Vào nội dung chính
TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG

Oxfam cảnh báo tình trạng trưng mua đất nông nghiệp tràn lan trên thế giới

Trong vòng mười năm qua, các nước nghèo đã bán cho các nhà đầu tư ngoại quốc một diện tích đất đai có thể dùng vào sản xuất nông nghiệp đủ nuôi sống một tỷ người, tương đương với số người trên toàn cầu đang vẫn đang bị đói ăn hàng ngày. Trên đây là cảnh báo của tổ chức phi chính phủ chống bất công và nghèo đói Oxfam, trong báo cáo mang tiêu đề « Đất của ta, sự sống của ta » vừa công bố đầu tháng 10 này.

Cảnh sát cơ động được điều đến tham gia cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang, Hải Hưng ngày 24/04/2012.
Cảnh sát cơ động được điều đến tham gia cưỡng chế thu hồi đất tại Văn Giang, Hải Hưng ngày 24/04/2012. REUTERS/Stringer
Quảng cáo

Những dòng đầu tiên của bản báo nêu rõ : « Chuyện các cộng đồng dân cư bị cưỡng chế đuổi ra khỏi mảnh đất của mình, thường là diễn ra trong sự đe dọa của súng đạn, rơi vào cảnh bần cùng không nuôi sống nổi gia đình mình giờ đây đã trở nên quá phổ biến. Quy mô và tiến độ của các vụ trưng thu đất đai trên phạm vi thế giới ngày càng lớn hơn. Nhiều dữ liệu cụ thể đã cho thấy hiện tượng đổ xô nhau đi tìm đất đang không còn kiểm sóat được ». Hiện tượng này đang gây tác động không nhỏ lên các cộng đồng dân cư mất đất.

Oxfam cho biết trong vòng 10 năm qua tiến độ trưng mua đất đai trên tòan thế giới đang diễn ra với một tốc độ nhanh chóng. Một diện tích đất tương đương với 8 lần diện tích của nước Anh đã bị bán cho các nhà đầu tư trên khắp thế giới để phục vụ cho các dự án công nghiệp. Quỹ đất này, theo tính toán của các nhà khoa học, lẽ ra có thể dùng vào sản xuất nông nghiệp để nuôi sống một tỷ miệng ăn của thế giới, trong khi đó tổ chức Nông Lương Thế giới FAO vừa cho biết số 1/8 dân số thế giới vẫn đang bị đói ăn trầm trọng.

Theo điều tra của Oxfam, cứ 6 ngày, ở các nước nghèo các nhà đầu tư ngoại quốc lại trưng mua một diện tích đất rộng bằng cả thủ đô Luân Đôn, tức là vào khoảng trên 150 nghìn ha. Đáng chú ý là tốc độ vơ vét đất đai chủ yếu diễn ra với tốc độ cao ở các nước mà nạn đói nghèo vẫn còn phổ biến.

Thí dụ như ở Liberia, quốc gia châu Phi này năm 2003 mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài 20 năm, nhưng chỉ trong vòng 5 năm, 30% diện tích của đất nước này đã được đem bán cho các nhà đầu tư. Còn ở Cam Bốt, các chuyên gia của Oxfam đánh giá có khoảng từ 56 đến 63% diện tích đất đai canh tác đã được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư dùng vào mục đích phi nông nghiệp như, xây dựng khu công nghiệp, sân gôn hay dự án bất động sản.

Báo cáo của Oxfam cũng nhận thấy một nguyên nhân khác dẫn đến thu mua đất đai đẩy mạnh hơn, đó là giá lương thực thế giới tăng mạnh. Các vụ chuyển nhượng đất đai trên thế giới đã tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến 2009, đây là thời điểm giá lương thực thực phẩm như lúa mì, ngô gạo trên thế giới đạt mức kỷ lục.

Tình trạng trưng mua làm thu hẹp diện tích dành cho sản xuất nông nghiệp sẽ còn dẫn tới việc đẩy giá lương thực phẩm thế giới lên cao trong thời gian tới. Ngoài ra các vụ mua bán chuyển nhượng đất cát đang phát triển mạnh ở các nước nghèo còn làm nảy sinh hiện tượng cưỡng chế tước đọat quyền sở hữu của nông dân, dẫn đến những hệ lụy xã hội nghiêm trọng.

Trước tình trạng thu mua vơ vét đất đai trên thế giới đang diễn ra không kiểm soát được, Oxfam kêu gọi cần phải có « những biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn một làn sóng lũng đọan chiếm đoạt đất đai » có thể bùng nổ trong tương lai gần.

Ngân hàng Thế giới phải có biện pháp

Theo tổ chức phi chính phủ này, Ngân hàng thế giới, định chế quốc tế đưa ra các chuẩn mực, đồng thời bản thân cũng chính là nhà đầu tư chủ chốt, phải cho ngừng việc đầu tư vào lĩnh vực mua bán đất. Trong quá khứ, Ngân hàng Thế giới cũng đã có lần ngừng cho vay vào các dự án không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đầu tư. Đó là những dự án có thể kéo theo tình trạng trưng thu đất đai gây nhiều thiệt hại cho người nông dân.

Trước mắt, Oxfam đề nghị Ngân hàng Thế giới phải thống nhất « phong tỏa trong vòng 6 tháng các dự án đầu tư trong khu vực đất nông nghiệp » của những nước đang phát triển. Đây là thời gian để định chế quốc tế sọan thảo ban hành «các biện pháp quản chặt hơn để phòng chống lại việc lũng đoạn vơ vét đất ». Ông Jeremy Hobbs, Tổng giám đốc Oxfam cho biết « Ngân hàng Thế giới là cơ quan có vai trò tốt nhất để có thể tránh được hiện tượng này không trở thành một trong những bê bối lớn nhất của thế kỷ 21 ».

Ông cũng hy vọng nhân hội nghị thương niên diễn ra tại Tokyo từ 12 đến 14 tháng 10 này, Ngân hàng Thế giới sẽ đưa ra những tín hiệu mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư trên tòan thế giới để chấm dứt tình trạng lũng đọan thu mua đất đai ». Đồng thời định chế tài chính này cũng sẽ theo dõi sát sao hơn để việc chuyển nhượng đất được diễn ra một cách minh bạch và thỏa dáng với cộng đồng dân cư có liên quan.

Ngoài ra Oxfam cũng đưa ra những khuyến nghị giải pháp cho các quốc gia để bảo vệ và quản lý nguồn tài nguyên đất đai của mình như bảo đảm quyền về đất đai và quản lý tốt đất đất đai, minh bạch trong các dự án mua bán chuyển nhượng sử dụng đất đai.

Theo Oxfam thì ở các nước đang phát triển, cộng đồng dân cư vẫn bị thiếu các quyền sở hữu đất được chính phủ thừa nhận. Đây là điều dẫn đến sự bất ổn về chế độ đất đai. Theo các chuyên gia thì chỉ cần một sự diễn giải hạn hẹp luật, văn bản pháp lý mập mờ hoặc mâu thuẫn nhau là các chính phủ và các nhà đầu tư có thể đẩy những người đang sử dụng đất ở địa phương trở thành những người « chiếm dụng trái phép » và họ sẽ không được hưởng một quyền lợi gì như thỏa thuận hay đền bù. Bên cạnh đó ở nhiều nơi các công cụ pháp lý lại không được áp dụng đầy đủ.

Báo cáo của Oxfam kết luận : « Đã đến lúc phải làm dừng lại tình trạng thu mua vơ vét đất đai tràn lan không kiểm sóat. Tình trạng đổ xô đi kiếm đất không có dấu hiệu gì lắng xuống. Theo nhiều dự báo, áp lực thương mại đối với đất đai vẫn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới ». Nếu các chính phủ không quyết tâm và không có khả năng quản lý nguồn tài nguyên đất đai thì mọi cố gắng xóa đói giảm nghèo sẽ trở nên vô hiệu, đồng thời những bất ổn xã hội là điều không thể tránh khỏi.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.