Vào nội dung chính
ÚC - HOA KỲ

Úc bác bỏ việc cho Mỹ mượn chỗ thiết lập căn cứ hải quân

Ngay sau khi báo chí Úc tiết lộ ý kiến được nêu lên trong một bản báo cáo gởi lên Quốc hội Mỹ, theo đó Mỹ nên sử dụng một quân cảng Úc làm căn cứ cho hải quân Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng nước này đã lên tiếng từ chối ngay. Ông Stephen Smith cho biết là Úc sẽ không cho phép ngoại quốc thiết lập căn cứ hải quân trên nước mình.

Đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ vừa đến căn cứ Darwin của Úc (REUTERS /Australian Department of Defence)
Đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ vừa đến căn cứ Darwin của Úc (REUTERS /Australian Department of Defence)
Quảng cáo

Trong một diễn văn đọc vào tối hôm qua, bộ trưởng Quốc phòng ông Stephen Smith nói rõ : « Chúng ta hiện không có căn cứ quân sự Mỹ tại Úc và chúng ta sẽ không đề nghị để có loại căn cứ này. Điều mà chúng ta đã thảo luận với Hoa Kỳ là tạo điều kiện cho họ tiếp cận dễ dàng hơn các cơ sở hàng không hay hàng hải của chúng ta ».

Bộ trưởng Quốc phòng Úc đã lên tiếng như trên sau khi báo chí Úc đã đề cập đến đề xuất của Mỹ, được nêu lên trong một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington. Đối với ông Smith, công trình nghiên cứu được đề cập trên báo chí chỉ là « một báo cáo độc lập được gửi đến chính phủ Hoa Kỳ, chứ không phải là một tài liệu của chính quyền Mỹ ».

Mới đây, theo đề nghị của bộ Quốc phòng Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS tại Washington đã thực hiện một bản báo cáo thẩm định chiến lược mới của Hoa Kỳ tại vùng Châu Á Thái Bình Dương để trình lên Quốc hội. Trong nhiều khuyến cáo được đề xuất, có đề nghị lấy căn cứ hải quân Sterling của Úc, gần thành phố Perth ở miền Tây, để làm bản doanh cho các chiến hạm của Hải quân Mỹ, mà cụ thể là một cụm tàu sân bay tấn công.

Theo bản báo cáo mà một phần đã được công bố, thì đó sẽ là căn cứ tàu sân bay thứ hai của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương, cùng với căn cứ thứ nhất đặt tại Yokosuka, (Nhật Bản). Cụm tàu sân bay này có thể gồm một hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân, một phi đoàn chiến đấu cơ có thể có tới 9 phi đội, nhiều chiến hạm trang bị tên lửa dẫn đường, một hay hai tàu ngầm nguyên tử và một tàu hậu cần.

Từ năm ngoái đến nay, quan hệ quốc phòng Mỹ Úc đã tăng tiến rõ nét, mà cụ thể nhất là chuyến công du vào tháng 11 năm ngoái của tổng thống Mỹ Barack Obama. Vào khi ấy, lãnh đạo Hoa Kỳ đã loan báo quyết định tăng cường sự hiên diện quân sự của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương, một biện pháp được giới quan sát cho là để đối phó với các tham vọng khu vực của Trung Quốc.

Một ví dụ điển hình là quyết định được ông Obama đã loan báo là việc cử 2500 lính thủy quân lục chiến Mỹ đến căn cứ Darwin ở miền Bắc Úc. Tháng Tư vừa qua, các đơn vị đầu tiên trong số 2500 quân này đã đến nơi.

Đến đầu tháng sáu, Bộ trưởng Quốc phòng, Leon Panetta, đã thông báo việc tăng cường lực lượng hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương từ nay đến năm 2020 theo chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ là tập trung vào châu Á.

Các quyết định của Mỹ đã khiến Trung Quốc hết sức bực bội, nhưng lại góp phần làm các nước khác trong vùng yên tâm hơn, đặc biệt là các quốc gia đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.

Riêng đối với Úc, nước này một mặt vẫn ủng hộ đồng minh lâu đời là Hoa Kỳ, nhưng một mặt khác cũng tránh làm phiền Trung Quốc, đối tác kinh tế quan trong của mình. Điều đó, theo hãng tin Pháp AFP, có thể giải thích phản ứng lạnh nhạt của Úc trước đê nghị được nêu lên trong bản báo cáo của Trung tâm CSIS.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.