Vào nội dung chính
NGA-CHÍNH TRỊ

Nga: Bắt một nhà đối lập bị nghi có âm mưu lật đổ chính quyền

Một phát ngôn uỷ ban điều tra của Nga hôm nay, 17/10/2012, thông báo mở điều tra về ông Serguei Oudaltsov, một trong những nhà đối lập hàng đầu của Nga, lãnh đạo phong trào Mặt trận Cánh tả.

Lãnh đạo phong trào đối lập Nga Serguei Oudaltsov (phải) bị cảnh sát đặc nhiệm bắt giữ tại nhà riêng ở Matxcơva ngày 17/10/2012.
Lãnh đạo phong trào đối lập Nga Serguei Oudaltsov (phải) bị cảnh sát đặc nhiệm bắt giữ tại nhà riêng ở Matxcơva ngày 17/10/2012. REUTERS/Maxim Shemetov
Quảng cáo

Cuộc điều tra ông Oudaltsov được tiến hành dựa trên bộ phim tài liệu chiếu trên một đài truyền hình thân chính quyền vào đầu tháng 10 vừa qua. Theo bộ phim này, nhà đối lập Nga dự trù dùng vũ lực để lật đổ chính quyền.

Cụ thể, ông Oudaltsov đã nhận lệnh và tài trợ từ cựu chủ tịch Ngân hàng Matxcơva, Andrei Borodine, hiện tỵ nạn ở Luân Đôn và từ một dân biểu Gruzia. Thậm chí ông bị cáo buộc là đang nhờ sự trợ giúp của lực lượng ly khai tchechnia để tiến hành khủng bố ở Nga. Nếu bị xem là có hành động chuẩn bị khủng bố, nhà đối lập Nga có thể lãnh tù lên tới chung thân.

Nhà của ông Oudaltsov đã bị khám xét và ông bị lực lượng an ninh đưa đến uỷ ban điều tra để thẩm vấn. Theo uỷ ban điều tra, cuộc điều tra cũng nhắm vào hai nhà đối lập khác, Konstantin Lebedev và Leonid Razvozjaev, cùng với nhiều người khác.

Trong các cuộc biểu tình chống chế độ tổng thống Vladimir Putin, nhà đối lập Oudaltsov thường xuyên bị câu lưu và nhiều lần bị kết án lên đến 15 ngày tù giam. Nhà của ông đã từng bị khám xét trong năm nay.

Trên đài phát thanh Tiếng vọng Matxcơva hôm nay, một trong những nhà đối lập hàng đầu khác ở Nga là Alexei Navalny đã tố cáo vụ điều tra ông Oudaltsov là “hoàn toàn phi lỳ” và là một vụ được ngụy tạo toàn bộ.

Theo phe đối lập Nga, cuộc điều tra nói trên một lần nữa thể hiện chính sách cứng rắn hơn của chính quyền Matxcơva kể từ khi ông Putin trở lại làm tổng thống tháng 5 vừa qua.

Ngoài các chương trình truyền hình với nội dung vu khống các nhà đối lập, nhiều đạo luật bị xem là mang tính chất đàn áp đối lập đã được thông qua trong những tháng gần đây, chẳng hạn như đạo luật xem các tổ chức phi chính phủ nhận tài trợ của quốc tế là “ nhân viên tình báo” của nước ngoài.

Theo nhận định của ông Lev Ponomarev, lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ về nhân quyền, chiến dịch đàn áp đối lập hiện nay khiến người ta nhờ đến thời thập niên 1930 dưới chế độ Stalin.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.