Vào nội dung chính
NGA - NHÂN QUYỀN

Nga tiếp tục duy trì hệ thống trại lao cải thời Liên Xô

Nhân ngày kết thúc phiên tòa xử ba nghệ sĩ Nga Pussy Riot, bị kêu án 3 năm tù cải tạo, vì tội hát bài báng bổ tổng thống Putin, báo chí Pháp có nhiều bài viết về hệ thống các trại cải tạo ở Nga, nơi các nghệ sĩ đấu tranh cho tự do ngôn luận này có thể sẽ bị lưu đày.

Các tù nhân tại một trại cải tạo ở Siberia.
Các tù nhân tại một trại cải tạo ở Siberia. Reuters
Quảng cáo

Bài « Các ‘‘trại cải tạo’’ Nga » trên tờ La Croix cho biết, với gần 900.000 tù nhân Nga đứng hàng đầu về số lượng người bị giam giữ, tuy nhiên có một điều đáng ngạc nhiên là, tại đất nước này chỉ có… 7 nhà tù. Ngoài các tù nhân bị giam trong 7 nhà tù kể trên, khoảng 700.000 tù nhân của nước Nga sống trong 750 « khu trại cải tạo » nằm ở các vùng nông thôn.

Theo nhà bảo vệ nhân quyền nổi tiếng Lev Ponomarev, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Bảo vệ quyền của các tù nhân, « các trại cải tạo này chính là nhà tù ». Một số lớn các trại cải tạo hiện nay kế thừa các « gouglag » - tên gọi tắt để chỉ hệ thống trại cải tạo lao động cưỡng bức thời Xô Viết. Bên cạnh đó, các trại cải tạo mới cũng đều tuân theo cùng một chủ trương : cô lập người tù, ép họ phải sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã, chủ yếu là để hạ nhục họ… Cũng theo nhà hoạt động nhân quyền kể trên, dù có một số thay đổi trong các trại cải tạo sau khi Liên Xô sụp đổ, nhưng tình trạng ở đây còn tệ hơn cả thời Brejnev, vì tham nhũng và tình trạng vô kỷ luật hiện nay còn nghiêm trọng hơn.

Thông tín viên của La Croix cho biết, 700.000 tù nhân trong các trại cải tạo, bên cạnh hệ thống quản lý nhà tù, còn phải phục tùng các « blatnye », tức các « thủ lĩnh danh dự », điều hành một hệ thống tổ chức không chính thức ở bên trong các trại cải tạo. Ở dưới cùng của hệ thống không chính thức này là các « opouchtchenniya », bị đối xử như các nô lệ, phải thường xuyên hầu hạ các thủ lĩnh.

Về số phận của các nữ tù cải tạo, bài « Trong các trại tù Nga » trên báo Libération cho biết, có khoảng 47.200 phụ nữ bị giam giữ tại 46 trại. Có thể chia các trại ra làm hai loại, cả đối với nam, cũng như với nữ. Thứ nhất là « trại nhà ở », có nghĩa là nơi các tù nhân sống và làm việc trong một khu vực dân cư nhất định, mặc dù không được ra khỏi nơi này, nhưng ở đây họ không bị quản thúc gắt gao. Ngược lại, trong các trại thuộc nhóm thứ hai mang tên « chế độ bình thường », nơi tù nhân thường bị theo dõi và trừng phạt nặng nề.

Trại cải tạo Nga là nơi bẻ gẫy ý chí và hạ nhục tù nhân

Theo một nhân chứng nguyên là cựu tù nhân, các mô tả của nhà văn Nga Soljenietsyne trong cuốn « Một ngày của Ivan Denissovitch », về « goulag » Nga, nay vẫn còn nguyên giá trị. Ở trại cải tạo, tù nhân phải làm việc ngoài trời, mùa đông với nhiệt độ -30°C, cũng như mùa hè 40°C. Phụ nữ mang đồng phục, đặc biệt là cấm mang quần áo ấm nào khác, ngoại trừ một chiếc áo khoác ngắn có lót bông do nhà tù cung cấp...

Nhìn chung, theo ông Valery Choukhardine, phụ trách pháp lý của một hiệp hội bảo vệ nhân quyền, cho dù mang tên « trại cải tạo », các cơ sở giam giữ này không thực sự giúp đỡ những người phạm pháp cải tạo thực sự. Ở đây, người ta không giáo dục lại, mà người ta bẻ gẫy tù nhân. Trong cuộc sống hàng ngày, người tù buộc phải tuân thủ các lề luật do các tay anh chị đặt ra.

Theo Le Figaro, các tù nhân nữ đặc biệt bị ban quản lý trại chiếm đoạt tiền bạc, vì phụ nữ thường không dám chống lại công khai. Trong lịch sử, chỉ có các tù nhân chính trị là nổi tiếng với tinh thần không khuất phục. Cách đây ba thập kỷ, như mô tả của nhà ly khai thời Xô Viết Irina Ratouchinskaya, trong cuốn « Màu xám là màu hy vọng » : « Chúng tôi sống đằng sau giây thép gai, người ta đã tước đi của chúng tôi mọi thứ, người ta đã tách chúng tôi ra khỏi bạn bè, gia đình, nhưng chừng nào chúng tôi không tham gia (vào hệ thống này), chúng tôi là người tự do ».

Le Figaro kết luận, gần 30 năm sau, các nghệ sĩ nhóm Pussy Riot cũng thể hiện một sự không khuất phục tương tự. Vào ngày cuối của phiên tòa, nghệ sĩ Nadejda Tolokonnikova, 22 tuổi, đã nói với các thẩm phán : « Đằng sau vành móng ngựa, nhưng chúng tôi - các bị cáo - còn tự do hơn là các vị - những người xét xử chúng tôi ».

Khủng hoảng Syria có thể lan sang Liban

Về cuộc khủng hoảng Syria đang tiếp tục căng thẳng, đặc biệt với các cuộc tấn công của quân chính phủ vào vị trí quân nổi dậy ở Alep, Le Figaro ghi nhận ảnh hưởng của các xung đột tại Syria với bạo lực ở nước láng giềng Liban qua bài “Khủng hoảng Syria thổi bùng ngọn lửa ở Liban”, với thông tin về hàng loạt vụ bắt cóc để trả đũa, tiếp theo vụ lực lượng quân nổi dậy bắt một người Liban, bị kết tội sang Syria tham chiến bên cạnh quân đội của chế độ al-Assad.

Để trả đũa, một nhóm Liban đã bắt cóc 33 người Syria và một người Thổ Nhĩ Kỳ ngày hôm qua. Trước đó, vào ngày thứ Tư, thân nhân của 11 người Liban khác, theo hệ phái Shia, bị bắt cóc trước đây ở Alep, đã biểu tình tại thủ đô Liban, sau khi truyền hình địa phương đưa tin các con tin bị thiệt mạng trong các trận ném bom của quân chính phủ Syria. Những người biểu tình đốt lốp xe và chặn đường dẫn đến sân bay quốc tế.

Các vụ bắt con tin mới đây khiến quốc tế lo ngại chiến sự Syria sẽ lan sang Liban, nơi có một chính phủ al-Assad. Cho đến nay, Liban, khác với các nước trong khu vực, có một chính sách có khoảng cách với cuộc xung đột tại Syria.

Syria : Mỹ có thể gửi hơn 50.000 quân bảo vệ các kho vũ khí hóa-sinh

Cũng theo Le Figaro, ngày hôm qua, thứ Năm 16/08, các giới chức Hoa Kỳ cho hay, để ngăn chặn các nguy cơ vũ khí hóa học và sinh học bị sử dụng bừa bãi, với sự sụp đổ của chính quyền al-Assad, Hoa Kỳ và các đồng minh có thể bàn về việc đưa từ 50.000 đến 60.000 binh sĩ tới Syria để bảo vệ các kho vũ khí hóa-sinh học.

Khô hạn : tài chính hóa các thị trường hàng hóa cơ bản khiến giá lương thực tăng vọt

Giá lương thực tăng cao là chủ đề chính trên trang nhất của Libération. Bài xã luận của Libération mang hàng tựa “Dust bowl”, để so sánh mùa khô hạn hiện nay với giai đoạn đói kém đặc biệt nghiêm trọng ở Mỹ và Canada trong thập niên 1930. Dự kiến thu hoạch ngô và đậu tương năm nay giảm hơn 10% ; 53% diện tích lãnh thổ của Mỹ bị hạn hán tác động. Khô hạn làm thiệt hại đến Mỹ, quốc gia xuất khẩu lương thực hàng đầu, khiến giá cả lương thực trên thế giới tăng vùn vụt.

Trong hồ sơ về khô hạn và giá lương thực, Libération nhấn mạnh đến nạn đầu cơ, như là một nguyên nhân chủ yếu của việc giá cả tăng vọt.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Libération, nhà kinh tế David Bicchetti, làm việc cho Liên Hiệp Quốc, tác giả một báo cáo về hiện tượng “tài chính hóa các thị trường hàng ‘‘commodité’’ (bao gồm dầu mỏ, ngô, đậu tương, đường, lúa mì và gia súc)”, đưa ra các nhận định đáng chú ý. Bình thường thì giá cả được thỏa thuận giữa các nhà sản xuất và các tổ chức tiêu thụ, tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là từ cuối năm 2008, việc các nhà đầu cơ có mặt rất đông đảo trong số các bên tham gia định giá các mặt hàng cơ bản kể trên khiếncho giá cả các mặt hàng khác nhau biến động cùng lúc và rất nhanh chóng, khiến giá cả của nhiều mặt hàng, trong đó có các lương thực bốc lên quá cao, hoàn toàn không tương ứng với tương quan cung – cầu trên thực tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.

Cuộc đọ sức pháp lý giữa hai tập đoàn điện tử Samsung và Apple

Vẫn trong lĩnh vực kinh tế, vụ kiện cáo lẫn nhau giữa hai tập đoàn máy tính khổng lồ Samsung và Apple được Le Monde đặc biệt quan tâm với hồ sơ trên trang nhất : “Samsung chống Apple : cuộc đọ sức trên mặt trận máy tính bảng”.

Xin nhắc lại là, từ 30/07/2012, tập đoàn Mỹ Apple kiện tập đoàn Hàn Quốc Samsung ra trước tòa án Califonia vì sao chép các máy smartphone và máy tính bảng của công ty Mỹ, trong lúc tập đoàn Hàn Quốc vừa tung ra thị trường máy tính bảng mới mang nhãn hiệu Galaxy Note 10.1.

Hiện tại, Samsung đứng đầu về điện thoại di động và smartphone, trong khi Apple nắm đến gần 70% thị phần máy tính bảng toàn cầu, với sản phẩm mới kể trên, Samsung hy vọng vọt lên giảm khoảng cách trong một thị trường gần như chịu sự chi phối hoàn toàn của Apple, kể từ khi iPad được tung ra vào năm 2010.

Apple buộc tội Samsung sao chép hình thức và các chức năng của iPhone và iPad, và yêu cầu 2,5 tỷ đô la tiền phạt, tương đương với 31 đô la/một máy bán được và hy vọng tòa cấm bán các máy tính bảng và smartphone Galaxy tại Mỹ. Ngược lại, Samsung cũng kiện ngược lại Apple vi phạm bản quyền, với khoản tiền phạt 14 đô la/một máy bán được.

Hiện tại tòa chưa ra phán quyết. Nếu Samsung thua cuộc, hãng này buộc phải thay đổi một số chức năng trong các máy tính, khiến cho các sản phẩm kém hấp dẫn hơn. Ngược lại, nếu bị thua Apple phải xem xét lại chiến lược kiện tụng của mình.

Bất luận kết quả thế nào, phán quyết của tòa án sẽ có một ảnh hưởng quan trọng đối với cả hai phía.Trong giai đoạn chờ đợi, ngày 15/08, thẩm phán phiên tòa đã đề nghị hai bên đàm phán để tìm ra một thỏa hiệp có lợi cho hai bên, trước khi phiên tòa kết thúc.

Khả năng thỏa hiệp không phải là không có, bởi như Le Monde cho biết, hai tập đoàn máy tính khổng lồ này vừa là đối thủ, nhưng cũng lại là bạn hàng. Apple là khách hàng số một của Samsung, với các đơn đặt hàng trị giá 8,8% thu nhập của Samsung, với khoảng 7,5 tỷ đô la đơn đặt hàng trong năm ngoái. Theo nhiều nhà phân tích, Apple khó thay được ngay lập tức nhà cung cấp linh kiện, bởi vì nếu ngưng nhập hàng từ Samsung, thì Apple sẽ bị mất thị phần trong cuộc cạnh tranh điện thoại di động. Trong khi đó, như một điều trớ trêu của lịch sử, chính các đơn đặt hàng của Apple lại giúp cho Samsung đầu tư ồ ạt vào thị trường smartphone, là thị trường mà hãng máy tính Hàn Quốc đang dẫn đầu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.