Vào nội dung chính
HOA KỲ - BẦU CỬ

Bầu cử Tổng thống Mỹ : Tranh luận kết thúc nhưng cuộc đua chưa ngã ngũ

Về thời sự quốc tế, sự kiện rất được chú ý và bình luận nhiều nhất là cuộc tranh luận cuối cùng trên đài truyền hình của hai ứng viên tổng thống Mỹ, Barak Obama và Mitt Romney. Nếu báo L’Humanité nêu trong hàng tựa trang thế giới, kết quả khách quan là « Obama có ưu thế trong cuộc tranh luận cuối cùng », thì nhìn chung, các báo đều đánh giá là cuộc đua chưa ngã ngũ.  

Cuộc chạy đua vào Nhà trắng càng về cuối càng gay cấn
Cuộc chạy đua vào Nhà trắng càng về cuối càng gay cấn
Quảng cáo

Le Monde trong hàng tựa lớn trang đầu, nhìn thấy là « Obama quyết liệt, Romney không dự án ». Tờ báo ghi nhận là đương kim Tổng thống Mỹ đã thắng trong cuộc tranh luận, nhưng đối thủ của ông vẫn có thể giữ được thuận lợi của mình. Trong bài xã luận, Le Monde đã lấy làm tiếc về sự nghèo nàn của đảng Cộng Hoà về mặt ngoại giao.

Le Monde chờ đợi nghe chủ trương của ứng viên Mitt Romney trên chương trình hạt nhân của Iran, trên chính sách của ông đối với « mùa xuân Ả Rập », đối với Syria, hay làm thế nào để duy trì quan hệ cân bằng với đối tác và cũng là đối thủ : Trung Quốc. Thế nhưng rốt cuộc, tờ báo đã thất vọng vì không thấy có gì cả.

Le Monde trở lại những kết quả của ông Obama - đã đưa nước Mỹ ra khỏi Irak ; đã hứa ra khỏi Afghanistan ; đã định hướng ngoại giao về phiá lục địa của tương lai là Châu Á... ; kết liễu với Ben Laden ; tiến hành một cuộc chiến không khoan nhượng với khủng bố. Quyết liệt trong cuộc tranh luận, ông Obama, theo Le Monde, là một người thực tế, thận trọng, còn Mitt Romney cho thấy không có thực chất.

Tuy nhiên Le Monde lấy làm tiếc là chính sách đối ngoại không có vai trò gì trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Ngày 6/11 tới đây, cử tri sẽ quyết định theo một tiêu chí duy nhất : kinh tế. Điều này thật đáng tiếc cho ông Obama, vốn đã hạ được đối thủ vào tối thứ hai trên mặt đối ngoại.

Le Figaro trên trang nhất nhận thấy : « Sau cuộc tranh luận cuối cùng, Romney vẫn đe dọa Obama ». Trong bài xã luận cũng ngay trên trang nhất – « Nước Mỹ cẩn thận », Le Figaro đánh giá là cuộc chạy đua vào Nhà Trắng chưa ngã ngũ hơn bao giờ hết. Cuộc tranh luận cuối cùng không cho thấy người nào vượt trội. Đây là điều mà ứng viên đảng Cộng Hoà muốn đạt đến. Từ lâu, ông bị cho là sẽ thua trước một Tổng thống đã từng muốn thay đổi vị trí nước Mỹ trên thế giới.

Ngược lại với đồng nghiệp Le Monde, Le Figaro khen ngợi ông Mitt Romney đã tỏ ra khéo léo, ôn hoà trên vấn đề Iran, Syria, Afghanistan, ngầm cho hiểu ông sẽ không phải là một G.W. Bush thứ hai, và sẽ tránh mọi phiêu lưu quân sự. Le Figaro cho là trên các chủ đề này, khoảng cách và khác biệt giữa hai đối thủ rốt cuộc rất nhỏ.

Tuy nhiên trong phần kết luận, Le Figaro cũng nhận thấy - như các đồng nghiệp - là yếu tố quyết định vẫn là kinh tế.

Tình trạng không người nổi bật có triển vọng nhất sau 3 cuộc tranh luận đã khiến báo Libération trang thế giới nói đến một « cuộc chạy đua không (người dẫn) đầu ». Tờ báo ghi nhận là chỉ còn 2 tuần lễ đến ngày bỏ phiếu, nhưng Obama và Romney vẫn ngang ngửa trong các cuộc thăm dò dư luận.

Như Le Figaro, Libération đánh giá là thái độ ôn hoà mà ông Romney cho thấy trong các cuộc tranh luận trên truyền hình sau thắng lợi của ông trong cuộc đấu đầu tiên đã duy trì thế thuận lợi của ông.

Vào lúc cử tri Mỹ càng ngày càng cho rằng kinh tế là mối quan tâm hàng đầu của họ, thì ‘businessman’ Mitt Romney, hứa đem tài năng của mình phục vụ kinh tế Mỹ, sẽ có cơ may chinh phục những người do dự cũng như người mà ông Obama đã làm thất vọng.

Tờ La Croix cũng giải thích vị trí tốt của Mitt Romney là nhờ các cuộc tranh luận trên truyền hình, mà tờ báo cho là đã ‘đưa ông lên lưng ngựa’.

Ý : Chuyên gia địa chấn bị tù vì không dự báo được động đất

Báo Pháp hôm nay cũng chú ý đến một sự kiện gây ngạc nhiên không ít đó là tại Ý, 7 chuyên gia đã bị kết án 6 năm tù vì đã không tiên liệu được động đất ở L’Aquila, năm 2009. Sự vụ là thứ hai vừa qua, toà án L’Aquila đã kết tội ‘Ngộ sát vì bất cẩn’ 7 chuyên gia nói trên về vụ động đất ở L’Aquila đã làm 309 người thiệt mạng ngày 6 tháng 4/ 2009.

Báo Libération nói đến một làn sóng chấn động mới sau vụ động đất trước phán quyết không bình thường, và sẽ gây tác hại lớn.Tờ La Croix chạy tựa lớn thứ hai trên trang nhất : « L’Aquila, những câu hỏi về một phán quyết ».

Theo tờ báo quả là phán quyết toà án L’Aquila đã gây ngạc nhiện và làm chấn động các nhà khoa học. Phán quyết bị đánh giá là phi lý và nguy hiểm, vì sẽ làm thối chí các nhà khoa học, họ sẽ không dám cho ý kiến, không nhiệt tình tham gia vào các ủy ban, nếu viễn cảnh là bị phạt tù.

La Croix trích lời chuyên gia cho là dự báo động đất vẫn là một thách thức đối với các nhà khoa học. Vì cho dù có nhiều tiến bộ, nhưng việc dự báo địa chấn hầu như không thể làm được, khác với dự báo thời tiết.

Các con virút bạn bè của H5N1

Về mặt sức khỏe, Le Monde hôm nay chú ý đến hiện tượng virút từ súc vật gây bệnh nơi người, khiến các bác sĩ và chuyên gia thú y phải tìm cách hợp sức trước những đại dịch mới.

Le Monde nhận thấy là hiện nay có một con virút mà ở Châu Âu không nghe thấy nói đến nhưng được giới khoa học Mỹ cảnh giác : Đó là con virút cúm A (H3N2v) đã lan truyền trong mùa hè ở một số tiểu bang như Ohio, Indianna. Cho đến ngày 19/10, số người bị nhiễm đã lên hơn 300.

Điểm đáng lưu ý, theo tác giả bài báo, là nếu triệu chứng cúm không khác triệu chứng cúm thông thường vào các mùa, như mùa thu, thì đặc điểm con virút nói trên là nó truyền từ heo sang người. Những người bị phát hiện nhiễm virút đều là người có tiếp xúc với heo bị bệnh.

Heo là con vật tích tụ virút cúm, nhưng điều mà các nhà sinh học hiện nay e ngại là con virút cúm đó kết hợp với những con virut khác để truyền từ người sang người. Họ càng đề cao cảnh giác khi mà trường hợp virut lây từ heo sang người nói trên lại diễn ra tại Hoa Kỳ, nước phát triển đứng đầu thế giới.

Trong việc đối phó với virút cúm nguy hiểm, Le Monde còn nhìn sang Cam Bốt, đang trầy trật với virút cúm gia cầm H5N1.

Le Monde trích lời một nữ bác sĩ thú y Flavie Goutard, vừa sống 3 năm ở Cam Bốt, cho biết là để tránh nguy cơ loại virut nguy hiểm biến thể và trở nên dễ chuyển sang người hơn, thì phải có giám sát thường xuyên ở các nước như Cam Bốt, Việt Nam, Indonesia, Ai Cập, những nơi mà loại virút này thường xuất hiện. Có điều sự giám sát lại hời hợt và thụ động.

Ví dụ như một em bé có hiện tượng cúm và sốt, thường được bác sĩ cho về nhà với vài viên paracetamol, chỉ đến khi trở lại lần thứ 2, thậm chí lần thứ 3 với hiện tượng khó thở, thì lúc ấy mới báo động. Kiểm tra gia cầm cũng thế. Đến khi có một lượng lớn gà vịt chết mới báo. Và Cam Bốt không đền bù gia cầm bị tiêu hủy cho nên nông dân tránh việc thông báo gà vịt bị bệnh.

Không chỉ thế, bài báo nêu trường hợp ở cấp bộ, giữa bộ y tế và nông nghiệp rõ ràng không cùng mục tiêu ưu tiên, khiến công việc giám sát phòng chống rất « thụ động ». Hiện nay, theo bài báo, vùng mà gia cầm bị nhiễm virút nhiều nhất là vùng lưu vực sông Mêkông cho nên giới nghiên cứu đang cố thực hiện việc giám sát gọi là tích cực ở khu vực này, qua việc lấy mẫu thường xuyên ở chợ, gia tăng đào tạo, thông tin cho giới chăn nuôi và thiết lập một hệ thống báo động sớm và nhanh.

Thời sự nước Pháp

Như thông lệ thời sự nước Pháp chiếm tít lớn các báo, và đều là những tin không mấy phấn khởi : Le Figaro lo ngại trước tình hình an ninh, nêu bật con số « 38 cảnh sát và hiến binh bị tấn công hàng ngày », Les Echos chú ý đến việc « Nhà nước cứu giúp khẩn cấp tập đoàn xe hơi Peugeot – Citroen ».

Bên cạnh chủ đề trên, Les Echos ghi nhận những sự kiện không mấy vui như tinh thần giới công nghiệp Pháp xuống mức thấp nhất từ 3 năm qua, và tờ báo cũng chỉ trích chính sách khắc khổ « không tốt »của tổng thống François Hollande, sẽ tác hại đến tăng trưởng.

Tờ La Croix lưu ý về những « vết thương chiến tranh mà người ta không thấy », tức là những chấn thương về tâm lý nơi những người lính gởi đi chiến đấu bên ngoài, như ờ Afghanistan. Đây là một hiện tượng mà quân đội Pháp, theo tờ báo, ngày càng quan tâm. Đây là một chủ đề nhạy cảm trong lúc mà 2000 lính Pháp sắp trở về từ Afghanistan.

Tờ l’Humanité cũng dành tựa đầu cho nước Pháp, nhưng đi sang Bruxelles, theo dõi « những người lưu vong vì thuế », tức là những kẻ giàu có của Pháp, tự « lưu vong » qua Bỉ để không trả thuế cao.
 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.