Vào nội dung chính
KHOA HỌC

Robot Curiosity sẽ đáp xuống sao Hỏa ngày 6/8

Trên nguyên tắc, ngày mai 06/08/2012, sau khi vượt qua đoạn đường dài 570 triệu km, robot Curiosity của Mỹ sẽ đáp xuống sao Hỏa vào lúc 5 giờ 31 phút, giờ quốc tế, để thực hiện một nhiệm vụ khoa học rất quan trọng nhằm xác định xem trước đây trên hành tinh này đã có sự sống hay không.

Mô hình robot Curiosity dự kiến sẽ hạ xuống bề mặt sao Hỏa vào ngày 6/8/2012.
Mô hình robot Curiosity dự kiến sẽ hạ xuống bề mặt sao Hỏa vào ngày 6/8/2012. REUTERS/NASA-JPL/Handout
Quảng cáo

Được phóng lên từ Cap Canareval ở bang Florida từ ngày 26/11 năm 2011, Curiosity là thiết bị thăm dò tự hành lớn nhất ( 900 kg ) và tinh vi nhất được đưa lên một hành tinh khác từ trước đến nay. Theo lời ông John Logsdon, cựu giám đốc Viện Chính sách Không gian ở Washington, đây là chuyến thăm dò quan trọng nhất về sao Hỏa.

Ông giải thích với AFP rằng, đây là chuyến cuối cùng trong khuôn khổ chiến lược được thông qua cách đây 10 năm nhằm tìm dấu vết của nước trên sao Hỏa, để qua đó biết được là trước đây trên hành tinh này đã có sự sống hay không, trước khi lấy các mẫu đất đá đưa về Trái đất.

Trong chuyến thăm dò dự kiến kéo dài trong hai năm Trất đất ( tức là một năm sao Hỏa ), robot Curiosity, sử dụng nguồn năng lượng từ một máy phát điện hạt nhân, sẽ cố khám phá xem môi truờng của sao Hỏa có đã từng là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật hay không. Đối với ông Bill Nyers, chủ tịch của hội Planetary Society, một cơ quan hoạt động thúc đẩy thăm dò không gian, chuyến du hành của Curiosity có thể sẽ làm thay đổi cách nhìn của chúng ta về vũ trụ.

Robot này được trang bị các camera độ phân giải cao và một máy laser có thể nghiên cứu các mục tiêu xa đến 7 mét. Các dụng cụ khác của robot sẽ tìm kiếm những phân tử methane, chất khí thường có liên hệ với sự sống, đã từng được một phi thuyền của Mỹ phát hiện trước đây. Robot Curiosity cũng có thể sẽ lấy các mẫu đầt đá sao Hỏa để phân tích.

Ngay từ năm 1960, con người đã tìm cách chinh phục sao Hỏa, nhưng trong 14 chuyến bay thăm dò, chỉ có phân nữa là thành công. Nước đầu tiên muốn đặt một thiết bị thăm dò tự hành lên hành tinh đỏ là Liên Xô vào năm 1960, nhưng Liên Xô, rồi sau đó đến Nga lần nào cũng thất bại. Chỉ có Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất cho tới nay đã thám hiểm được sao Hỏa, với 6 máy thăm dò, máy cuối cùng là Phoenix vào tháng 05/2008.

Ngoài 14 chuyến bay nhằm đặt tàu thăm dò tự hành lên mặt sao Hỏa, đã có 29 chuyến bay khác nhằm đặt phi thuyền trên quỹ đạo sao Hỏa hoặc bay bên trên hành tinh đỏ, nhưng trong việc này, tỷ lệ thất bại cũng rất cao. Hiện chỉ có ba phi thuyền còn bay trên quỹ đạo sao Hỏa, gồm hai của Mỹ ( Mars Odyssey và Mars Reconnaissance Orbiter ) và một của châu Âu ( Mars Express ). Lần này, Mars Express sẽ trợ giúp cơ quan NASA trong việc đặt máy thăm dò Curiosity lên sao Hỏa.

Ngay khi Curiosity chạm mặt sao Hỏa, tín hiệu do Mars Express ghi được sẽ được truyền về Trái đất. Nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp,các thông tin do Marx Express ghi được sẽ giúp cho các nhà khoa học đào sâu những kiến thức về bầu khí quyển của hành tinh đỏ. Ngược lại, nếu chuyến thăm dò này thất bại, những dữ liệu ghi được sẽ giúp cơ quan NASA phân tích được những nguyên nhân thất bại và qua đó cải tiến việc chuẩn bị cho những chuyến thăm dò sau này.

Riêng đối với nước Pháp, chuyến thăm dò của robot Curiosity cũng rất quan trọng vì lần đầu tiên một phần chuyến thám hiểm sao Hỏa sẽ được điều khiển từ Pháp. Cụ thể, một êkíp các kỹ sư và nhà khoa học Pháp từ thành phố Toulouse sẽ điều khiển hai dụng cụ mà robot Curiosity mang theo, trong đó có ChemCam (Chemicel Camera). Dụng cụ này có thể tiến hành phân tích sơ bộ kết cấu đá và đất chung quanh robot Curiosity và từ kết quả phân tích này, các nhà khoa học sẽ hướng robot đến những mục tiêu mà họ sẽ chọn để phân tích sâu hơn.

Nhưng đi vào khí quyển sao Hỏa và đáp lên hành tinh đỏ này là một việc rất gay go đối với robot Curiosity, thậm chí đây được coi là nhiệm vụ khó khăn nhất đối với cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA trong lịch sử thăm dò các hành tinh bằng robot.

Như đã nói ở trên, Curiosity là robot nặng hơn các robot trước đây, quá nặng để có thể dùng các túi khí để giảm nhẹ mức độ va chạm của robot này vào mặt sao Hỏa. Thành ra các kỹ sư phải chế một loại dù đặc biệt cho Curiosity để robot đáp xuống nhẹ nhàng, an toàn. Nhưng trước khi đó, tàu thăm dò sẽ hạ cánh xuống sao Hỏa với tốc độ chóng mặt, với vận tốc sẽ giảm từ 21.243 km/giờ, xuống còn 2,74km/giờ.

Cho nên, thật dễ hiểu là các kỹ sư, nhà khoa học của cơ quan NASA cũng như ở Toulouse đang nín thở chờ đợi giây phút mà Curiosity chạm bề mặt sao Hỏa, ai cũng lo là chuyến thăm dò này sẽ gặp trục trặc vào giờ chót.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.