Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - BẦU CỬ

Bầu cử tại Litva và Cộng hòa Séc : Đảng cầm quyền bị trừng phạt vì chính sách khắc khổ

Một số quốc gia tại châu Âu đã tổ chức bỏ phiếu vào hôm nay, 14/10/2012, như bầu lại Quốc hội ở Litva, Montenegro, hội đồng thành phố và thị xã ở Vương Quốc Bỉ. Riêng Cộng hòa Séc đã bầu lại các hội đồng địa phương và 1/3 Thượng viện trong hai ngày 12-13/10. Kết quả ở Cộng hòa Séc và triển vọng ở Litva cho thấy rõ xu hướng của cử tri muốn trừng phạt các đảng cầm quyền vì chính sách khắc khổ.

Nghị viện Litva
Nghị viện Litva REUTERS
Quảng cáo

Tại Litva, trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm nay, cảnh tả đối lập có triển vọng thắng lợi. Theo giới quan sát, cử tri Litva muốn trừng phạt chính sách khắc khổ được chính quyền cánh hữu của thủ tướng Andrius Kubilius áp dụng. Phe hữu đã lên cầm quyền tại Litva từ 4 năm nay. 

Họ sẽ dồn phiếu cho hai đảng cánh tả - đảng Dân chủ Xã hội của cựu bộ trưởng tài chính Algirdas Butkevicius và đảng Lao động của ông Viktor Uspaskich. 

Nếu kết quả diễn ra đúng như dự đoán, chiếc ghế thủ tướng sẽ về tay ông Butkevicius, liên minh với đảng Lao động. 

Nhưng không phải chỉ có lãnh đạo Litva bị chính sách kinh tế khắc khổ đặt trong thế nguy hiểm, chính quyền một quốc gia châu Âu khác vừa phải trả giá cho chính sách thắt lưng buộc bụng, đó là Cộng hòa Séc. 

Nước này vừa tổ chức bầu cử địa phương và vòng đầu bầu lại 1/3 số ghế trong Thượng viện vào hai ngày 12 và 13/10. 

Theo kết quả dựa trên 99,9% số phiếu đã được kiểm, liên minh trung hữu của thủ tướng Petr Necas đã bị thua đậm. đảng Dân chủ Xã hội CSSD, thuộc phe đối lập cánh tả, đã chiến thắng tại 9 trên tổng số 13 vùng, trong lúc đảng cầm quyền ODS chỉ thắng tại một vùng là Pilsen ở phiá tây. 

Trong vòng đầu bầu lại 1/3 Thượng nghị sĩ, đảng Dân chủ Xã hội đã chiếm ưu thế. Nếu xu hướng tốt vòng đầu được tiếp tục thể hiện nhân vòng hai, thì đảng này sẽ có đại diện tại 23 trên 27 đơn vị được bầu lại, và có rất nhiều khả năng chiếm đa số ở Thượng viện. Hiện tại, đảng CSSD chỉ nắm 38 trên 81 ghế Thượng nghị sĩ mà thôi.

Bầu cử địa phương tại Bỉ

Dù chỉ ở cấp địa phương, cuộc bầu cử hôm nay được đánh giá là khá quan trọng đối với sự toàn vẹn của nước này. Lý do là vì đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài chưa từng thấy, phải mất gần hai năm - chính xác là 541 ngày – cho đến tận tháng 12 năm ngoái, mới thành lập được chính phủ sau khi hai cộng đồng nói tiếng Pháp và tiếng Hà Lan thỏa thuận được với nhau.

Giới quan sát đặc biệt theo dõi cuộc bỏ phiếu ở Anvers, mà lãnh đạo đảng N-Va, xu hướng dân tộc chủ nghĩa vùng nói tiếng Hà Lan, Bart De Wever, có nhiều triển vọng chiến thắng.

Đảng N-Va chủ trương một vùng Flandre độc lập ở phiá bắc vương quốc Bỉ, tách hẳn với vùng Wallonie nói tiếng Pháp, ở phiá nam. Nếu thắng lợi ở Anvers, thủ phủ kim cương của nước Bỉ, thì nhân vật đòi độc lập cho vùng Flandre, sẽ củng cố uy thế cho cuộc bầu cử Quốc hội năm 2014.

Đảng N-Va là đảng chính trị mạnh nhất trong khu vực nói tiếng Hà Lan trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010.

Cánh tả sẽ được tiếp tục tín nhiệm tại Montenegro

Còn tại Montenegro, trong cuộc bầu lại Quốc hội trước thời hạn hôm nay, theo đánh giá chung, liên minh cánh tả cầm quyền có nhiều triển vọng tiếp tục lãnh đạo quốc gia Nam Tư cũ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.