro, ngoài việc đưa tin « Lính mũ xanh được vinh danh trên đại lộ Champs-Elysées », tờ báo lại đặt buổi lễ hôm nay trong bối cảnh tình hình kinh tế không mấy sáng sủa qua hàng tít lớn « Phỏng vấn ngày 14/7 : Hollande đối chọi với thực tế ».

Hai tháng sau khi đắc cử, tổng thống Pháp François Hollande nối lại việc trả lời phỏng vấn ngày 14/7 trên truyền hình theo truyền thống. Một thông lệ mà cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã xóa bỏ trong suốt nhiệm kỳ năm năm. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - xã hội, điển hình nhất là vụ tập đoàn sản xuất xe ô-tô lớn nhất của Pháp là PSA đang gặp nhiều khó khăn lớn, ông Hollande sẽ có buổi trả lời phỏng vấn do hai đài truyền hình lớn nhất là TF1 và France 2 đồng thực hiện.

Đồng thời, cũng nhân buổi nói chuyện này, ông Hollande cũng phải cố gắng thuyết phục lòng tin của người dân Pháp về những lời hứa mà ông đã đưa ra trong quá trình vận động tranh cử, vào lúc mà khủng hoảng đồng euro vẫn còn đang tiếp diễn, trong khi ông không có một chút phạm vi hoạt động nào. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.