Vào nội dung chính
TÂY BAN NHA

Hàng ngàn người biểu tình chống chính sách khắc khổ

Theo AFP, hôm nay 15/09/2012, hàng chục ngàn người từ khắp các tỉnh thành đã tập hợp tại thủ đô Tây Ban Nha để phản đối chính sách khắc khổ của chính phủ. Cuộc biểu tình lần này được tổ chức bởi hai nghiệp đoàn lớn nhất là UGT và CCOO, trong khi đó hơn 150 nghiệp đoàn khác đang nhóm họp để bàn về các chính sách thắt lưng buộc bụng.

Người biểu tình đang thất nghiệp hay đi làm đều tập hợp ở thủ đô Madrid (REUTERS)
Người biểu tình đang thất nghiệp hay đi làm đều tập hợp ở thủ đô Madrid (REUTERS)
Quảng cáo

Từ sáng sớm, hàng ngàn người biểu tình đã tràn ngập các đại lộ ở trung tâm thủ đô Madrid. Thành phần tham gia rất đa dạng : giáo chức, phụ huynh, học sinh, nhân viên ngành y tế, công chức, giới văn nghệ sĩ, những người lớn tuổi và người sống phụ thuộc.

Đoàn người này sau đó được bổ sung bằng những dòng người đến từ khắp nơi trên đất nước Tây Ban Nha. Đến giữa trưa, dòng người biểu tình tập trung tại quảng trường Colon trung tâm Madrid để nghe các lãnh đạo nghiệp đoàn phát biểu. Cạnh đó là trụ sở của Đảng Nhân Dân cầm quyền. Chính quyền đã có sự chuẩn bị trước, cảnh sát đã được triển khai dày đặc để bào vệ trụ sở này.

Những người biểu tình phản đối chính sách khắc khổ của chính phủ với khẩu hiệu là : «Họ muốn làm suy tàn đất nước, cần phải ngăn chặn họ ». Một quan chức của một trong hai nghiệp đoàn tổ chức cuộc tập hợp hôm nay tuyên bố : «Chúng tôi muốn tuyên bố rõ ràng với chính phủ rằng chúng tôi không đồng ý, chính sách của chính phủ gây quá nhiều thiệt hại, chúng tôi không thể nào chịu đựng nổi ». Người biểu tình cho rằng sẽ có giải pháp khác hữu hiệu hơn là chính sách khắc khổ để phải cắt giảm tiền lương, cắt giảm phúc lợi xã hội và tăng thuế.

Tại Tây Ban Nha chính phủ đã tăng nhiều loại thuế, cắt giảm nhiều phúc lợi trong đó có cắt cả tiền thưởng Noel của công chức. Mục tiêu của chính phủ là kiếm tiền bù đắp thâm thủng ngân sách. Năm 2011, thâm hụt công của Tây Ban Nha đạt 8,9% GDP. Chính phủ Tây Ban Nha đặt chỉ tiêu giảm con số này xuống còn 6,3% trong năm nay, 4,5% cho năm tới và 2,8% cho năm 2014.

Thế nhưng, theo AFP, những biện pháp khắc khổ mà chính phủ Tây Ban Nha thực hiện có lẽ là chưa đủ, và nước này có thể phải yêu cầu các nước Châu Âu khác tiếp tục hỗ trợ tài chính. Và nếu như vậy, thì chính sách khắc khổ sẽ được chính phủ siết chặt hơn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.