Vào nội dung chính
PHỎNG VẤN - BẦU CỬ Ý

Trước mùa tranh cử Ý 2013 : khủng hoảng của các đảng phái chính trị

Trước ngưỡng cửa cuộc tranh cử Quốc hội Ý, với cuộc bỏ phiếu dự kiến vào tháng 4/2013, chính trường Ý đang ở trong tình trạng khủng hoảng nặng nề. Hiện tại, theo nhận định của các nhà chuyên môn, không có đảng phái nào có được đủ ủng hộ của cử tri để có được đa số phiếu tại Quốc hội.

Biểu tình phản đối chính phủ Mario Monti  cắt giảm ngân sách công, 28/09/2012.
Biểu tình phản đối chính phủ Mario Monti cắt giảm ngân sách công, 28/09/2012. REUTERS/Tony Gentile
Quảng cáo

Cuối tháng 9/2012, Thủ tướng chính phủ kỹ trị Mario Monti bất ngờ tuyên bố có thể sẽ trở lại chính trường. Tuy nhiên, công luận Ý có vẻ như không mấy tin tưởng vào các đảng phái chính trị, vì nạn tham nhũng hoành hành và Quốc hội cho đến nay vẫn chưa ra được luật chống tham nhũng.

07:24

Thông tín viên Huê Đăng (Roma)

Thông tín viên Huê Đăng tường trình từ Roma.

Tình hình chính trị nước Ý trước mùa tranh cử Quốc hội 2013

Hồi tháng 11 năm ngoái khi nước Ý đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ nhà nước, và dưới áp lực của Châu Âu, điển hình là của Đức và Pháp, Thủ tướng Berlusconi lúc đó phải từ chức để nhường chổ cho Mario Monti đứng ra thành lập chính phủ kỹ trị. Vào thời điểm đó, khủng hoảng kinh tế tài chánh Châu Âu đang trong giai đoạn cao điểm và sinh mạng của đồng tiền Euro như mành treo sợi tóc, thị trường tài chánh quốc tế mất niềm tin vào nền kinh tế của Ý khiến con số sai biệt giữa công trái phiếu nhà nước của Đức và của Ý chênh lệch lên đến hơn 500 điểm. Trước tình cảnh dầu sôi lửa bỏng như thế công luận cho rằng nguy cơ lớn nhất mà nước Ý sẽ phải đương đầu trong những năm sắp tới là sự khủng hoảng của nền kinh tế tài chánh và của hệ thống kinh tế sản xuất của Ý.

May mắn là cho đến nay, tức là sau non một năm dưới sự điều hành của chính phủ kỹ trị Mario Monti, tình hình kinh tế tài chánh của Ý, dù rằng chưa qua cơn khủng hoảng, nhưng những triệu chứng cấp tính như nguy cơ vỡ nợ nhà nước phần nào cũng đã được tạm lắng xuống, con số sai biệt giữa công trái phiếu nhà nước của Đức và của Ý đã giảm xuống còn khoảng 350-400 điểm... Nnhưng song song đó công luận Ý nhận thức được rằng sau lưng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh có tính cấp tính như đã thấy ... lại có một cuộc khủng hoảng khác trầm trọng hơn, không chỉ mang tính cấp tính mà có dấu hiệu khủng hoảng mang tính cấu trúc với những hệ lụy lâu dài. Đó là cuộc khủng hoảng của các lực lượng đảng phái chính trị của nước Ý.

Thủ tướng kỹ trị Monti tuyên bố có thể trở lại nắm quyền

Như ta đã biết là chính phủ Mario Monti là chính phủ kỹ trị được thiết lập trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của nước Ý hồi tháng 11 năm ngoái và trong tình trạng khủng hoảng chính trị của các đảng pháo, do đó, điểm then chốt là trong Hội Đồng Bộ Trưởng không có sự tham gia trực tiếp của bất kỳ một nhân vật chính trị của bất cứ một lực lượng đảng phái nào cả, mà các đảng phái chỉ giữ vai trò liên minh đa số trong Quốc hội để thông qua những quyết định của Chính phủ.

Dù rằng sự ra đời của chính phủ kỹ trị Mario Monti là một yêu cầu bức thiết để cứu vản nước Ý, nhưng tự nó cũng đã gián tiếp minh chứng cho sự khủng hoảng của các đảng phái, và điều này cũng đã khiến cho hầu như toàn bộ các đảng phái bị “dị ứng” với chính phủ kỹ trị, hay nói riêng là dị ứng với Mario Monti.

Cho đến khoảng trước hè năm nay, Thủ tướng Mario Monti đã nhiều lần khẳng định rằng sau khi mãn nhiệm kỳ vào mùa xuân năm 2013 ông ta không có ý muốn tiếp tục nằm giữ quyền hành. Và điều này được hiểu như là một dấu hiệu của Mario Monti nhằm trấn an các lực lượng chính trị, để các lực lượng chính trị tiếp tục hy vọng sẽ trở lại nắm quyền hành pháp sau mùa bầu cử Quốc hội năm tới.

Nhưng hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Mario Monti đã tuyên bố rằng: “nếu tình hình đất nước đòi hỏi, ông ta khong loại trừ khả năng sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò trọng trách cần thiết để cứu vãn nước Ý”. Dĩ nhiên tuyên bố trên đã gây ra tranh cãi sôi nổi trong chính trường Ý. Hiện nay, các lực lượng trung dung, và thậm chí đến cả lực lượng trung hữu như đảng của Berlusconi cũng ít nhiều ủng hộ “sáng kiến mới” của Mario Monti. Thậm chí, một số đảng phái trung hữu còn đưa ra những mô hình chính phủ trong đó Mario Monti sẽ tập hợp các lực lượng chính trị trung hữu và một số lực lượng tư sản để tiếp tục con đường cứu vãn nước Ý. Trong khi đó, các lực lượng trung tả, và nhất là các lực lượng tả khuynh, không tỏ vẻ “mặn mà” hay “hồ hởi” với sáng kiến của Mario Monti. Nhưng điều làm cho các đảng trung tả lo nhất là nếu không tiếp tục ủng hộ Mario Monti, thì vô tình các lực lượng trung tả sẽ tự nhiên đẩy Mario Motni vào vòng ảnh hưởng của trung hữu, và sau đó, các lực lượng trung hữu sẽ tự xưng công rằng chính họ là những lực lượng đã giải cứu nước Ý.

Thực ra thì các tranh cãi trong nội bộ chính trị nước Ý chỉ cho thấy thêm rằng các lực lượng chính trị đang bị khủng hoảng trầm trọng, bởi vì quyết định Mario Monti có thể tiếp tục giữ quyền hành pháp hay không thì cũng còn tùy thuộc vào kết quả bầu cử năm 2013, điều mà cho đến nay chẳng lực lượng nào dự đoán nổi, cũng bởi chính Quốc hội cũng chưa biết là cử tri sẽ đi bầu với luật bầu cử nào, bởi vì luật bầu cử hiện hành đã gây ra những tồi tệ trong Quốc hội, đã cho phép các đảng phái lạm dụng luật bầu cử đưa toàn những tay chân thuộc hạ trung thành với đảng hơn là những người có khả năng và thiện chí.

Trên thực tế, phải hiểu rằng tuyên bố tháng 9 vừa qua của Mario Monti là nhằm bắn tin sang các đồng minh Châu Âu và Mỹ, bởi vì một trong những ẩn số lớn mà các nước Châu Âu và Mỹ lo nhất là liệu đến năm 2013, một chính phủ mới, nếu không có Mario Monti, thậm chí với sự trở lại nắm quyền của các đảng phái, thì chiến lược nhằm củng cố ngân sách nhà nước và giảm nợ liệu có thể được tiếp tục hay không ? Vì chắc chắn là từ đây cho đến mùa xuân năm tới, dù với bao nhiêu cố gắng, chính phủ Mario Monti cũng không thể nào hoàn tất hết chu kỳ cải tổ lại tình hình ngân sách kinh tế tài chánh của Ý cho phù hợp với các yêu cầu của Châu Âu.

Ngay chính bản thân của các lực lượng chính trị, sau gần một năm bị chính phủ kỹ trị đẩy lùi ra khỏi guồng máy quản lý trực tiếp nhà nước, vẫn không đưa ra được một tín hiệu đổi mới nào cả: trong gần một năm, trong khi với lý do tránh vỡ nợ nhà nước, chính phủ đã phải liên tục cắt xén ngân sách dành cho phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục, giao thông, văn hóa... thì chính bản thân của Quốc hội vẫn chưa có khả năng đưa ra một quyết định nào về cắt xén các chi tiêu của chính Quốc hội. Hay trước những vấn nạn tham nhũng hối lộ và biển thủ công quỹ nổ ra ào ào... thì Quốc hội vẫn chưa thông qua được một đề luật để phòng chống tham nhũng.

Một trong những vấn nạn xã hội trầm kha nhất hiện nay của nước Ý là tham nhũng hối lộ và biển thủ công quỹ trong giới lãnh đạo chính trị Ý. Những vụ điều tra của ngành tư pháp hay những khám phá của lực lượng hải quan cho thấy là vấn nạn tham nhũng hối lộ và biển thủ công quỹ xẩy ra hầu như ở mọi khu vực: từ trung ương đến địa phương, từ các lực lượng chính trị hữu khuynh đến tả khuynh, từ phe chính phủ đến các lực lượng đối lập.

Nạn tham nhũng trầm trọng

Thí dụ như vụ thủ quỹ của cựu đảng Hoa Cúc ăn cắp tiền nhà nước trợ cấp cho các đảng để hoạt động chính trị, con số tiền ăn cắp lên đến 23 triệu Euro. Điều ngạc nhiên là do những bất cập trong guồng máy quan liêu hành chánh và những mâu thuẫn của một số luật lệ nhà nước nên phải gọi là “cựu” đảng Hoa Cúc, bởi vì đảng này đã giải thể từ năm 2007... nhưng cho đến đầu năm 2012, khi nổ ra vụ thủ quỹ biển thủ tiền của đảng, đảng này vẫn còn nhận được tiền trợ cấp. Và vị thủ quỹ nói trên, khi bị tố cáo lại có vai trò thượng nghị sĩ của Đảng Dân Chủ, đảng lớn nhất hiện nay trong các lực lượng trung tả của Ý.

Lại phải kể đến vụ tố cáo của tòa án Milano về nghi phạm tham nhũng hối lộ của chính ông Thống đốc của Chính quyền quản trị của vùng Lombardia, vốn là vùng giàu có nhất của nước Ý.

Gần nhất đây là vụ biển thủ công quỹ của ông trưởng nhóm của nhóm Ủy viên của Đảng Tự do, đảng của ông Berlusconi, trong Hội đồng của vùng Lazio, nơi có thủ đô Roma, đã khiến toàn bộ Chính quyền quản trị và Hội đồng vùng Lazio đã phải đi đến giải tán, đưa vùng Lazio vào cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc.

Đó là chưa kể tuần nào báo chí cũng liên tục đưa tin về những vụ tham nhũng hối lộ hay biển thủ công quỹ ở các mức độ thấp địa phương như Hội đồng quản trị thành phố, làng xã... hay những vụ ô dù để đưa người nhà hay bè bạn vào các chức vụ quản trị của các cơ sở trực thuộc vào các Hội đồng quản trị, thí dụ như cơ sở dịch vụ giao thông công cộng, cơ sở cung cấp điện nước, cơ sở quản lý rác thành phố... Những vụ xì-căn-đan ở cấp thấp này nhiều đến nổi công luận cứ xem như là kiểu tin “xe cán chó” !!!

Và tin mới nhất là ngày hôm qua tòa án đã ra lệnh tạm giam một Ủy viên của Hội đồng quản trị vùng Lombardia vì bị tình nghi có dính líu đến những hoạt động mờ ám mua bán phiếu cử tri, do các băng đảng Mafia tổ chức.

Song song với những tệ nạn nói trên, lại có những vụ án to lớn, mang theo những hệ lụy chính trị xã hội sâu sắc, như những vụ án “Rubigate”, là vụ án về nghi phạm “xâm phạm tính dục trẻ vị thành niên” mà nghi can lại chính là cựu Thủ Tướng Berlusconi, hay vụ án đang xét xử về khả năng cựu Thủ tướng Berlusconi có thể bị các phe nhóm băng đảng Mafia gây áp lực trong quá khứ.

Tóm lại là, hầu như không có lực lượng chính trị nào có được khả năng miễn nhiễm vấn nạn tham nhũng hối lộ và biển thủ công quỹ, và bằng cớ là hiện nay đại đa số cử tri Ý đã hoàn toàn mất hết tin tưởng vào các đảng phái chính trị, và hệ lụy trực tiếp của vấn nạn này chính là cao trào của các hiện tượng chống phá và tẩy chai chính trị, mở đường cho những nhóm chính trị có khuynh hướng mị dân và dân túy.

Triển vọng của cuộc tranh cử Quốc hội Ý

Dù rằng cũng còn đến hơn 6 tháng nữa cử tri Ý mới lại đi bầu lại Quốc hội mới, nhưng trên thực tế các đảng phái chính trị đã bắt đầu sôi nổi “dàn binh bố trận” chuẩn bị bước vào mùa tranh cử, và nhất là những cuộc đấu đá nội bộ trong các phe nhóm của các đảng nổ ra như pháo giao thừa... lại càng khiến cho cử tri thêm ngao ngán.

Theo một số dự đoán của các chuyên gia chính trị Ý thì vào kỳ bầu cử năm 2013 sắp tới, đảng thắng cử chính là “đảng không đi bầu”, ám chỉ rằng với cuộc khủng hoảng, niềm tin vào các đảng phái chính trị... thì con số cử tri đi bầu sẽ rất thấp.

Dù rằng đa số công luận cũng chẳng “mặn mà” chi với chính phủ kỹ trị hiện nay của Mario Monti, vốn đang bị quần chúng chỉ trích về những quyết định cắt xén chi tiêu dành cho phúc lợi xã hội, dù rằng các lực lượng chính trị vẫn liên tục tuyên bố sẵn sàng đứng ra gánh vác trách nhiệm quản lý nhà nước sau khi chính phủ Mario Monti sẽ hết nhiệm kỳ vào mùa xuân năm 2013, dù rằng trên lý thuyết ai cũng biết rằng trong một đời sống chính trị bình thường và lành mạnh của một đất nước thì chính phủ kỹ trị chỉ có thể là một giải pháp nhất thời trong cảnh dầu sôi lửa bỏng để rồi sau đó quyền hành lại phải được trao trả về tay các đảng phái chính trị..., thế nhưng hiện nay hầu như cử tri, tả cũng như hữu, đều không có tin tưởng vào các đảng phái chính trị.

Có thể nói là chính những phanh phui gần đây về tham nhũng hối lộ và biển thủ công quỹ đại trà trong giới chính trị đã gián tiếp đẩy mạnh công luận Ý đến khả năng chính phủ kỹ trị có thể sẽ tiếp tục điều hành đất nước, và nhất là càng làm gia tăng thêm sự tin tưởng của cử tri vào nhân vật Mario Monti (theo một số điều tra dư luận, ông Monti được đến hơn 40% người ủng hộ).

Khó có thể nói là sẽ có kịch bản nào trên sân khấu chính trị sau mùa xuân năm tới, bởi vì chính bản thân cử tri cũng chưa biết họ sẽ đi bỏ phiếu với luật bầu cử nào, và tùy theo luật bầu cử, tình hình kết quả tranh cử cũng sẽ thay đổi sâu sắc.

Nhưng có hai điều chắc chắn là :

Thứ nhất là, ông Mario Monti không thể nào “về hưu” ngay được, một phần do tình hình nguy kịch của nước Ý đòi hỏi, và quan trọng nhất là vai trò “người bảo kê” của Mario Monti đối với sân khấu chính trị quốc tế và đối với thị trường kinh tế tài chánh thế giới.

Điều thứ hai là, cựu Thủ tướng ông Berlusconi sẽ không ra tranh cử vào chức vụ Thủ Tướng, bởi vì chính ông ta cũng biết là đảng chính trị của ông ta sẽ thất cử, bởi vì công luận Ý cũng đã ngộ ra được con người thật của ông Berlusconi không phải là làm chính trị, mà tham chính là để bảo vệ các cơ ngơi tài sản kếch xù của ông ta.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.